Cước cao, thiết bị đầu cuối ít chủng loại + giá đắt, vùng phủ sóng hẹp là 3 lý do chính đang cầm chân dịch vụ Mobile TV tại Việt Nam. Ảnh: Trần Giang.

Tại Việt Nam, từ cuối năm 2006 có 2 doanh nghiệp chính thức thương mại hoá Mobile TV là SPT và VTC. Hồi mới ra mắt dịch vụ, cả hai đều dự báo Mobile TV nhanh chóng bùng nổ song thực tế, hai dịch vụ này  đang phát triển rất cầm chừng. Cước cao, thiết bị đầu cuối ít chủng loại + giá đắt, vùng phủ sóng hẹp là 3 lý do chính đang cầm chân dịch vụ Mobile TV.

S-Fone là mạng điện thoại di động CDMA đi tiên phong cung cấp Mobile TV vào tháng 12/2006 theo chuẩn DMB nhưng hiện mới chỉ có duy nhất một loại máy Samsung F363 hỗ trợ xem phim, xem truyền hình. Hiện không nhiều thuê bao S-Fone sử dụng dịch vụ Mobile TV. Nguyên nhân khiến Mobile TV của S-Fone chưa phổ biến là do mức cước còn quá cao và cách tính cước phức tạp. Ban đầu để xem Mobile TV người dùng phải chi trả tổng cộng khoảng 5.000 đồng/phút. Khắc phục nhược điểm này, S-Fone đã “cải thiện” bằng cách phát hành riêng gói cước dữ liệu (tách riêng với cước thoại) nhưng mức cước vẫn còn khá cao. Hiện tại, khách hàng xem Mobile TV S-Fone phải trả 2 loại cước. Với gói cước 400.000 đồng/tháng được xem truyền hình với dung lượng tối đa là 4Gb, gói cước 250.000 đồng/tháng được xem truyền hình với dung lượng tối đa 2Gb, vượt quá hạn mức dung lượng này khách hàng  trả thêm 0,5 đồng/kb truy cập. Nếu khách hàng sử dụng các dịch vụ nội dung khác thì phải trả phí riêng. Ví dụ, cước tải nhạc (MOD) là 2.000 đồng/bài, nghe trực tuyến 500 đồng/bài, cước xem phim (VOD) tải về 2.500 đồng/nội dung, xem trực tuyến 1.000 đồng/nội dung. Với cách tính này, thuê bao S-Fone phải chi phí tối thiểu 250.000 đồng/tháng riêng cho dịch vụ Mobile TV.

Ông Đỗ Văn Quất – Phó Giám đốc kinh doanh của S-Fone không cho biết hiện có bao nhiêu thuê bao S-Fone đang sử dụng Mobile TV, cũng không tiết lộ con số về doanh thu của riêng dịch vụ này, song ông nói: “chưa nhiều lắm”.

VTC ra mắt dịch vụ Mobile TV theo chuẩn DVB-H từ tháng 1/2007, vào thời điểm đó VTC kỳ vọng phát triển được ít nhất 80.000 thuê bao trong năm đầu tiên, song sau 8 tháng mới chỉ có 5.000 thuê bao. So với Mobile TV của S-Fone, Mobile TV của VTC có lợi thế hơn vì thuê bao của 3 mạng GSM là Mobifone, Vinaphone, Viettel có thể sử dụng dịch vụ và có  cước “mềm” hơn nhiều so với S-Fone. Mobile TV của VTC có cách tính trọn gói theo tháng, khách hàng không bị hạn chế thời gian và dung lượng xem. Hiện có 2 gói cước, gói 30.000 đồng/tháng xem được 1 kênh VTCm và 2 kênh phát thanh, gói 90.000 đồng/tháng xem được 7 kênh truyền hình và 2 kênh phát thanh. Tuy nhiên, giá cước này hiện vẫn bị coi là đắt so với thu nhập của người dân Việt Nam.

Giá máy cao là hạn chế lớn nhất khiến VTC Mobile khó thương mại hoá. Hiện Nokia đang độc chiếm thị trường máy đầu cuối xem truyền hình số di động VTC với 2 loại máy, N92 có giá hơn 12 triệu đồng và N77 có giá là 8,5 triệu đồng. Nhà phân phối FPT cho rằng, chưa có một dòng máy cao cấp nào của Nokia lại bán được số lượng nhiều như N92 và N77, trung bình mỗi tháng khoảng gần 1000 máy. Điều này cũng đồng nghĩa, trung bình mỗi tháng VTC Mobile tăng chưa tới 1.000 thuê bao. “Nếu thiết bị đầu cuối đa dạng và bình dân hơn, có những loại máy giá 3-4 triệu đồng cho truyền hình số di động thì chắc chắn lượng thuê bao sẽ tăng nhanh hơn”, ông Lê Đoàn Quân – Giám đốc Công ty Truyền hình số di động nói.

Bên cạnh đó, vùng phủ sóng còn quá hẹp cũng là nguyên nhân khiến dịch vụ Mobile TV bị cầm chân. Hiện VTC Mobile mới chỉ phủ sóng ở Hà Nội, TPHCM và Hải Phòng, tại 3 địa phương này chất lượng âm thanh và hình ảnh khá tốt. Một số khu vực lân cận với 3 tỉnh này như Bắc Ninh, Hà Tây, Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Tây, Bình Dương, Đồng Nai… cũng có thể bắt được sóng nhưng chất lượng còn chập chờn. Tương tự, S-Fone cũng mới chỉ phủ sóng 3G ở khoảng 4, 5 tỉnh, thành phố lớn.

Có thể nói, Mobile TV Việt Nam mới chỉ dừng lại ở mức độ thử nghiệm công nghệ mới mang tính hội tụ giữa viễn thông, Internet và phát thanh truyền hình mà chưa thể thương mại hoá. Cước cao, thiết bị đầu cuối ít chủng loại + giá đắt và vùng phủ sóng hẹp, là 3 lý do chính đang cầm chân Mobile TV.

Để thúc đẩy dịch vụ, thay vì tập trung nâng cao chất lượng nội dung VTC Mobile phải đi làm thương mại, tìm kiếm đối tác cung cấp thiết bị. Hiện có thêm hãng Samsung đang thử nghiệm kỹ thuật cho máy P930, song giá của loại máy này không rẻ hơn Nokia là bao, dự kiến trên 7 triệu đồng. Thực tế việc đa dạng hoá chủng loại thiết bị đầu cuối và hạ giá thành không dễ dàng, vì cả S-Fone và VTC Mobile đều bị phụ thuộc vào các hãng nước ngoài. Cả 2 doanh nghiệp này chỉ có thể chủ động trong việc mở rộng vùng phủ sóng, tăng cường khâu tiếp thị và chăm sóc khách hàng để nuôi dịch vụ.

(theo ICTnews) 




Bình luận

  • TTCN (1)
Nemo Nguyen  21665

Truyền hình di động chỉ mới ở dạng "hứa hẹn" bùng nổ ở các nước phát triển... thì sao mà "bùng nổ" ở VN nổi, chỉ mới ở dạng "mầm" hay để các hãng marketting công nghệ mà thôi.