Beeline chấp nhận... ngồi bên lề đường để tiếp thị sản phẩm tới nhiều khách hàng hơn. Ảnh: Đông Nhiên.

Khoảng hai tháng gần đây, trên nhiều tuyến phố Hà Nội, người đi đường không khỏi ngạc nhiên và thú vị với hình ảnh... quầy bán sim, thẻ của Beeline ngự trị ngay trên các vỉa hè, lề đường.

Với diện tích không quá 1m2, quầy hàng của Beeline được trang trí cực kỳ đơn giản với một chiếc ô, một chiếc bàn ngắn, nhỏ và duy nhất một nhân viên bán hàng. Ô, bàn và đồng phục nhân viên đều được khoác biểu tượng không thể lẫn của Beeline. Không ít người đã rất ngạc nhiên khi chứng kiến gian hàng này của "gã nhà giàu" Beeline. "Nếu không có những sắc màu đặc trưng, tôi đã nhầm đây là quầy xổ số. Những hãng di động trước thường chọn những điểm rộng lớn, trung tâm và đông dân cư. Hình thức kinh doanh của Beeline quả rất mới lạ trong giới viễn thông di động", anh Hoài Nam, ở Mai Động nhận xét.

Nhiều khách hàng khác cũng tỏ ra rất thích thú và hài lòng về cách kinh doanh độc đáo này. Anh Phú ở Mỹ Đình kể lại, có lần để "chữa cháy" khi điện thoại bỗng dưng hết card, anh phải đi tìm một quầy bán sim, thẻ điện thoại gần đó. Rất may khi trên đường Lê Đức Thọ có một gian hàng Beeline di động. "Thú thực, trong nhiều trường hợp, những khách hàng bận bịu rất cần những quầy hàng như thế này và họ sẽ không băn khoăn nhiều trong việc lựa chọn hãng nào để mua sản phẩm”, anh Phú nói.

Trên thực tế, không ít người thừa nhận, cảm thấy Beeline quen thuộc hơn nhờ những quầy hàng này đang xuất hiện ngày càng nhiều trên hè phố. "Thời gian đầu, khi Beeline ra mắt, tôi chưa chú ý nhiều. Nhưng đi trên đường thường xuyên gặp những hình ảnh này, tôi bị thu hút nên quyết định dùng thử sản phẩm của hãng", chị Khánh, một khách hàng khi đang ghé qua quầy Beeline tại ĐH Sư phạm Hà Nội nói.

Theo anh Nam, nhân viên kinh doanh của Beelin, trong các ngõ, ngách hiện nay, các hãng điện thoại di động đã kịp thời "phủ sóng", mở rất nhiều cửa hàng sim thẻ. Tuy nhiên, trên nhiều tuyến đường phố lớn thì mật độ này lại khá thưa thớt vì tiền thuê mặt bằng quá nặng, chủ yếu là các nhà hàng, bar, café, trung tâm thương mại… "Thế nên việc có thêm một gian hàng di động bên lề đường cũng khá tiện lợi cho khách", anh Nam nói. 

Anh Nam cũng cho biết thêm, những người phụ trách quầy hàng di động chủ yếu là nhân viên của Beeline chứ không phải do hãng thuê lại. Hầu hết đều cho biết, thời gian đầu rất "ngán" việc ngồi bán bên lề đường vì bụi bặm, nắng mưa, hoặc ngại gặp phải người quen. Tuy nhiên, sau đó thấy kiểu bán hàng này thực sự thiết thực và có hiệu quả nên quen dần. "Trung bình, mỗi ngày tôi bán được khoảng vài chục cái sim. Khách mua chủ yếu là người qua đường, ngại rẽ vào trong một cửa hàng nào đó thẻ vì mất thời gian. Lượng khách quen vẫn ít", chị Nguyễn Kim Cúc, nhân viên bán hàng của Beeline tại quầy hàng trên đường Lê Đức Thọ nói. Chị Cúc vui vẻ kể thêm: "Hằng ngày, khá nhiều người tò mò ghé qua hỏi về cách bán hàng thú vị này".

Còn nhân viên của quầy Beeline ngay sát ĐH Thương mại thì tiết lộ, dù bán hàng một mình nhưng không có chuyện các nhân viên tùy tiện tăng hay giảm giá sản phẩm, vì hầu như ngày nào cũng có người của Beeline "trong vai" khách hàng qua hỏi mua sim, thẻ nhằm kiểm tra sự trung thực của nhân viên.

Ngoài việc trưng bày ngay lề đường, những gian hàng mini của Beeline còn hết mực "chiều lòng" khách bằng nhiều hình thức.

Beeline đã tăng tài khoản của sim từ 120.000 đồng lên 145.000 đồng, ngang bằng với các mạng khác. Ngoài ra, nếu một chiếc sim và thẻ cào mệnh giá 50.000 đồng của Beeline bán ra tại các đại lý, cửa hàng phổ biến ở mức 50.000 đồng thì tại các quầy hàng di động, giá chỉ còn 45.000 đồng.

Chị Cúc kể, bên cạnh việc bán sim, thẻ, các quầy hàng mini trên còn trưng bày danh sách một loạt sim số đẹp của Beelie với giá bán từ 150.000 đến 10 triệu đồng. 

Cuộc đua tranh vẫn khốc liệt trên thị trường di động

Thị trường di động trong nước vẫn đang chứng kiến những đợt "sóng ngầm". Các mạng có thị phần nhỏ như Vietnammobile, S-Fone, EVN Telecom cũng đang tìm các hướng khai thác thị trường hoặc chiêu thức cạnh tranh mới để tồn tại và tăng thị phần. Chẳng hạn, trong khi các mạng khác khuyến mại “hết đát” cũng chỉ tặng 100 - 130% vào tài khoản cho thuê bao trả trước khi nạp card, thì Vietnammobile sẵn sàng tặng đến 200% giá trị thẻ nạp với thời gian khuyến mại kéo dài đến hai tháng liên tiếp (từ 1/8 đến 30/9), trong khi các mạng khác khuyến mại chỉ trong 2 - 3 ngày…

Trước những chiêu thức cạnh tranh mới của các mạng di động nhỏ,  các “ông lớn” như Mobi, Vina, Viettel bắt đầu “đứng ngồi không yên”. Hai mạng "anh em Mobi và Vina nhà VNPT chọn chiêu thức cạnh tranh bằng việc "đánh vào" từng khách hàng cụ thể, và thời điểm này, các “ông lớn” đặc biệt chú trọng tới giới học sinh, sinh viên.

Mới đây nhất, ngày 4/9, VinaPhone chính thức ra mắt hai gói cước đặc biệt dành cho học sinh, sinh viên, với tên gọi Talk-Student và Talk-Teen. Sử dụng gói cước này, mỗi tháng khách hàng được tặng 50.000 đồng vào tài khoản và 25 tin nhắn nội mạng miễn phí, cước mỗi tin nhắn chỉ còn 99 đồng, cước gọi cũng khá rẻ...

Theo DatViet



Bình luận

  • TTCN (0)