Ảnh: Slashdot.

Có vẻ như các nhà lãnh đạo của cộng đồng Linux cũng đã chấp nhận thực tế rằng "Chim cánh cụt" sẽ không thể làm nên chuyện tại thị trường desktop. Mặc dù vậy, họ vẫn khẳng định rằng thành công trong các địa hạt khác, chẳng hạn như di động, cũng không kém phần quan trọng.

Tham dự hội thảo Linuxcon vừa diễn ra tại Portland, Mỹ, ông Ted Ts’o, Giám đốc Công nghệ của Linux Foundation tỏ ra khá lưỡng lự khi được hỏi rằng liệu 2010 có phải là năm "cất cánh" của Linux trên desktop hay không?  

Cuối cùng, Ts’o trả lời: "Tôi không biết việc tất cả mọi người, hoặc nhiều người sử dụng Linux làm hệ điều hành desktop, có thực là một việc quan trọng hay không".  

Còn Bob Sutor, Phó Chủ tịch phụ trách nguồn mở và Linux tại tập đoàn IBM thì vạch ra những "viễn cảnh có khả năng xảy ra" dành cho Linux desktop trong các năm tới. Một trong số đó là Linux sẽ chết. "Hoặc là chúng ta thôi không còn sử dụng desktop nữa. Thế là chẳng ai còn quan tâm nữa cả".

"Nếu như thị phần của Linux desktop đạt được 2 con số, đó sẽ là lúc để chúng ta tuyên bố chiến thắng", ông nói đùa. Tuy nhiên, thay vì khóc lóc, than vãn cho số phận hẩm hiu của Linux trên máy tính để bàn, các nhà lãnh đạo đã tập trung tìm kiếm thành công ở những mảng khác. 

"Linux đang được sử dụng hàng ngày, bởi mọi con người hiện đại", ông Jim Zemlin, Giám đốc Điều hành của Linux Foundation cho biết. Đó là bởi những website phổ biến như Google hay Facebook đều có ứng dụng Linux, cũng như nhiều thiết bị phổ biến như đầu thu kỹ thuật số TV cũng dùng Linux. 

Không khí thảo luận có vẻ phấn khích hơn nhiều khi chuyển sang thảo luận về những tiến triển của chim cánh cụt trong thị trường ĐTDĐ. Cả hai hệ điều hành Android của Google và Palm Pre đều được xây dựng trên nền Linux, đồng thời LiMo Foundation cũng đang hỗ trợ một loạt công nghệ Linux di động. Hãng sản xuất ĐTDĐ số một thế giới Nokia cũng đang dùng Maemo, một nền tảng dựa trên Linux, bên trong thiết bị truy cập Internet của mình. 

Thêm nữa, cộng đồng Linux đang nuôi hy vọng lớn trong việc giành lại thị trường netbook. Ông Zemlin có nói bóng gió về một số mẫu netbook sẽ được công bố vào cuối tuần này, sử dụng hệ điều hành Moblin do Intel tài trợ và cũng dựa trên nền tảng Linux. 

Về phần mình, cha đẻ của Linux - Linus Torvalds tỏ ra hoàn toàn mãn nguyện với trạng thái hiện tại của hạt nhân Linux. Ông cho biết không còn một tính năng nào bị coi là "bất khả thi" để tích hợp vào trong hệ điều hành nguồn mở này. Torvalds cũng rất vui mừng với những tiến bộ trong mô hình phát triển Linux, bởi theo ông, việc sáp nhập các mã nguồn mới vào trong hạt nhân đã trở nên vô cùng dễ dàng. 

"Làm việc với Linux giờ đây thật dễ chịu". Tuy nhiên, không phải là Torvalds không có những lời ca thán. "Đây không phải là hạt nhân nhỏ gọn, siêu hiệu quả mà tôi mường tượng ra cách đây 15 năm. Hạt nhân của Linux quá khổng lồ và phình to. Cứ mỗi khi chúng ta thêm vào một tính năng mới, quả bóng lại thêm căng hơi và tôi e ngại tình hình sẽ trở nên đáng lo hơn". 

Theo VietNamNet (AP)




Bình luận

  • TTCN (0)