Chính phủ điện tử là thiên đường của dân chủ và trong sạch nhưng triển khai rất chậm ở Việt Nam có nguyên nhân chính do thủ tục hành chính bất cập và nhiều lãnh đạo thờ ơ.
Báo BĐVN đã trò chuyện với TS. Nguyễn Trọng, nguyên Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về CNTT về vấn đề triển khai dịch vụ công trực tuyến.
Thưa ông, tính đến thời điểm hiện nay đã có khá nhiều địa phương, ngành triển khai dịch vụ công trực tuyến cho phép doanh nghiệp (doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, liên doanh) khai báo thủ tục qua mạng. Ông có đánh giá gì về hiệu quả của sự phát triển này?
Khởi đầu cho dịch vụ Chính phủ điện tử loại này là Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM vào năm 1999. Khi đó còn giữ chức vụ Trường trực Ban Chỉ đạo CNTT TP. HCM và cũng thuộc phạm vi trách nhiệm của mình, tôi đã rất ủng hộ dự án này.
Từ đó đến nay, đã có khá nhiều địa phương và một số ngành triển khai dịch vụ công trực tuyến hướng đến phục vụ đối tượng doanh nghiệp. Trong đó, các địa phương được triển khai nhiều nhất vì đó là nơi trực tiếp quan hệ với doanh nghiệp, còn các ngành như thuế và hải quan cũng đã có những thử nghiệm nhất định.
Như vậy, nếu tính đến năm 2009 thì dịch vụ công trực tuyến hướng đến đối tượng doanh nghiệp tại Việt Nam đã có “lịch sử” 10 năm. Tuy nhiên, nếu nhìn lại chặng đường đó thì có thể nhận thấy thực tế các doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam vẫn chưa được “rảnh tay” bao nhiêu nếu nhờ vào các thủ tục khai báo trực tuyến từ xa qua mạng. Tất cả những gì gọi là “chính thức” đều vẫn chưa thể đi vào thực tế vì vấn đề ứng dụng chữ ký điện tử, chứng thực điện tử còn khó khăn, cũng như rất nhiều thủ tục hành chính hiện nay còn chưa hợp lý hoặc thiếu chuẩn mực.
Ngay tại TP. HCM, nơi đầu tiên triển khai thì đến nay cũng mới tạm xem là khá phát triển. Chỉ riêng việc đăng ký thành lập doanh nghiệp, trong số khoảng 50% doanh nghiệp đã sử dụng dịch vụ qua mạng cũng chưa thể thực hiện qua mạng cho toàn bộ thủ tục thành lập.
Ông có thể cho biết cụ thể hơn những vấn đề quan trọng khác mà dịch vụ công trực tuyến chưa đáp ứng được cho nhu cầu doanh nghiệp?
Nói một cách hình ảnh, chúng ta có thể ví chuyện doanh nghiệp được khai báo thành lập qua mạng cũng tương tự như chuyện mỗi người sinh ra được làm khai sinh qua mạng (nhưng cũng chưa phải toàn bộ quy trình làm giấy khai sinh và cũng chỉ làm được ở một số địa phương). Còn lại, cả “quãng đời” dài của doanh nghiệp như cuộc sống con người hàng trăm năm với bao nhiêu hoạt động liên quan đến các cơ quan công quyền về thủ tục hành chính, về thuế, hải quan, nhà đất, về vốn…, thì vẫn chưa được đáp ứng. Nói chung, sau khi “khai sinh” thì chưa có cái gì tương đối hoàn chỉnh về các dịch vụ trực tuyến mà doanh nghiệp có thể được thụ hưởng.
Có thể nói dịch vụ công trực tuyến quá chậm chạp để bắt nhịp với sự phát triển của kinh tế. Theo ông, điều đó đang gây hạn chế đối với sự phát triển kinh tế đất nước trong thời kỳ mới hiện nay như thế nào?
Triển khai loại hình dịch vụ Chính phủ điện tử cho các doanh nghiệp dễ thực hiện và có hiệu quả nhất, còn Chính phủ điện tử cho người dân thì còn khó khăn hơn nhiều. Các dịch vụ công trực tuyến được triển khai trong thực tế sẽ không chỉ giúp doanh nghiệp giải thoát nhiều ức chế (đỡ phải đi lại nhiều lần, đỡ bị phiền hà do bị cán bộ nơi cơ quan công quyền nhũng nhiễu, hạch sách…), tiết kiệm toàn diện (ngay như chi phí tốn kém cho việc đi lại) mà còn là công cụ vô cùng quan trọng chống tham nhũng. Có người từng nhận định “Chính phủ điện tử là thiên đường của dân chủ và trong sạch”, chính vì thế ở đây tôi muốn nhấn mạnh rằng: Còn chậm trễ triển khai, còn kém hiệu quả, còn giả dối.
Vậy đâu là nguyên nhân chính gây ra sự “chậm chạp”: vấn đề tài chính, cơ chế hay khả năng nhìn nhận của lãnh đạo?
Nguyên nhân chậm chạp thì nhiều, tuy nhiên có thể nhắc đến hai vấn đề cơ bản nhất: Một là các thủ tục hành chính còn chưa hợp lý và chuẩn mực. Hai là những người có trách nhiệm không thiết tha gì với các công cụ của nền dân chủ này, với các công cụ chống tham nhũng này.
Khẳng định như vậy nhưng tôi cũng phải nói thêm là vẫn còn nhiều người tốt, dù rằng không ít trong số họ lại thiếu hiểu biết, dễ bị “qua mặt” bởi những bản báo cáo không thật.
Ông có thể nêu ví dụ về một quốc gia phát triển dịch vụ công trực tuyến cho doanh nghiệp hiệu quả mà Việt Nam có thể học hỏi?
Ngay trong khu vực Đông Nam Á, từ hơn 20 năm trước Singapore là một đất nước điển hình trong phát triển Chính phủ điện tử. Đó là những kinh nghiệm như tầm nhìn phải được thống nhất từ cấp cao nhất của quốc gia đến cấp thừa hành thấp nhất, hướng đến cung cấp theo nhu cầu của doanh nghiệp một cách đơn giản, hiệu quả nhưng đồng thời tiếp xúc được nhiều cơ quan cũng như quá trình tham gia phục vụ... Việt Nam có thể tham khảo, học hỏi được rất nhiều điều từ quốc gia này. Tuy nhiên, con đường để chúng ta phấn đấu đạt đến mức độ như Singapore khoảng 10 năm trước đây có lẽ vẫn còn rất dài.
Cảm ơn ông!
Theo ICTnews
Bình luận