Khai thác lợi ích từ tài sản sở hữu trí tuệ sẽ là chiến lược công nghệ mới của những ông lớn như Nokia.
Vụ kiện giữa Nokia và Apple đang trở nên ngày càng đình đám và thu hút được nhiều sự quan tâm của giới luật gia cũng như những người có liên quan. Trong vụ này, Nokia tuyên bố rằng "Quả táo" đã xâm phạm 10 sáng chế của họ cho các công nghệ kết nối rất "căn bản", liên quan đến GSM, UMTS và mạng LAN không dây (WLAN). Cụ thể, các sáng chế này bao gồm dữ liệu không dây, mã hóa thoại, mã hóa và bảo mật... Nokia tin rằng cả 10 sáng chế này đều đã bị xâm phạm trên tất cả các thế hệ iPhone kể từ khi phiên bản này ra đời năm 2007.
Tuy nhiên, một câu hỏi lớn được đặt ra là tại sao cho đến giờ Nokia mới kiện Apple. Với việc sở hữu trí tuệ (bản quyền, nhãn hiệu, sáng chế hay bí mật thương mại…) đang ngày càng trở nên quan trọng đối với các công ty công nghệ trên toàn thế giới, động lực đằng sau nỗ lực kiện tụng này của Nokia có thể được soi sáng theo xu hướng này.
Theo Barry L. Cohen, một luật sư chuyên về kinh doanh, thương mại và sở hữu trí tuệ, do Nokia đã cấp quyền sử dụng sáng chế khá thành công cho rất nhiều công ty khác nên hãng Phần Lan này đã rất tự tin rằng mình sẽ đạt được một thỏa thuận tương tự với Apple. Vì thế, khi các thương lượng trở nên bế tắc, Nokia chỉ còn một cách cuối cùng là đem vấn đề này ra tòa.
Kiện Apple có thể là một chiến lược có tính toán nhằm tăng thêm áp lực với Apple phải đồng ý các điều kiện mà Nokia đề nghị liên quan tới việc chuyển giao quyền sử dụng các công nghệ đã được bảo hộ của Nokia. Bởi lẽ, 10 sáng chế trong vụ này bao gồm cả những công nghệ rất cơ bản nên không chỉ có Nokia mà vụ kiện có thể còn được hậu thuẫn bởi một vài (hoặc rất nhiều) các công ty vốn đã trả phí chuyển giao quyền sử dụng cho Nokia và nay muốn Apple cũng phải làm điều tương tự.
Câu hỏi giờ lại là tại sao Apple từ chối trả phí bản quyền công nghệ nếu những thứ đó là tối cần thiết trong iPhone. Rất có thể, Apple đã nhận chuyển giao công nghệ tương tự từ Ericsson (hãng cùng với Nokia và Qualcomm nắm giữ những bằng sáng chế chủ yếu về công nghệ di động trên toàn thế giới), do đó họ cho rằng không cần thiết phải mất phí chuyển giao công nghệ từ Nokia nữa. Hoặc có thể Apple tin rằng các công nghệ này không xâm phạm hoặc các sáng chế của Nokia hết hiệu lực. Nhưng điều này là không thể bởi có tới 40 công ty di động khác đã nhận bản quyền sử dụng các sáng chế chủ chốt này.
Theo luật sư Cohen, có vẻ đây chủ yếu là vấn đề tài chính. Chừng nào mà Apple chưa phải trả phí bản quyền, chừng đó hãng này còn có thể bán iPhone với giá rẻ và từ đó xây dựng được thị phần. Apple có thể không muốn trả hoặc không thể đồng ý với mức phí mà Nokia đòi. Nên nhớ rằng với lượng sản phẩm bán ra khổng lồ của Apple, chỉ cần một chút thay đổi nhỏ trong giá đàm phán cũng có thể làm chênh lệch tới cả trăm triệu USD.
Không cần biết tới động lực thực sự đằng sau nhưng có vẻ như Nokia đang sử dụng vụ kiện như một con bài mặc cả. Cả hai công ty, dù muốn hay không, thực ra đều đủ tiềm lực theo đuổi đến hết vụ kiện bởi cho dù án phí có lên tới hàng triệu USD cũng không thấm vào đâu so với những đại gia như Nokia và Apple. Một mặt, rất có thể vụ kiện Apple giúp Nokia có thêm cơ hội đạt được các thỏa thuận khác (như nhận tiền phí chuyển giao công nghệ cho các sáng chế của hãng). Mặt khác, có thể vụ kiện cũng giúp Apple tiết kiệm thêm vài đồng nếu như một bên hòa giả thứ ba đứng ra giúp giải quyết vấn đề.
Một số có thể cho rằng Nokia là hãng hai mặt khi viện dẫn tới vụ việc hãng này cũng vướng vào vòng lao lí kéo dài hao tiền tốn của về tiền chuyển giao bản quyền với hãng Qualcomm. Nhưng theo Cohen, Nokia không phải là một hãng ngờ nghệch không biết cân đong đo đếm thuận lợi và khó khăn khi tiến hành vụ kiện và ý nghĩa của nó đối với chiến lược của mình. Chiến lược này có thành công hay không sẽ một phần phụ thuộc vào động thái của Apple, vốn cũng không phải là kẻ ngờ nghệch gì.
Có thể thấy rằng vụ kiện này liên quan đến những khó khăn tài chính gần đây của Nokia. Đối với những người từng theo dõi về sở hữu trí tuệ và hiểu về giá trị của những tài sản vô hình thì đây rõ ràng là một vụ đàm phán. Nokia là một công ty công nghệ di động khổng lồ. Mặc dù hãng đang phải đối mặt với những đối thủ như Apple, HTC, Samsung… nhưng chắc chắn vụ kiện này không phải là một kiểu kiếm thêm chút vụ lợi từ thành công của iPhone.
Theo Crunchgear, dù kết quả tốt hay xấu thì khai thác tài sản trí tuệ sẽ vẫn là xu hướng mới của công nghệ. Các công ty đã tiêu tốn hàng trăm triệu USD để phát triển các tài sản trí tuệ của mình, và giờ đây họ sẽ tìm cách khai thác lợi ích mà các tài sản này có thể mang lại (như kiện tụng không ngừng nghỉ các công ty) để bảo vệ và thực thi quyền tài sản trí tuệ đó của họ.
Theo Số hóa.
Bình luận