Sự thành công của Google khiến không ít người giật mình, nhưng cũng chính từ triết lý và mục tiêu mà gã khổng lồ tìm kiếm đang theo đuổi, chúng ta có thể học được khá nhiều điều.

Ken Auletta, tác giả của cuốn Googled: The end of the world as we know it, đã chia sẻ với độc giả CNN những điều tâm đắc của mình sau chuyến hành trình khám phá lịch sử Google.

 

1. Quyết tâm giành chiến thắng đến cùng

Hãy bắt đầu với lời khuyên của Larry Page dành cho các doanh nghiệp khi phát biểu tại Đại học Stanford, trước các tân sinh viên mới tốt nghiệp “Đừng tự bằng lòng”. Quyết tâm, lòng quả cảm này đã trở thành động lực để Page và Serget Brin truyền cảm hứng cho toàn bộ nhân viên Google sẵn sàng với phương cham “phục vụ tối đa lợi ích của người dùng”, chấp nhận những mạo hiểm mới, sẵn sàng cải tiến triệt để công cụ tìm kiếm.

Michael Moritz, nhà đầu tư từng rót tiền cho cả Yahoo và Google, chia sẻ với Ken Auletta, Google là một công ty “hiếm có”: “Với Yahoo, tôi là một đối tác thân cận từ lâu, ở đấy tôi có rất nhiều cảm xúc và muốn được duy trì tình cảm lâu dài. Nhưng từ khi đến với Google, tôi bắt đầu nhận ra rằng công ty này rất khác so với Yahoo. Nó được hình thành từ những nghiên cứu mày mò của các nhà sáng lập. Trong khi đó, Yahoo do Jerry và David xây dựng, từ niềm yêu thích cá nhân. Đó là một sự khác biệt rất lớn”.

Thiếu niềm say mê, Moritz chia sẻ, chính là lý do khiến Jerry Yang và David Filo không dành trọn thời gian làm việc cho công ty mà cả hai đã tạo lập.

2. Tập trung vào mục tiêu nhất định là chìa khóa

Có niềm say mê mà không định hướng sẽ dẫn tới lạc đường. Bill Campbell, người đứng đầu hãng phần mềm Intuit, sau khi dành nhiều ngày tham quan trụ sở của gã khổng lồ phần mềm đã chia sẻ rằng: thành công của Google chính là biết “đam mê một cách tập trung”. Có thể thấy vai trò đặc biệt quan trọng của yếu nhân thứ ba ở Google, CEO Schmidt. Mặc dù là người đến sau nhưng Schmidt đã đóng góp một cách đáng kể vào lộ trình phát triển và thành công của Google như ngày nay.

3. Nhìn xa trông rộng

Nếu không có tầm nhìn, những kế hoạch đã lên sẽ đi vào ngõ cụt. Không ít lần người dùng Internet đã trương những khẩu hiệu hi vọng và mong mỏi Google không trở thành những “con quỷ” như các đại gia công nghệ khác. Trong khi đó, với mục tiêu ban đầu là mang thông tin của toàn thế giới đến tận tay người dùng, Page và Brin đã nỗ lực và luôn tâm niệm: đầu tiên và quan trọng nhất là phục vụ “thượng đế”.

Từ định hướng ấy, Google đã trở thành công cụ nhanh chóng chiếm lĩnh niềm tin của hàng triệu người dùng, khi giúp họ tìm kiếm thông tin trên mạng, tin tức, sách, âm nhạc... Google cũng sẵn sàng nói “không” với những quảng cáo chẳng ăn nhập gì với thông tin tìm kiếm của khách hàng. Đưa ra những lựa chọn tốt nhất, rẻ và tiện dụng, từ tìm kiếm thông tin, lưu trữ trực tuyến, email và lịch, Google đang theo đúng định hướng ban đầu là phục vụ người dùng.

4. Trí tuệ tập thể là yếu tố sống còn

Google dành cho nhân viên 20% thời gian làm việc để họ tự lên kế hoạch, tìm giải pháp lựa chọn của riêng mình. Hướng tới mã mở, chọn giải pháp cuối cùng dựa vào trí tuệ tập thể, Google đã tạo nên một môi trường làm việc được tổ chức, quản lý khoa học, hệ thống từ trên xuống dưới. Do đó, cỗ máy tìm kiếm luôn được cải tiến và đế chế Google không ngừng mở rộng ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Larry Page láu lỉnh chia sẻ: “Mỗi công ty đều có đặc thù riêng, ngay cả với những công ty về công nghệ. Chắc chắn là bạn cũng muốn công ty của mình có nét văn hóa doanh nghiệp, trong đó mọi người làm việc, các nhà khoa học và kỹ sư được trao quyền quyết định, đề xuất. Tất cả được quản lý bởi những người am hiểu sâu sắc nhân viên của mình, biết họ đang làm gì".

5. Coi trọng các kỹ sư - nhân viên

Ở thung lũng Silicon, các kỹ sư được ví như những người tổ chức chương trình truyền hình, đạo diễn điện ảnh hoặc thậm chí là các nhà văn. Họ thật sự là những người sáng tạo. Ở Google, các kỹ sư được dành riêng 20 % thời gian lao động để tự do phóng túng với những ý tưởng sáng tạo, đeo đuổi say mê cá nhân.

Do đó sự sáng tạo, nền tảng cho những bước đường thành công của Google, đã nảy sinh trong khi các kỹ sư đang thỏa sức làm việc. Có thể nói coi trọng nhân viên, đội ngũ lao động đòi hỏi sự sáng tạo, chính là nhân tố quan trọng nhất quyết định tới sự phát triển của một công ty.

Google đã thành công với phương án “lạt mềm buộc chặt”. Không phải ngẫu nhiên mà Page và Brin, Schmidt dành rất nhiều thời gian mỗi tuần để gặp gỡ, trao đổi với các kỹ sư. Với hầu hết các công ty truyền thông truyền thống, đội ngũ kỹ sư hiếm khi được coi trọng đến thế.

6. Khách hàng là thượng đế

Lý do quan trọng giúp Google bay cao, trở thành một trong số các thương hiệu đáng tin cậy nhất thế giới chính bởi vì gã khổng lồ luôn coi khách hàng là thượng đế. Quảng cáo trực tuyến có thể mang đến 97% doanh thu cho Google, nhưng dường như người dùng chẳng bận tâm gì tới điều này. Các dịch vụ của Google vẫn hoàn toàn miễn phí, thân thiện, dễ dùng, giống như nghe nhạc trên iPod vậy.

Thời đang còn là sinh viên trường đại học danh tiếng Stanford, Larry Page đã may mắn đọc được cuốn sách The design of everyday things của Donald A. Norman. Bài học cũ đã được ông chủ Google áp dụng triệt để và thành công vang dội, đó chính là xây dựng những hệ thống dịch vụ có thể giành được niềm tin của khách hàng, theo một cách hoàn toàn tự nhiên.

Để hiểu Google đã giành được niềm tin của khách hàng ra sao, hãy trở lại thời điểm phát hành trái phiếu lần đầu ra công chúng năm 2004. Google khẳng định đi khẳng định lại: “Hãng tin rằng người dùng cũng muốn góp phần vào sự thành công lâu dài của Google. Đó chính là cơ sở quan trọng để tạo dựng giá trị niềm tin lâu dài.”.

Tập trung vào người dùng, Page và Brin đã vạch định những nguyên tắc tổ chức dành cho đội ngũ nhân viên với châm ngôn của Sam Walton: “Nếu bạn không lắng nghe khách hàng của mình, chắc chắn sẽ có đối thủ khác làm điều ấy.”

7. Tất cả mọi đối thủ đều có thể là đối tác

Đôi khi không dễ dàng gì nhận diện được đâu là một đối thủ tiềm ẩn, bạn và thù. Trên thương trường càng phức tạp hơn. Khởi nghiệp là một bộ máy tìm kiếm, nhưng Google nhanh chóng nhận ra hãng có thể bán quảng cáo một cách hiệu quả, cung cấp tin tức hay hỗ trợ tìm kiếm sách, sử dụng nền tảng cơ sở phát triển dịch vụ điện toán đám mây, chen chân vào thị trường video trực tuyến sau khi mua lại Youtube, ngoài ra cũng không thờ ơ với miếng mồi thiết bị di động.

Chương trình quảng cáo Google AdSense đã giúp hàng trăm tờ báo điện tử sống sót, còn AdWord mở ra cơ hội quảng bá cho các đối tác. Youtube trở thành địa chỉ hỗ trợ các mạng TV, Android cung cấp phần mềm hệ điều hành cho hàng loạt hãng viễn thông.

Tham vọng nhưng Google không ngừng củng cố niềm tin khách hàng, tranh thủ mọi cơ hội để trở thành đối tác của tất cả các đối thủ, vừa hợp tác vừa cạnh tranh.

8. Đừng quá tự tin vào… máy móc

Google thành công trong việc giành niềm tin khách hàng, xây dựng văn hóa làm việc theo nhóm, đồng thời có chiến lược phát triển lâu dài. Nhưng cũng không ít lần Google đã thất bại trong nỗ lực cải tiến thế giới theo những cách… khác người!

Page đã lầm khi cho rằng Google có thể ngay lập tức số hóa được kho sách của nhân loại, cũng như ý tưởng, giải pháp quảng cáo mới để bán quảng cáo tốt hơn trên báo và radio. Cả hai nỗ lực này vẫn đang trục trặc.

Nhiều lần Google tỏ ra thiếu khéo léo để có thể tránh được hàng loạt vụ tranh chấp, “dính chàm” với vấn đề bản quyền, thông tin riêng tư cá nhân hay trục trặc với cơ quan chức năng.

9. Chẳng có gì là thập toàn thập mỹ

Ngày nay, dường như rất khó có thể đánh bại được Google. Nhưng một thập kỷ trước AOL mới là số một.

Do đó chẳng có gì là chắc chắn. Nên nhớ IBM từng một thời chiếm tới 70 % thị trường PC toàn cầu. Sau khi Chính phủ Mỹ vào cuộc, IBM bắt đầu gặp hàng loạt trục trặc, nhất là với sự xuất hiện của rất nhiều đối thủ khác đáng gờm. IBM đã mất hút từ lâu trên thị trường PC.

Hẳn Google cũng hiểu rõ điều này. Hãng đã đổ rất nhiều tiền vào hàng loạt lĩnh vực khác ngoài tìm kiếm trực tuyến, nhất là Youtube, Android và điện toán đám mây. Bài học từ AOL và IBM vẫn còn đó.

10. "Cuộc đời thì dài nhưng thời gian lại ngắn ngủi."

Đó là những gì CEO Schmidt chia sẻ. Theo ông, cuộc đời quả là dài khi chúng ta có những ký ức không phai. Nhưng thời gian lại rất ngắn ngủi, chúng ta vẫn phải tận dụng từng giây phút một. Theo Schmidt, tất cả mọi khó khăn đều có thể trở thành một cơ hội.

Đó cũng là lý do vì sao Google, như từ trước đến nay vẫn thế, không ngừng mạo hiểm đầu tư, phát triển dịch vụ ở nhiều lĩnh vực khác nhau để tiến lên, không “neo đậu” theo những kí ức thành công nào đó.

Theo TuoiTre Online.



Bình luận

  • TTCN (0)