Không đơn thuần chỉ là truyền hình ảnh và âm thanh, chiếc TV được gắn thêm bộ đầu cuối (set-top box) trong mô hình IPTV sẽ trở thành phương tiện giao tiếp của một dịch vụ đa nền tảng cho cuộc sống hiện đại.
IPTV liên tục được nhắc đến trong thời gian gần đây bởi sức hấp dẫn bởi năng lực được đánh giá "gần như vô tận". Công nghệ nén hình ảnh MPEG-4 mới và sự lan toả kết nối băng rộng ADSL, gỡ bỏ "dây trói" tốc độ rùa bò của đường dial-up là hai yếu tố giúp việc xem truyền hình qua Internet trở nên dễ dàng. Hãng nghiên cứu thị trường Infonetics (Mỹ) khẳng định IPTV đã qua "thời kỳ thai nghén", số người sử dụng dịch vụ này sẽ tăng lên 53,7 triệu thuê bao vào năm 2009, đem lại doanh thu tới 44 tỷ USD. Con số về thuê bao IPTV sẽ phát triển nhân đôi theo từng năm trong thời gian tới.
"IPTV hội tụ ba trong số những phương tiện truyền thông mạnh nhất và phổ biến nhất trong lịch sử loài người", Joseph Fergus, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành hãng ComTek, khẳng định trong buổi trình diễn truyền hình trực tiếp bằng IPTV 2 chiều đầu tiên. Theo ông thì công nghệ này kết hợp sức mạnh của cả truyền hình trực tiếp, mạng Web lẫn PC.
Sức hút từ khả năng tương tác
"IPTV sẽ mở ra con đường mới trong truyền thông. Cơ hội cho nó tại Việt Nam là rất lớn và đã hội tụ đủ các điều kiện để triển khai", ông Phạm Anh Tuấn, Tổng thư ký toà soạn VietNamNet, khẳng định trong Hội thảo về cơ hội kinh doanh trong ngành vô tuyến và không dây tại Việt Nam thời hội nhập tại triển lãm VietComm 2007. Theo ông Tuấn, công nghệ mạng toàn cầu đã sản sinh một loại hình báo chí mới, số hoá báo giấy và truyền hình, truyền phát qua Internet, tạo nên Kỷ nguyên của truyền thông số. "Với công nghệ IP, mọi dịch vụ đều được tích hợp trên cùng 1 kết nối tới hộ gia đình, bao gồm kể cả truy cập Internet, gọi điện thoại, gửi nhận email, đọc tin trực tuyến, xem truyền hình... "
Về mặt kỹ thuật, IPTV là công nghệ truyền dẫn hình ảnh kỹ thuật số tới người sử dụng dựa trên giao thức Internet với kết nối băng rộng. Dịch vụ này thường được cung cấp với điện thoại trên Internet (Voice over IP - VoIP), video theo yêu cầu (Video on Demand - VOD) nên thường được gọi là công nghệ tam giác về truyền tải dữ liệu, hình ảnh, âm thanh.
"Điểm đặc biệt và hấp dẫn nhất của IPTV là sự tương tác giữa người xem với chương trình. Điều này sẽ tạo nên một cuộc cách mạng, làm thay đổi căn bản quan niệm về truyền hình", ông Yu Yi Fang, Tổng Giám đốc tập đoàn ZTE - nhà cung cấp dịch vụ IPTV hàng đầu tại Trung Quốc, nói.
Người đại diện ZTE cho rằng, IPTV không đơn thuần là một dịch vụ. Nó là một tổng thể chuỗi dịch vụ gia tăng tương tác người dùng. Ngoài việc tự do lựa chọn chương trình muốn xem, khách hàng còn có thể tham gia các cuộc hội thảo từ xa, chơi game online, mua hàng qua TV hoặc viết blog video (vlog), nhắn tin IM.
"IPTV không đơn thuần là số hoá và đưa nội dung chương trình truyền qua Internet. Truyền hình truyền thống đưa ra nhiều kênh nội dung và người xem chuyển qua lại giữa các kênh để tìm nội dung mình thích. Ngược lại, IPTV cho phép khán giả chủ động chọn những nội dung gì mình muốn xem", ông Nguyễn Văn Hải, Phó Giám đốc công ty VASC, đơn vị triển khai dự án IPTV của tập đoàn VNPT, nói. "Như vậy, xây dựng nội dung đặc biệt quan trọng đối với loại dịch vụ này".
Lộ trình IPTV tại Việt Nam
Theo thống kê của ZTE, châu Âu hiện đang dẫn đầu thế giới về IPTV. Nhưng các quốc gia châu Á và Trung Đông đang nổi lên rất nhanh và việc nơi đây trở thành "thánh địa" của IPTV chỉ còn là vấn đề thời gian. Một phần lý do vì truyền hình cáp đã quá phát triển tại châu Âu và Bắc Mĩ, IPTV phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt với các loại hình giải trí tại gia sẵn có ở thị trường này.
Mặt khác, đồ hi-tech tỏ ra không chỉ hấp dẫn giới trẻ mà đại bộ phận người dân châu Á tỏ ra "thích" máy tính hơn TV, sử dụng các dịch vụ mạng nhiều hơn. Sản phẩm công nghệ cao tích hợp nhiều tính năng luôn được chào đón. Đó là cơ sở giúp ZTE khẳng định châu Á năng động là điểm đến của truyền hình trên Internet và Việt Nam là 1 trong 10 thị trường trọng điểm toàn cầu của hãng này trong thời gian trước mắt.
"Để triển khai thành công một dịch vụ IPTV cần đáp ứng đầy đủ 3 yếu tố: băng thông, nội dung và thị trường phát triển nhanh", ông Weijun Lee, Phó Giám đốc tập đoàn ZTE, nói. "Việt Nam là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất trong khu vực và có đủ những yêu cầu cần thiết để bắt tay vào triển khai IPTV".
Hiện tại, truyền hình analog đã dần được thay thế bởi truyền hình kỹ thuật số. Viện Chiến lược quốc gia về BC-VT thuộc Bộ TT-TT đã có kế hoạch hạn chế truyền hình analog, phát triển truyền hình kỹ thuật số tới các vùng sâu, vùng xa. Theo bản kế hoạch này, Hà Nội và TP HCM sẽ dừng cung cấp các chương trình analog vào năm 2010 - 2012. Dự án phát triển các thiết bị đầu cuối (set-top box) giá rẻ sẽ được phát triển. Cùng với vệ tinh Vinasat đi vào hoạt động, Việt Nam sẽ loại bỏ hoàn toàn truyền hình analog khi kỹ thuật số "phủ" được 85% dân số.
Tuy nhiên, truyền hình kỹ thuật số đòi hỏi sự đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng. Sức lan toả của mạng kết nối Internet băng rộng trở thành điểm mạnh của IPTV tại Việt Nam.
"Giai đoạn thử nghiệm về căn bản đã hoàn thành. Hệ thống mạng băng rộng của VNPT đáp ứng đủ yêu cầu để đưa IPTV vào phục vụ. Theo kế hoạch, Quý 1/2008 chúng tôi sẽ tiến hành đấu nối hệ thống. Sang Quý 2/2008 là có thể bắt đầu phát tại 2 thành phố Hà Nội và TP HCM", ông Bùi Thiện Minh, Phó Tổng Giám đốc tập đoàn VNPT, nói.
Người đại diện tập đoàn VNPT cho biết vấn đề xây dựng nội dung chương trình được ưu tiên hàng đầu. Do đặc thù hướng tới người sử dụng tự chọn chương trình nên nội dung phải linh hoạt và phong phú để đảm bảo tính tương tác. Bên cạnh đó là việc giải quyết bài toán chi phí bản quyền để tối ưu hoá yếu tố nội dung và giá cả. Thiết bị đầu cuối sẽ được tập đoàn bán hỗ trợ trong giai đoạn đầu. Sau đó sẽ mở rộng để các đơn vị khác cung cấp tự do.
Theo dự kiến, dịch vụ IPTV của VNPT trong giai đoạn đầu sẽ được triển khai với nội dung khoảng 300 phim, gameshow truyền hình và các chương trình ca nhạc, thể thao, thời trang. Sức mạnh của IPTV được thể hiện mạnh mẽ với các dịch vụ hoàn toàn mới như Karaoke theo yêu cầu, Game theo yêu cầu, truy cập Internet, T-infomation, T-commerce, T-learning,...
"Hiện tại, chúng tôi đang hợp tác với các nhà cung cấp nội dung của Trung Quốc để xây dựng chương trình và các dịch vụ gia tăng. Người dùng cũng sẽ được lựa chọn giữa rất nhiều gói cước cho các dịch vụ khác nhau", ông Nguyễn Văn Hải
(Theo Vietnamnet)
Bình luận
Có 1 vấn đề của IPTV mà ko bác nào dám phát biểu: "IPTV là con đường duy nhất để các nhà cung cấp dịch vụ Viễn Thông (adsl, fiber to home, wimax, wifi...) xâm nhập vào thị trường truyền hình màu mỡ..." -> nói thẳng ra, các đài truyền hình hãy coi chừng
Báo chí VN chỉ quen ca tụng, làm người xem "mờ mắt"... chưa bao giờ thấy một bài phân tích khó khăn và những thất bại có thể của các công nghệ khi áp dụng ở VN.
Hạ tầng internet đã sẵn sàng chưa? người VN đã sẵn sàng trả tiền khi coi truyền hình chưa? Thiết bị đầu cuối có dễ suẻ dụng cho đại đa số người dân ko? --> So với truyền hình kỹ thuật số DVB thì IPTV còn quá thiếu sức cạnh tranh, may ra chỉ đủ sức cạnh tranh ở thành phố lớn ít nhất trong 3-5 năm nữa...IPTV cho mọi người dân thì còn xa lắm.