Bộ trưởng Lê Doãn Hợp. Ảnh: Hoàng Hà.

“Đây là vấn đề của cả quốc gia, nhưng trước hết mỗi gia đình phải có kế hoạch sử dụng Internet, giáo dục con em. Chúng tôi cũng nhận một phần trách nhiệm nhưng không phải là tất cả”, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Lê Doãn Hợp trả lời chất vấn chiều 17/11.

Trong lần đầu tiên đăng đàn tại Quốc hội, chất vấn dành cho Bộ trưởng Lê Doãn Hợp tập trung vào 3 nhóm vấn đề: quản lí, xử lí sai phạm của báo chí; ngăn chặn mặt trái của trang tin điện tử, blog, game online; quy hoạch hệ thống viễn thông và an toàn sức khỏe người dân sống gần các trạm phát sóng di động.

“Cử tri phản ánh nhiều nội dung trên Internet có nội dung không lành mạnh, game bạo lực ảnh hưởng tới thanh thiếu niên. Trách nhiệm quản lí của Bộ về vấn đề này thế nào?”, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé mở màn.

“Sẽ không công bằng nếu không nói đến cái hay của Internet và thông tin điện tử. Internet làm mọi người xích lại gần nhau, ngồi một chỗ có thể nắm thông tin của cả thế giới”, ông Lê Doãn Hợp đáp.

Theo ông Hợp, do đặc điểm của Internet là không gian mở, mọi thành phần, lứa tuổi đều được tham gia, tính cam kết cá nhân thấp nên quản lí rất khó. Để hạn chế thông tin độc hại, Bộ Thông tin Truyền thông đã và đang bổ sung hoàn thiện cơ sở pháp lí, tăng cường các biện pháp kĩ thuật. Nhưng nếu sử dụng biện pháp kĩ thuật nhiều thì gây ách tắc thông tin.

"Cũng giống như trong giao thông, đặt ra quá nhiều barie thì tốc độ di chuyển chậm lại. Khi cần thiết chúng ta vẫn phải sử dụng biện pháp kĩ thuật nhưng đây không phải là giải pháp tối ưu.", Bộ trưởng Thông tin nêu quan điểm

Hiện cả nước có 20.000 đại lí Internet. 30% đại lí qua kiểm tra có sai phạm như hoạt động quá giờ, tàng trữ clip đồi trụy, cho khách hàng dưới 14 tuổi tham gia khi không người lớn đi kèm... Tổng số tiền xử phạt lên tới 1,3 tỉ đồng.

"Những sai phạm trong hoạt động Internet nếu kiểm điểm trách nhiệm trung ương cũng đúng, nhưng nếu cấp cơ sở không vào cuộc thì luật, chính sách có tốt đến đâu cũng không đi vào cuộc sống. Nếu cấp dưới làm thay việc cấp trên, đó là may mắn. Nếu cấp trên làm thay cấp dưới thì đó là bất đắc dĩ và bất lực", ông Hợp nói.

Ảnh
Đại biểu Nguyễn Lân Dũng. Ảnh: TTXVN.

"Việc quản lí game online tôi thấy hiệu quả rất thấp, cử tri nói rằng tác hại của nó không kém ma túy. Có người nói với tôi muốn xin cho con trai ra hải đảo xa xôi, không có Internet để tránh "nghiện" game.", đại biểu Nguyễn Lân Dũng vừa chất vấn vừa chia sẻ.

Với giọng khá gay gắt, đại biểu Đặng Như Lợi đi thẳng vào vấn đề: "Hai mặt tích cực và tiêu cực của Internet đã rõ rồi. Trong 3 giải pháp bộ trưởng nêu là chế tài, kĩ thuật và giáo dục, tôi xin hỏi giải pháp thứ 3 về giáo dục, ai sẽ thực hiện và thời gian qua chúng ta thực hiện được đến đâu?".

"Đây là vấn đề của cả quốc gia, nhưng trước hết là mỗi gia đình. Ngay cả tập thể dục, nếu tập nhiều quá cũng không tốt. Mỗi gia đình phải phân bổ kế hoạch sử dụng Internet, game online. Chúng tôi cũng nhận một phần trách nhiệm nhưng không phải tất cả. Toàn xã hội phải vào cuộc", Bộ trưởng Lê Doãn Hợp đáp.

"Tôi vẫn thấy không thỏa đáng với giải trình của bộ trưởng về web đen, game online. Cử tri đang rất bức xúc về vấn đề này, bộ trưởng có giải pháp gì?", đại biểu Phan Thị Thu Hà lên tiếng.

"Chúng tôi sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định để có chế tài quản lí game online. Nhưng tôi cho rằng ở đây phải có vai trò gia đình, khi gia đình bất lực thì xã hội có vấn đề", ông Hợp bảo vệ quan điểm.

Đề cập đến một số thông tin báo chí được cho là sai sự thật như bưởi gây ung thư, tẩy trắng trứng gà bằng axit gây thiệt hại kinh tế, nữ đại biểu Hà Nội Trần Quốc Khánh đặt vấn đề, tại sao khi nhận được khiếu nại Bộ Thông tin không tổ chức xác minh, mà phải chờ các bộ khác kết luận.

Theo ông Hợp, thời gian qua, báo chí đã có sự phát triển mạnh mẽ và đóng góp tích cực vào sự nghiệp chung của đất nước. Tuy nhiên, vẫn còn 3 tồn tại: không tuân thủ tôn chỉ mục đích, thông tin thiếu trung thực, không đúng thuần phong mỹ tục, khiêu dâm. Năm 2008 đã có 34 trường hợp đưa tin sai sự thật bị xử lí, 15 cán bộ, phóng viên bị thu hồi thẻ nhà báo

"Những khiếu nại báo chí liên quan đến cơ quan tư pháp chúng tôi phải gửi văn bản để phối hợp xử lí, bộ không thể kết luận được. Hiện nay, lực lượng quản lí báo chí của bộ có khoảng 35 người, nếu mỗi ngày có một tờ báo đưa tin sai thì bộ máy đó làm không xuể. Do đó, phải nâng cao trách nhiệm các tổng biên tập", ông Hợp nói.

Chưa hài lòng, đại biểu Khánh tiếp tục truy vấn: "Bộ trưởng nói cơ quan quản lí báo chí chỉ có 35 người vậy tại sao không phối hợp với thanh tra Bộ hoặc các Sở Thông tin truyền thông cơ sở. Tôi muốn đề cập đến trách nhiệm của bộ trưởng trong vấn đề này".

Ngập ngừng giây lát, ông Hợp đáp: "Đây là vấn đề khá nhạy cảm, tôi có thể gặp đại biểu Khánh nói kĩ hơn. Phải phối hợp nhiều cơ quan, chúng tôi có thể làm chậm nhưng không sót. Thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng làm tốt hơn".

Với cách đặt vấn đề khúc triết đại biểu Phạm Phương Thảo (Chủ tịch HĐND TP.HCM), đề cập đến "rác văn hóa" trong thông tin. Một số chương trình truyền hình được xã hội hóa có xu hướng cổ súy phong cách sống thời thượng. Tuy nhiên, mức xử lí hình như "chưa đủ đô".

"Chúng ta có ngại đụng chạm, ngại xử lí trên lĩnh vực này không?", đại biểu Thảo chất vấn.

"Các vấn đề đại biểu nêu, tôi xin tiếp thu để xây dựng cơ chế phù hợp. Trong các vấn đề ngổn ngang chúng tôi chọn vấn đề ưu tiên xử lí trước. Trong lĩnh vực truyền hình có xã hội hóa nhưng kênh chính trị thời sự nhà nước nắm. Khi có thông tin sai Bộ chỉ xử lí một người, đó là tổng biên tập", ông Hợp nói.

Trong buổi chất vấn chiều 17/11, nhiều đại biểu cũng đề cập đến mối quan ngại về sức khỏe của người dân sống gần các trạm phát sóng BTS.

Theo ông Hợp, cả nước có 42.000 trạm BTS, trong đó nhiều nhất là của Viettel. Bộ đã chỉ đạo kiểm tra chất lượng 25.000 trạm, chỉ có 110 trạm không đạt tiêu chuẩn (tỷ lệ 5%). "Những trạm đã kiểm tra đạt tiêu chuẩn thì không ảnh hưởng đến sức khỏe", ông Hợp nói.

Tham dự phiên chất vấn, Bộ trưởng Khoa học Công nghệ Hoàng Văn Phong cũng lên tiếng về vấn đề trên. Từ năm 2003 Bộ Khoa học đã xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, trong đó có tiêu chuẩn bức xạ điện từ. Năm 2007-2008 đã có bộ tiêu chuẩn bắt buộc, để các doanh nghiệp khi tham gia phải tuân thủ.

Bộ Khoa học Công nghệ cũng đã giao cho Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường phối hợp với các ban ngành của Bộ Y tế, Bộ Lao động nghiên cứu mức độ ảnh hưởng của trạm thu phát sóng đến sức khỏe con người tập trung vào vấn đề ung thư, huyết áp, hệ thần kinh...

"Chưa có bằng chứng khoa học khẳng định sóng do các trạm thu phát hiện nay gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Tâm lí lo ngại của người dân là do công tác tuyên truyền chưa tốt", Bộ trưởng Hoàng Văn Phong nói.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thành Tâm và Đặng Như Lợi về việc các công ty viễn thông ồ ạt khuyến mại tăng đầu số, gây lãng phí, ông Hợp thừa nhận, chỉ có 70% số thuê bao di động trả trước đang hoạt động. Trong khi chờ đợi Bộ Công an lưu hành chứng minh thư điện tử, Bộ Thông tin Truyền thông sẽ siết chặt việc khai báo thông tin khách hàng, không để tình trạng "bán sim điện thoại như rau muống, thức ăn hằng ngày".

Sau hơn 2 giờ đăng đàn, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp trả lời 18 lượt đại biểu. "Bộ trưởng đã có phần trả lời trôi chảy, nhiều thông tin. Tuy nhiên nguyên nhân, trách nhiệm, giải pháp cần cụ thể hơn", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhận xét.

Theo VnExpress.




Bình luận

  • TTCN (0)