Bà Kaaren Koomen và Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tham dự hội thảo quốc gia về CNTT và truyền thông ngày 26/11 tại Hà Nội.

Xu hướng chuyển từ sản xuất phần mềm, phần cứng sang cung ứng dịch vụ CNTT đang diễn ra tại nhiều quốc gia và tập đoàn CNTT toàn cầu. Phóng viên Báo BĐVN đã có cuộc phỏng vấn bà Kaaren Koomen, Giám đốc quan hệ Chính phủ IBM Australia/New Zealand về những kinh nghiệm phát triển dịch vụ CNTT của Australia.

Theo bà, dịch vụ CNTT bao gồm các dịch vụ nào trên nền CNTT?

Có thể tưởng tượng dịch vụ CNTT như một gia đình, trong đó bao gồm các loại dịch vụ khác nhau, liên quan đến CNTT. Đó có thể là những dịch vụ CNTT phục vụ các ngành kinh tế khác, như ngân hàng, tài chính, y tế, năng lượng, giao thông… Mảng nữa của dịch vụ CNTT là phát triển phần mềm và những ứng dụng trên phần mềm dành cho các nhu cầu, quy trình, phần dịch vụ khác nhau của từng đối tượng khách hàng. Không chỉ phục vụ cho các ngành kinh tế khác, dịch vụ CNTT còn là cầu nối giữa doanh nghiệp đến người tiêu dùng, giữa Chính phủ và người dân. Chính Chính phủ điện tử cũng là một loại hình của dịch vụ CNTT.

Tại Australia, dịch vụ CNTT đóng góp bao nhiêu phần trăm cho tổng sản phẩm quốc nội (GDP)?

Năm 2007, dịch vụ CNTT đóng góp 4% cho GDP Australia. Australia là một đất nước rộng lớn, đất đai phì nhiêu và trồng nhiều loại cây lương thực khác nhau. Song mức đóng góp của dịch vụ CNTT còn lớn hơn cả nông nghiệp. Trên thế giới, giá trị thị trường dịch vụ CNTT năm 2008 là 817 tỷ USD và theo dự đoán của Hãng nghiên cứu Gartner, giá trị thị trường này sẽ tăng lên hơn 1.000 tỷ USD vào năm 2012. Còn tại IBM, hiện khoảng 70% doanh thu đến từ mảng kinh doanh dịch vụ CNTT. 

Trong một nghiên cứu độc lập của IBM, nếu đầu tư vào các công nghệ thông minh (công nghệ biết cảm nhận, liên lạc, phân tích, truyền tin và tích hợp thông tin), GDP sẽ tăng thêm 1,5%/ năm trong khoảng 3 năm và tạo ra 75.000 việc làm/năm.

Australia là nước có ngành dịch vụ CNTT phát triển như vậy, bà có thể chia sẻ một vài kinh nghiệm giúp phát triển dịch vụ CNTT từ góc độ Chính phủ?

Chính phủ phải thiết lập một mạng lưới băng thông rộng thật tốt, nhanh và ổn định. Tại Australia, Chính phủ đã đầu tư 43 tỷ USD cho mạng băng rộng. Một vấn đề quan trọng nữa là đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), thúc đẩy sự cộng tác giữa Chính phủ và các ngành nghề khác nhau đối với R&D, khuyến khích hoạt động R&D của doanh nghiệp thông qua chính sách thuế. Australia đã thiết lập chương trình sáng tạo (Innovation Agenda) nhằm khuyến khích, kêu gọi tăng quỹ đầu tư cho sáng tạo, tăng số lượng các doanh nghiệp CNTT tham gia sáng tạo. Cùng với sự đóng góp của các công ty lớn, Chính phủ còn dành riêng một khoản tiền phát triển sáng kiến. Ngoài ra, Chính phủ, các công ty trong ngành công nghệ và các trường đại học cần có mô hình làm việc cùng nhau để đưa ra được nhiều sáng kiến và ứng dụng các sáng kiến. Chính phủ cũng cần đầu tư phát triển các kỹ năng CNTT cần thiết.

Ngoài những việc làm trên, Chính phủ cần xây dựng một cộng đồng tự tin sử dụng các công nghệ, thiết bị, ứng dụng CNTT trong đời sống. Cộng đồng đó là tất cả mọi người dân trong nước. Úc đã đầu tư 1,2 tỷ USD vào giáo dục số, xóa mù số cung cấp máy tính cho tất cả các trường cấp II tại Úc, trang bị máy tính cá nhân cho các học sinh từ lớp 9 đến 12; Triển khai Chính phủ điện tử, dùng web 2.0 để liên lạc, tương tác với người dân.

Có thể nói, có 3 “chìa khóa” thúc đẩy dịch vụ CNTT phát triển chính là thiết lập mạng lưới băng rộng tốt, thứ hai là đầu tư vào cơ sở hạ tầng, kỹ năng và nghiên cứu, phát triển, thứ ba là tạo ra một cộng đồng sáng tạo, tự tin với cuộc cách mạng số. Nếu đạt được, lợi ích sẽ rất lớn, nó không chỉ đối với phát triển dịch vụ CNTT quốc gia mà còn mở rộng sang các lĩnh vực khác do CNTT hỗ trợ như ngân hàng, năng lượng, chăm sóc sức khỏe…

Theo bà, Chính phủ Việt Nam nên làm gì để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước phát triển dịch vụ CNTT?

Đây là những gợi ý của tôi. Chính phủ nên thành lập Hội đồng tư vấn về các dịch vụ CNTT. Hội đồng này sẽ bao gồm các doanh nghiệp, cơ quan chính phủ có liên quan và các cơ sở giáo dục, đào tạo. Họ sẽ phải ngồi cùng nhau để đưa ra chiến lược, lộ trình phát triển dịch vụ CNTT, xem xét những kỹ năng nào trong CNTT là cần thiết trong vòng 3-5 năm tới. Điều quan trọng nữa là những kỹ năng đó phải được chính phủ, doanh nghiệp cam kết sử dụng, tức là phải tính đến đầu ra của việc đào tạo kỹ năng. Thứ hai là các công ty trong nước nên hợp tác với các công ty đa quốc gia, vì họ có kinh nghiệm. Theo tôi, ở thời điểm này với Việt Nam điều quan trọng nhất là lập ra Hội đồng tư vấn về dịch vụ CNTT, từ đó xác định các chính sách, lộ trình.

Theo bà, Việt Nam có những thế mạnh gì để phát triển dịch vụ CNTT?

Dân số trẻ, năng động và có đầu óc “sát” với kinh doanh, băng rộng phát triển mạnh và thứ ba là chính phủ hiểu rõ và luôn nỗ lực phát triển CNTT. Đó là những điểm mạnh sẽ giúp Việt Nam phát triển dịch vụ CNTT. Song điều quan trọng nhất là phải kết hợp các điểm mạnh này, và đặt chiến lược của mình trên quy mô toàn cầu để trở nên cạnh tranh trên toàn cầu.

Xin cảm ơn bà.

Theo ICTnews



Bình luận

  • TTCN (0)