Canon Powershot G11 với thiết kế không khác bản G9, G10. Ảnh: Imaging Resource.

Canon Powershot G11, phiên bản máy ảnh du lịch cao cấp dòng G, hướng đến những người có yêu cầu cao về chất lượng hình ảnh.

PowerShot G11 là phiên bản mới nhất trong dòng máy ảnh du lịch cao cấp G series của "đại gia" Canon. Ra đời với sứ mệnh thay thế tiền nhiệm G10, sản phẩm hướng đến đối tượng là những người yêu cầu cao về chất lượng hình ảnh mà ngại mang theo những chiếc DSLR nặng nề, phức tạp. Song hành với "đàn em" S90 ra mắt cùng thời điểm, Canon PowerShot G11 thể hiện tham vọng đẩy lui tầm ảnh hưởng của Panasonic Lumix LX3 trên "mảnh đất" máy ảnh compact bán chuyên màu mỡ.

Ảnh
Canon G11 với hệ thống điều khiển bằng tay cổ điển. Ảnh: Imaging Resource.

G11 sở hữu thiết kế khá thô và cục mịch của phiên bản tiền nhiệm G10 với những đường cong khỏe mạnh và sắc đen tuyền quý phái. Sản phẩm có lẽ thích hợp với đối tượng là nam giới hơn là phái nữ - những người luôn ưa thích sự thon thả, gọn gàng. Máy có kích thước 112 x 76 x 48 mm, nặng khoảng 402 gram khi lắp kèm thẻ nhớ SD và pin. Khi cầm G11, người dùng có cảm giác máy được thiết kế rất chắc chắn và đầm tay như một chiếc DSLR thu nhỏ.

Nhiều người sẽ phát hoảng khi mới làm quen với G11 vì máy có quá nhiều...nút. So với phiên bản trước đó, hệ thống điều khiển trên G11 hầu như không có nhiều thay đổi. Phím xoay bù trừ sáng vẫn được bố trí ở mặt trên, bên trái. Thiết kế này giúp người dùng có thể điều khiển máy rất nhanh bằng cả hai tay. Đĩa xoay kép của G11 kiêm luôn hai nhiệm vụ: thay đổi độ nhạy sáng ISO (dưới) và thay đổi chế độ chụp (trên). Máy được tích hợp cả đèn flash và đế hotshoe tương thích với nhiều dòng Speedlite của Canon.

Kính ngắm quang học của G11 khá nhỏ và chỉ bao quát được khoảng 79% khung hình. Tuy nhiên, đây cũng là nhược điểm chung của những máy compact có kích thước khiêm tốn. Bù lại, màn hình LCD của máy rất sáng và nét với kích thước 2,8 inch, độ phân giải 461.000 điểm ảnh. Màn hình này sử dụng công nghệ chống lóa PureColor II VA, cho phép quan sát tốt trong điều kiện ánh sáng môi trường mạnh như dưới trời nắng to hay trong phòng lab. Dù có kích thước nhỏ hơn LCD của G10 và Lumix LX3 một chút (3 inch) nhưng màn hình trên G11 lại có khả năng lật xoay linh hoạt, giúp chụp được trong nhiều tình huống phức tạp.

Ảnh
Giao diện của G11 không quá ấn tượng, do các biểu tượng và chữ cái thiết kế hơi đơn điệu. Tuy nhiên, hoạt động tương đối hiệu quả và trực quan. Ảnh: Imaging Resource.

Giống như đa số mẫu máy thuộc dòng PowerShot của Canon, một số tùy chỉnh quan trọng nhất trên G11 được giấu trong menu Function và có thể khởi động nhanh bằng cách nhấn phím FUNC/SET. Các thiết lập cấu hình khác có thể tìm thấy trong menu chính. Giao diện của máy không quá ấn tượng do các biểu tượng và chữ cái thiết kế hơi đơn điệu, tuy nhiên, hoạt động tương đối hiệu quả và trực quan. Chức năng gợi ý (Hints and Tips) đưa ra mô tả ngắn gọn cho một thiết lập mà người dùng lựa chọn trên Menu. Thay đổi nhỏ này khiến việc làm quen và điều khiển máy có phần dễ dàng hơn.

Ảnh
Ống kính cao cấp của G11 có khả năng xử lý hiện tượng viền tím ở vùng tương phản cao không thua kém ống fix Lumix G 20mm f/1.7 của Panasonic. Ảnh: Cameralabs.

Ống kính của máy tương tự phiên bản G10 với dải tiêu cự tương đương 28-140 mm trên máy phim 35 mm (zoom quang 5x). Tất nhiên, Canon đã cẩn thận trang bị cho phiên bản cao cấp này cơ chế chống rung quang học giúp tăng thời gian phơi sáng lên tới 4-stops so với bình thường. Độ mở của ống kính đạt mức tối đa f/2.8, thua xa đối thủ LX-3 với "hàng hiệu" Leica f/2.0. Tuy nhiên, LX3 chỉ zoom được 2.5x với dải tiêu cự 24-60 mm, hơi bất tiện cho những thước chụp xa. Tốc độ lấy nét trên G11 tuy khá nhanh nhưng lại kém chính xác nếu đối tượng cần chụp có độ tương phản thấp.

Méo hình tạo bởi ống kính trên G11 ở mức trung bình (khoảng 0,8%) khi chụp ở góc rộng nhất và hầu như không đáng kể khi zoom lên tối đa. Ảnh nét khá đều từ tâm ra ngoài biên. Các bài test nghiêm ngặt của Cameralab cho thấy, ống kính cao cấp của G11 có khả năng xử lý hiện tượng viền tím xuất hiện ở vùng tương phản cao không hề thua kém fix Lumix G 20mm f/1.7 của Panasonic. G11 còn có khả năng chụp macro ở khoảng cách rất gần, tương ứng vùng không gian thực kích cỡ 31 x 23 mm. Chất lượng ảnh macro được Cameralab đánh giá ở mức hoàn hảo. Tuy nhiên, khoảng cách chụp quá gần trong chế độ này khiến ống kính gần như che hết ánh sáng phát ra từ đèn flash.

Ảnh
Tại ISO 1600, ảnh của G11 (ngoài cùng bên trái) ít nhiễu hơn hẳn Lumix LX-3 (ngoài cùng bên phải). Tuy nhiên, ảnh cho bởi G11 khá mờ và bị mất nhiều chi tiết. Xử lý ảnh chụp bởi G11 bằng phần mềm Photoshop với chức năng Unsharp Marker 200%, Radius 1 pixel, bạn sẽ có một bức ảnh ít nhiễu và giàu chi tiết hơn so với Lumix LX3. Ảnh: Imaging Resource.

Cảm biến của G11 vẫn giữ nguyên kích thước 1/1,7 inch như phiên bản tiền nhiệm G10. Tuy nhiên, giờ đây độ phân giải chỉ còn là 10 Megapixel, ngang ngửa Lumix LX3 nhưng lại thấp hơn nhiều so với mật độ 14,7 triệu điểm ảnh trang bị trên sensor của G10. Canon đã rất khôn ngoan khi tạo ra "bước thụt lùi" này cho dòng G-series nổi tiếng của mình. Với cùng một kích cỡ, cảm biến nào tích hợp ít pixel hơn sẽ cho ra ít nhiễu hơn và dải màu linh động hơn. Cùng với những cải tiến về thuật toán xử lý trên chip DIGIC 4, G11 có khả năng cho ra những thước chụp ít nhiễu và giàu chi tiết hơn tiền nhiệm G10 và cũng có phần khá hơn một chút so với Panasonic Lumix LX3. Tuy nhiên, sự cải thiện này không nhiều và dường như chưa xứng đáng với cái giá phải trả cho sự cắt giảm "số chấm" trên G11.

Cân bằng trắng của máy hoạt động xuất sắc trong mọi điều kiện, kể cả khi chụp với nguồn ánh sáng khó của đèn dây tóc. Ảnh có xu hướng ngả sắc vàng-xanh tuy nhiên không đáng kể.

Tốc độ chụp liên tiếp của máy hơi đáng thất vọng, chỉ khoảng 1,1 hình/giây, kém hơn đối thủ LX3 với 2,5 hình/giây. Bù lại, G11 cho phép ghi file liên tục cho tới khi đầy thẻ nhớ còn sản phẩm của Panasonic giới hạn ở 4 hình JPEG hoặc 3 ảnh RAW. G11 cũng tỏ ra khá chậm chạp khi bắt người dùng đợi tới 2,3 giây giữa 2 ảnh JPEG liên tiếp trong chế độ chụp đơn. Con số này tăng lên 4,5 giây nếu sử dụng đèn flash ở công suất phát mạnh nhất.

Tương tự phiên bản G10, G11 cũng có khả năng quay video phân giải tối đa 640 x 480 pixel, tốc độ 30 hình/giây theo chuẩn nén H.264 MOV. Pin NB-7L của máy giúp chụp khoảng 390 kiểu nếu được nạp đầy.

Sản phẩm hiện đang được bán ở Việt Nam với giá khoảng 550 USD cho hàng xách tay.

Theo Số Hóa



Bình luận

  • TTCN (0)