Mạng kết nối toàn cầu đã mở rộng nhanh chóng và hình thành nên một cộng đồng Internet đông đảo. Nhưng nhóm người dùng tiếp theo sẽ tham gia thế giới ảo với những cách thức hoàn toàn mới.

Hiện nay, đa số người sử dụng Internet biết tiếng Anh, thu nhập trên mức nghèo khó, vào mạng thường xuyên cho mục đích giải trí và đã có quan điểm rõ ràng về sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, một tỷ người dùng sắp tới sẽ không hội tụ những phương diện nói trên. Do đó, ngành công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), các nhà quản lý luật pháp và cung cấp dịch vụ đều cần giải đáp câu hỏi mà nhóm người mới sẽ đưa ra: "Mạng có ý nghĩa như thế nào đối với tôi?".

Bốn lĩnh vực chung sẽ ảnh hưởng đến những người dùng mới là:

Ngôn ngữ của nội dung số

Hơn 81% trong số những người sử dụng hiện tại tương tác qua mạng chỉ bằng 10 ngôn ngữ. Tuy nhiên, không ngôn ngữ nào là tiếng địa phương của các quốc gia Đông Nam Á (500 triệu người dùng), Nam Á (một tỷ người dùng) hoặc Châu Phi (900 triệu người dùng) - những khu vực sẽ chiếm số đông trong số nhóm người dùng mới. Do đó, trên rất nhiều phương diện, mạng Internet đơn thuần là một nơi "câm lặng".

Nội dung số và các dịch vụ điện tử

Phần lớn người dùng mạng hiện nay là ở các quốc gia đã phát triển với mức lương hàng chục nghìn USD mỗi năm, tức rất khác biệt so với những người sử dụng tiềm năng. Có khả năng, một lượng lớn sẽ thuộc tầng lớp mà Ngân hàng thế giới mô tả là "cực kỳ nghèo đói" với mức chi tiêu dưới 2 USD/ngày. Những nội dung đang hấp dẫn và gắn kết mọi người như bán sách giảm giá ở New York thông qua Amazon.com, du lịch đại hạ giá… sẽ không mấy ý nghĩa đối với họ. Rõ ràng, mối quan tâm đến nội dung số của họ khác xa những người đang sống tại Mỹ và kiếm trung bình 33.000 USD/năm.

Chi phí về sở hữu trí tuệ trong nội dung số


Vấn đề thứ ba là chi phí quyền sở hữu trí tuệ (IPR), đặc biệt là nội dung đa phương tiện. Phần lớn những nội dung này được hình thành tại các khu vực đã phát triển, với mô hình về giá cả được quyết định sẵn bởi những thị trường đó.

Nhu cầu về những nội dung này sẽ ít có ý nghĩa với nhóm người dùng mới nếu chi phí cấp phép IPR có cùng mức giá với thị trường đã phát triển. Trong một số trường hợp, người sử dụng có thể vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, như sao chép hoặc phân phối bất hợp pháp nội dung đa phương tiện.

Tuy nhiên, hiện có nhiều giải pháp sáng tạo giúp vượt qua thách thức này, chẳng hạn cung cấp nội dung được tài trợ bởi quảng cáo. Theo một khảo sát mới đây tại 6 thị trường đang phát triển ở châu Á, 28% số người tham gia khẳng định họ chấp nhận trả 1 USD để tải chương trình truyền hình 30 phút kèm theo quảng cáo, nhưng lại không muốn chi 2 USD để mua nội dung "sạch".

Sự chồng chéo các nguồn lực

Tại một số hội nghị bàn tròn của chính phủ các nước ASEAN gần đây, chỉ lĩnh vực nông nghiệp thôi cũng xuất hiện sự chồng chéo lớn trong các chủ đề. Điều đó cũng xảy ra với nỗ lực xây dựng nội dung số. Tuy nhiên, có những phần chung về nội dung ở thị trường đã và đang phát triển mà các chính phủ có thể khai thác để tiết kiệm lượng lớn tài nguyên.

Những hướng đi mới

Các ngành công nghiệp, giới quan chức và nhà thi hành pháp luật đã nhận thức được những vấn đề này. Tháng 1/2007, Liên hợp quốc đã nhóm họp với các lãnh đạo tại thung lũng Silicon (Mỹ) nhằm mục đích phát triển "nội dung đa phương tiện địa phương".

Hai năm trước, Intel và Ủy ban công nghệ thông tin - truyền thông của Philippines đã soạn thảo văn bản mang tên "Khu vực công trí tuệ điện tử" (eKnowledge Public Domain - eKPD) cho một số khu vực đang phát triển.

Sử dụng nguồn tài trợ ban đầu của UNESCO và Intel, một dự án đã được triển khai nhằm chứng minh sự hiệu quả của eKPD tại một khu vực khó khăn về mặt kinh tế - xã hội ở Philippines. Kết quả tương tự cũng đã được báo cáo tại Hà Nội và khái niệm eKPD đang tiếp tục được mở rộng lên, như các trường đại học đã xây dựng chương trình đào tạo được bản địa hóa, xu hướng tìm việc làm thông qua mạng xã hội cũng được thử nghiệm...

Intel đang tiến hành giai đoạn 2 của eKPD với những kế hoạch ở Ấn Độ, Philippines, Việt Nam và một số quốc gia châu Phi - Đông Âu, tập trung nghiên cứu các dịch vụ Web 2.0 và nâng các sáng kiến lên một tầm cao mới.

Tất cả những dự án trên đều nhằm chứng tỏ với những tỷ người sử dụng mới rằng mạng Internet, dưới nhiều hình thức khác nhau, sẽ có rất nhiều ý nghĩa với họ.

(Theo Vnexpress)

Bình luận

  • TTCN (0)