Băng tần 450 MHz của EVN Telcom bị can nhiễu, ảnh hưởng xấu đến chất lượng dịch vụ. EVN Telecom phải bỏ tiền ra xử lý, song đấy cũng chỉ là giải pháp tình thế.
Bỏ tiền "biếu không" thiết bị để tránh can nhiễu
Ông Nguyễn Mạnh Bằng, Giám đốc EVN Telecom cho biết, hiện nay băng tần 450 MHz được cấp can nhiễu bởi rất nhiều thiết bị phát sóng khác. Thậm chí tại một số tỉnh, thành mạng đi dộng của công ty bị tê liệt vì can nhiễu nặng như Hải Phòng, Hà Tây, Lai Châu… Việc can nhiễu này khiến chất lượng dịch vụ của EVN Telecom bị ảnh hưởng rất lớn, đặc biệt tại các trung tâm đô thị, khiến EVN Telecom gần như phải chuyển hướng sang thị trường nông thôn bằng các dịch vụ vô tuyến cố định chứ không phải di động.
Thậm chí, trước đây mạng di động của EVN Telecom đã bị tê liệt tại Hà Tây vì can nhiễu với Đài Truyền hình Hà Tây. Sau đó EVN Telecom đã phải “bấm bụng” đầu tư cho Đài Truyền hình Hà Tây hệ thống phát mới để tránh can nhiễu. Tuy nhiên, đây là chỉ là giải pháp tình thế cho EVN Telecom bởi cho dù có sự hậu thuẫn mạnh của Tổng công ty điện lực nhưng EVN Telecom cũng không thể mãi “biếu không” thiết bị cho các đài truyền hình để tránh can nhiễu.
Ông Nguyễn Mạnh Bằng cho biết, hiện EVN Telecom đang đứng trước rất nhiều khó khăn và thử thách. Là nhà khai thác viễn thông với băng tần hẹp, chỉ bằng 1/3 so với các nhà khai thác khác, gây khó khăn cho quy hoạch dung lượng mạng. Thêm vào đó, băng tần không sạch có nhiều nhiễu nặng, mặc dù được sự phối hợp rất tốt từ Cục tần số Vô tuyến điện nhưng việc sử lý sự cố này tốn kém rất nhiều chi phí và thời gian để khắc phục. Vì vậy, EVN Telecom đề nghị Bộ TT&TT cấp đủ băng tần cho EVN Telecom như các nhà khai thác khác.
Thi tuyển băng tần 3G: giải pháp duy nhất
Ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện, Bộ TT&TT cho biết, băng tần 450 MHz của EVN Telecom ở cảnh “trâu chậm uống nước đục” nên kém nhất trong số băng tần được cấp cho các mạng di động. Đây cũng là băng tần không được phổ dụng trên thế giới, nên các thiết bị cho băng tần này có giá cao, chi phí đầu tư lớn. Tuy nhiên, băng tần này cũng có ưu thế vùng phủ sóng rộng, nên có lợi thế cho việc phủ sóng vùng sâu, vùng xa. Đây là lợi thế mà EVN Telecom cần phát huy. Hiện Cục Tần số Vô tuyến điện cũng đã làm việc với các tổ chức nước ngoài có liên quan để nâng cao tính phổ dụng của băng tần này trên thế giới. Bên cạnh đó, Cục cũng đã làm việc với các nhà cung cấp thiết bị cho băng tần này có biện pháp giảm giá thiết bị đầu cuối để phát triển việc sử dụng băng tần này ở Việt Nam.
Ông Đoàn Quang Hoan phân tích, sở dĩ băng tần của EVN Telecom được cấp bị nhiễu vì trước đó đã có rất nhiều dịch vụ vô tuyến sử dụng băng tần này. Vì vậy, băng tần của EVN Telecom nằm vào vùng dễ bị can nhiễu. Muốn có băng tần này sạch thì cần phải có thời gian để giải phóng băng tần và quá trình này cũng rất khó khăn. Thực tế hiện nay, một số đài truyền hình địa phương có thiết bị không tốt gây can nhiễu cho mạng EVN Telecom.
Hiện nay, Cục Tần số Vô tuyến điện đang đề xuất với Bộ TT&TT để điều chỉnh quy hoạch băng tần và tiếp tục giải phóng băng tần, giải quyết vấn đề can nhiễu cho EVN Telecom. Ông Hoan cho rằng, EVN Telecom cần phối hợp với Cục Tần Số Vô tuyến điện để đo kiểm ảnh hưởng của nhiễu từ ngoài băng tần cho phép, trên cơ sở đó Cục sẽ đề xuất ra quy hoạch cụ thể chi tiết để đảm bảo EVN Telecom không bị nhiễu sử dụng hiệu quả phổ tần.
Trước đề nghị của EVN Telecom về việc ưu tiên cấp phép băng tần 3G để giải quyết vấn đề khó khăn về băng tần hiện này của nhà khai thác này, ông Đoàn Quang Hoan cho biết Bộ đã báo cáo Chính phủ về việc phải thi tuyển 3G. Vì vậy, EVN Telecom cần chuẩn bị hồ sơ thi tuyển băng tần cho 3G. Đây là biện pháp duy nhất để EVN Telecom có băng tần mới.
Ông Nguyễn Mạnh Bằng cho biết, trước khó khăn về băng tần 450 MHz, EVN Telecom sẽ quyết tâm thi tuyển lấy băng tần cho 3G, bởi đây là cửa duy nhất để nhà khai thác này có thể trụ lại trên thị trường thông tin di động.
(theo ICTnews)
Bình luận