Với sự cải tiến không ngừng công nghệ cảm biến và xử lý, các máy du lịch cao cấp dang dần đạt chất lượng ảnh tương đương với DSLR.
Phân khúc máy ảnh du lịch cao cấp có các chức năng như của DSLR (như hỗ trợ ảnh RAW, các thông số chỉnh tay và thậm chí có thể thay ống kính) đang ngày càng trở nên thông dụng với các phiên bản mới từ các hãng như Canon Powershot G11 và S90, Olympus EP1 và EP2, hay Panasonic GF1, Leica X1…
Trang DxO Mark đã công bố một số đánh giá mới về các thông số cảm biến và hoạt động đối với phân khúc máy du lịch cao cấp, cụ thể là các phiên bản Canon Powershot G11 và S90, Olympus E-P1.
Canon G11 và S90 – không chạy theo điểm ảnh
Xem xét dòng G từ các phiên bản G9 tới G11, có thể thấy, Canon mặc dù vẫn giữ nguyên kích cỡ cảm biến, nhưng số điểm ảnh ban đầu thì tăng khá nhanh, từ 12 triệu điểm trên G9 lên 15 triệu trên G10. Nhưng đến phiên bản G11 và S90, độ phân giải lại đi xuống, chỉ còn 10 triệu điểm ảnh
DxO Mark đã sử dụng phần mềm tính điểm để phân tích sự thay đổi về điểm ảnh này với chất lượng ảnh RAW. Bảng dưới cho thấy, với kích cỡ cảm biến không thay đổi, việc tăng điểm ảnh từ G9 lên G10 có làm tăng điểm DxOMark Sensor lên từ 35 tới 38 điểm. Tuy nhiên, sự tăng điểm này không đáng kể, ở dưới mức 5 điểm (mỗi 5 điểm tương ứng với một phần ba stop và được lấy là mức "có thay đổi"). Điều này cho thấy, tăng độ phân giải với số thông tin nhiều thêm thực ra tương ứng với phần nhiễu tăng thêm do kích cỡ mỗi điểm ảnh bị nhỏ đi.
Canon G9 | Canon G10 | Canon G11 | Canon S90 | |
Kích cỡ cảm biến | 1/1,7" (7,60 x 5,70 mm) | |||
Điểm ảnh | 12 Mpx | 15 Mpx | 10,4 Mpx | 10,4 Mpx |
Kích cỡ điểm ảnh | 1,9 µm | 1,7 µm | 2 µm | 2 µm |
Thang điểm DxOMark sensor | 35 | 38 | 46,6 | 46,5 |
Dải tương phản động (EV) | 10 | 10.1 | 11.1 | 11 |
Cả G9 và G10 đều bị mức nhiễu cao trong điều kiện thiếu sáng. Để khắc phục vấn đề này, ở hai phiên bản tiếp sau G11 và S90, Canon vẫn giữ nguyên kích cỡ cảm biến nhưng đã giảm độ phân giải để tăng kích cỡ mỗi điểm ảnh. Với kích cỡ cảm biến không thay đổi, các thông số khác khá tương đương, lẽ ra điểm số DxOMark Sensor cũng tương đuơng. Tuy nhiên, hai phiên bản sau lại tăng được tới 8 điểm so với hai phiên bản đầu. Điều này cho thấy, rõ ràng Canon đã có một số cải tiến về điểm ảnh hoặc về công nghệ xử lý để cải thiện chất lượng hình ảnh hơn. Xét về độ tương phản động, hai phiên bản sau chỉ hơn 1 EV (11.1 EV so với 10 EV), vì thế, lý do duy nhất giải thích việc hai phiên bản sau tăng thêm tới 8 điểm chỉ có thể là Canon đã cải tiến quá trình đọc tín hiệu điểm ảnh ra và cải tiến bộ chuyển đổi tín hiệu tương tự/số (A/D converter).
Olympus EP1 và EP2 - máy nhỏ cảm biến lớn
Olympus lại chọn hướng tiếp cận khác với hai phiên bản tiên tiến EP-1 và EP-2 của mình. Vốn là người khởi xướng ra định dạng 4/3 (Four Thirds), Olympus đã tích hợp hai cảm biến Micro Four Thirds trên các phiên bản như E-620 hay E-600 vào các máy du lịch cao cấp này.
Trong bảng dưới, phiên bản EP-1 đạt 55 điểm, tăng gần 10 điểm (khoảng hai phần ba stop) so với Canon G11. Với kích cỡ cảm biến lớn hơn, kích cỡ điểm ảnh trên EP-1 cũng gần gấp đôi kích cỡ trên G11 (đồng nghĩa với việc Olympus nhận ánh sáng nhiều hơn 4 lần). Kích cỡ điểm ảnh lớn có nghĩa sẽ ít nhiễu hơn, nhất là trong điều kiện thiếu sáng. Điểm DxOMark Sensor Low-Light ISO cho thấy ngay điều đó, EP-1 đạt 536 điểm so với chỉ 165 trên G11.
Canon G11 | Olympus EP1 | Panasonic DMC-LX3 | Panasonic G1 | |
Kích cỡ cảm biến | 1/1,7" (7,60 x 5,70 mm) | 4/3 " (18 x 13,50 mm) | 1/1,63 | 4/3 |
Điểm ảnh | 10,4 Mpx | 12 Mpx | 10 Mpx | 12 Mpx |
Kích cỡ điểm ảnh | 2 µm | 4,2 µm | 2,2 µm | 4,3 µm |
Thang điểm DxOMark sensor | 46,6 | 55 | 39 | 53 |
Về khả năng cảm biến, rõ ràng Olympus với cảm biến 4/3 ưu việt hơn đã dẫn đầu trong dòng máy du lịch cao cấp. Tuy nhiên, dù với cảm biến lớn, các phiên bản của Olympus vẫn chưa đạt tới chất lượng của những máy DSLR cấp thấp mới nhất như Canon 1000D (điểm DxOMark Sensor: 61,6), Nikon D3000 (62,4), và Sony A230 (63,4).
Để tiếp tục so sánh, DxO Mark so chất lượng hình ảnh giữa G11, S90 và EP-1 với tham chiếu là máy full-frame Nikon D3x (có điểm DxOMark Sensor là 88) và tính toán khả năng hoạt động của 3 máy trên cơ sở so sánh tương ứng với kích cỡ cảm biến.
Bảng dưới cho thấy tỷ lệ diện tích cảm biến trên mỗi phiên bản khi so với Nikon D3x và điểm số DxOMark Sensor dựa trên tỷ lệ cảm biến này.
Canon G11 and S90 | Olympus EP1 | Nikon D3x (full-frame, tham chiếu) | |
Rộng (mm) | 7,6 | 18 | 36 |
Cao (mm) | 5,7 | 13,5 | 24 |
Diện tích (mm2) | 43,32 | 243 | 864 |
Tỷ lệ diện tích so với full-frame | 1/20 | 1/3,5 | 1 |
DxOMark Sensor | 46.5 | 55 | 88 |
Điểm DxOMark Sensor dự kiến bị mất so với tỷ lệ diện tích | - 65 | - 28 | 0 |
Nhìn vào bảng trên có thể thấy với tỷ lệ diện tích, Olympus EP-1 lẽ ra chỉ mất 28 điểm, nhưng trên thực tế mất tới 33 điểm (88 – 33 = 55), trong khi Canon G11 và S90 lý ra mất 65 điểm thì chỉ mất có 42 điểm (88 – 42 = 46).
Vì thế, có thể kết luận rằng cảm biến trên G11 và S90 hoạt động hiệu quả hơn xét về từng đơn vị diện tích so với EP-1.
Về tổng thể, các nhà sản xuất máy ảnh đã cố gắng cải thiện chất lượng hình ảnh đối với dòng máy du lịch cao cấp trên, và mặc dù chọn các cách cải tiến khác nhau, các hãng đều khá thành công với những phiên bản chỉ kém hơn các dòng DSLR thấp cấp từ 1 đến 2 stop. Điều này cho thấy công nghệ chế tạo các điểm ảnh kích thước nhỏ ngày một hoàn thiện, và đặc biệt với khả năng hoạt động hiệu quả xét trên từng đơn vị diện tích cảm biến như trên G11 và S90, phân khúc này sẽ còn tiếp tục đạt được nhiều tiến bộ trong tương lai.
Và cũng nên lưu ý một điều là, với tính năng hỗ trợ chụp RAW trên phân khúc này, hiện nay, người chụp hoàn toàn có thể chụp ảnh RAW để bắt được độ tương phản động cao nhất. Sau đó dùng các phần mềm chuyển đổi ảnh RAW tiên tiến để bù lại cho sự yếu kém 1-2 stop so với DSLR. Lúc này, chất lượng ảnh trên các máy sẽ được cải thiện đáng kể và có thể nói là rất gần với chất lượng trên DSLR.
Theo Số Hóa
Bình luận