Một số bộ ngành, địa phương bắt đầu tự làm báo cáo hiện trạng CNTT theo mô hình Chỉ số sẵn sàng CNTT-TT Việt Nam (Việt Nam ICT Index) với hy vọng nhận diện được điểm mạnh và yếu của mình.
Tại hội thảo trong khuôn khổ sự kiện Tuần lễ Tin học Việt Nam lần thứ 18, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn lần đầu tiên công bố báo cáo hiện trạng CNTT của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (gọi là MARD ICT Index 2009) dựa trên mô hình xếp hạng của Việt Nam ICT Index.
Tìm hiểu thực trạng ngành
Ông Trần Anh Phương, Trưởng phòng quản lý và phát triển mạng máy tính, Trung tâm Tin học & Thống kê của Bộ này cho biết mục tiêu của báo cáo này là nhằm đánh giá lại hiện trạng hạ tầng và ứng dụng CNTT của toàn ngành, từ các cơ quan quản lý trong Bộ, các viện nghiên cứu đến các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
“Báo cáo ICT Index này sẽ được dùng làm cơ sở để xây dựng kế hoạch và chính sách phát triển CNTT của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đồng thời cũng là thước đo đánh giá xếp hạng giữa các đơn vị nhằm động viên khuyến khích các đơn vị yếu kém đẩy mạnh ứng dụng CNTT hơn nữa”, ông Phương nói.
Ông Phương cho biết trước khi làm báo cáo ICT Index của ngành, Trung tâm Tin học & Thống kê đang triển khai dự án nâng cấp hạ tầng CNTT của Bộ. “Qua kết quả từ báo cáo cho thấy việc đầu tư cho hạ tầng là rất chính xác”, ông Phương nói. “Hạ tầng là một trong những điểm yếu nhất trong bức tranh toàn cảnh về CNTT của toàn ngành nông nghiệp”.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn không phải là bộ đầu tiên tiến hành xây dựng báo cáo ICT Index cho riêng ngành mình. Từ năm 2008, Bộ Tài chính đã xây dựng báo cáo ICT Index của toàn ngành tài chính và năm nay là năm thứ hai ngành này có báo cáo ICT Index riêng. “Ngoài mục tiêu có được số liệu của ngành, việc xây dựng ICT Index còn nhằm tạo không khí thi đua giữa các đơn vị trong ngành”, ông Đặng Đức Mai, Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê Tài chính (Bộ Tài chính) cho biết.
Một số bộ ngành khác như Bộ Công thương; Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội cũng có kế hoạch làm ICT Index của riêng mình. “Chúng tôi đang cân nhắc xây dựng bộ chỉ số ICT Index của ngành vào năm tới”, ông Nguyễn Thanh Hưng, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và CNTT, Bộ Công Thương nói. Bên cạnh đó, một số địa phương như Đà Nẵng, Khánh Hoà cũng đã xây dựng các báo cáo thực trạng CNTT trên địa bàn tỉnh dựa trên mô hình của Việt Nam ICT Index.
Hiệu ứng tích cực
Ông Lê Hồng Hà, Phó chủ tịch Hội Tin học Việt Nam, người phụ trách phân tích báo cáo Việt Nam ICT Index cho biết sự quan tâm của xã hội và các cơ quan với báo cáo này ngày càng tăng. Ông Hà dẫn chứng ngay trên web tìm kiếm Google, số lượng người dùng tìm kiếm cụm từ “Vietnam ICT Index” cũng năm sau lớn hơn năm trước, từ 143.000 lượt tìm kiếm với cụm từ “Vietnam ICT Index 2003” (năm đầu tiên công bố báo cáo) tăng lên 225.000 lượt với cụm từ “Vietnam ICT Index 2007”.
Khác với các báo cáo về CNTT khác, ICT Index phản ánh được toàn bộ thực trạng ứng dụng và phát triển CNTT từ vấn đề hạ tầng, nhân lực, ứng dụng đến chính sách cho CNTT, trên cơ sở đó để đưa ra xếp hạng. Chính vì vậy, báo cáo này còn tạo ra hiệu ứng tích cực ở những nơi bị đánh giá là yếu kém trong bảng xếp hạng.
Ông Hà cho biết việc công bố Việt Nam ICT Index cũng đã chứng kiến không ít hiệu ứng tích cực từ việc bị “bêu gương”, bị xếp hạng thấp. Sau khi công bố chỉ số ICT Index năm 2006 tại Thanh Hoá, khi đó Nghệ An xếp thứ 37 trong số 64 tỉnh thành trong cả nước. Báo chí Nghệ An đã có nhiều bài viết đánh giá về xếp hạng của tỉnh. UBND tỉnh Nghệ An cũng tổ chức hội thảo rút kinh nghiệm, tìm hiểu nguyên nhân. Một năm sau đó, chỉ số ICT Index của Nghệ An đã tăng lên vị trí 17/64 tỉnh thành.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thay đổi trong chỉ số ICT Index, có thể do những thay đổi cách tính chỉ số hay do các đơn vị trước đây công bố số liệu chưa chính xác. Nhưng theo ông Hà, thay đổi vị trí trong chỉ số ICT Index của Nghệ An có tác động rất lớn từ việc công bố chỉ số, từ việc họ bị đánh giá thấp.
Không chỉ Nghệ An, theo ông Hà, sự lên ngôi mạnh mẽ của Bộ Thương mại và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong chỉ số ICT Index những năm gần đây cũng có tác động không từ việc bị đánh giá thấp trong những năm trước đó. “Không ai vì bị đánh giá thấp mà mất chức hay bị phê bình khiển trách nhưng họ có động lực đầu tư hơn khi nhận thấy mình yếu kém”, ông Hà nói.
Có lẽ đó là những lý do ngày càng nhiều bộ ngành và các địa phương muốn tự xây dựng bộ chỉ số ICT Index cho riêng mình, ông Hà nói.
Theo ICTnews
Bình luận