Chi nhánh Google tại Anh vừa bị cáo buộc đã thuê đội ngũ kế toán cực giỏi để trốn một khoản thuế khổng lồ trong năm 2008 nhằm đút túi cho công ty.
Theo The TimesOnline, năm ngoái, doanh số quảng cáo của Google tại Anh là 1,6 tỷ bảng (tức 2,58 tỷ USD), tương đương 14% trong tổng doanh thu toàn cầu của Google. Tuy nhiên, hãng này đã tìm cách cắt xén để chỉ phải trả 141.519 bảng tiền thuế tại Anh. Một số người dân Anh, và thậm chí là một vài người làm việc cho chính Google, có thể còn trả thuế nhiều hơn thế.
Google đưa ra rất nhiều lời giải thích, cho rằng Google đăng ký hoạt động kinh doanh trên thị trường EU tại Ireland, nước áp mức thuế doanh nghiệp thấp hơn tại Anh. Nếu Google đăng ký tại Anh, số thuế mà hãng này phải trả lên tới 450 triệu bảng.
Tạp chí Guardian (Anh) nghiên cứu rất kỹ về hoạt động kế toán của Google và nhận thấy, dù chỉ trả tiền rất ít tiền thuế nhưng Google vẫn hoạch toán hoạt động kinh doanh theo biểu thuế cao hơn theo luật lệ của Anh.
Mọi hoạt động tài chính của Google có vẻ hợp pháp. Một mặt tìm cách giảm tối đa mức thuế phải trả, mặt khác Google vẫn thực hiện theo các quy định của doanh nghiệp đa quốc gia hoạt động tại Anh. Mãi đến gần đây, việc trốn thuế của Google mới bị phanh phui.
Cuối tuần vừa qua, Vince Cable, nghị sỹ đảng dân chủ tự do Anh, yêu cầu Google phải “chơi đẹp” nếu không sẽ bị tổn hại danh dự. “Trốn thuế trong nền kinh tế phát triển đã khó chấp nhận chứ không nói gì đến lúc này, đất nước đang lâm vào khủng hoảng”, Vince Cable nói.
Google hiện đang có 800 nhân viên làm việc tại Anh. Google chiếm hơn 90% thị phần tìm kiếm trực tuyến tại xứ sở sương mù.
Theo Dân Trí (TechWorld)
Bình luận
Times Online chỉ đăng là Google có doanh thu 1,6 tỉ bảng nhưng không phải chịu thuế ở Anh (vì chi nhánh ở Ai-len), không biết sau đó TechWorld viết gì mà cuối cùng sang tiếng Việt thành “trốn thuế”.
Nếu đã trốn thuế thì phải bị phạt. Đằng này Google có phạm luật gì đâu! Không phạm luật nên mới có người năn nỉ Google “chơi đẹp”. Làm kinh doanh không biết có ai dại gì “chơi đẹp”, đóng thuế cho Ai-len sướng hơn đi đóng những mức thuế cao cắt cổ ở các nước lớn.
Dù cho không phạm luật thì cũng có đối thủ cạnh tranh nào đó muốn "chơi" Google để làm giảm thiện cảm của người dùng.
--
Hiện tượng này là ví dụ cho việc tận dụng kẽ hở của sự hội nhập nhỉ. Ireland tận dụng sự tự chủ về luật thuế thì hút được Google đóng thuế cho mình, ít ra là lợi được một khoản thuế từ công ty nước ngoài (bù lại, chính phủ cũng phải chịu mất một khoản không nhỏ do giảm thuế đối với công ty trong nước).