Độ phân giải cao 2160p, tốc độ quét hình 240 Hz, màn hình OLED, trình chiếu 3D, và tích hợp sẵn ổ Blu-ray là 5 xu hướng TV chủ đạo của năm 2010.
Năm tới, các nhà sản xuất sẽ chủ yếu tăng tốc độ quét cho màn hình, bên cạnh việc phát triển công nghệ 3D cũng như OLED.
Độ phân giải 2160p
Ảnh: Samsung. So với hình ảnh HD-Ready 720p hay Full HD 1080p, độ phân giải 2160p, 3.840 x 2.160 pixel, là một bước nhảy vọt về khả năng hiển thị hình ảnh. Không chỉ thể hiện hình ảnh chi tiết và sắc nét hơn, màn hình 2160p có thể chia thành 4 màn Full-HD 1080p khi trình chiếu nội dung.
Song, trở ngại lớn nhất để đưa những chiếc TV 2160p vào sản xuất thương mại là chi phí cao. Một trong những mẫu HDTV 2160p đầu tiên được Samsung giới thiệu có giá lên tới 50.000 USD, tương đương 950 triệu đồng. Tại Nhật Bản, lần lượt Sony và Toshiba những tháng gần đây đã đưa ra hai sản phẩm HDTV 2160p Sony Trimaster giá 76.583 USD và Toshiba Cell Regza, sắp tới sẽ được trưng bày tại CES 2010.
Khoảng thời gian 2009 - 2011 được dự đoán sẽ có thêm sự tham gia của nhiều nhà sản xuất TV, và HDTV 2160p sẽ sớm có mặt trên thị trường với nhiều sản phẩm mới. Song giá bán sẽ vẫn dao động quanh mức 76.000 USD. HDTV 2160p đầu tiên sẽ hướng đến người dùng đã sở hữu các sản phẩm Full-HD muốn nâng cấp lên công nghệ mới. Tuy nhiên, sự nâng cấp này sẽ là vô ích nếu chưa có nội dung trình chiếu tương ứng, PCWorld nhận định.
Tốc độ quét hình 240 Hz
Thế hệ HDTV đầu tiên phổ biến với tốc độ quét hình 60 Hz, sau đó được đẩy lên 120 Hz. Và năm ngoái, tại CES 2009, Sony cùng lúc giới thiệu 6 mẫu TV Bravia XBR9 52 inch 240 Hz đã nhanh chóng đẩy HDTV 240 Hz lên thành một xu hướng công nghệ với sự theo sau các sản phẩm của Samsung rồi LG.
Tuy vậy, nhiều chuyên gia lại đang tranh cãi gay gắt về tốc độ 240 Hz. Rất nhiều trong số họ nhận xét không có sự khác biệt giữa 120 Hz và 240 Hz trong trình chiếu hình ảnh, họa chăng là những hình chuyển động cực nhanh trong game hay thể thao không phải là nội dung thường nhật, người dùng phổ thông sẽ không nhận biết được.
Rõ ràng bạn sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho TV 240 Hz. Ví dụ, vào thời điểm tháng 2 năm nay, giá HDTV 40 inch 240 Hz là 2.800 USD, gần gấp đôi số tiền 1.651 USD chi cho HDTV 120 Hz cùng kích cỡ. Tới tháng 12, giá cả "hạ nhiệt" hẳn, TV 240 Hz còn 1.596 USD, và HDTV 40 inch 120 Hz là 1.195 USD.
Màn hình OLED mỏng
Các chuyên gia trong nghành công nghiệp PC đều hy vọng TV OLED độ sáng cao và tiết kiệm năng lượng sẽ phổ biến hơn. Song đó là lúc nào và giá cho mỗi chiếc TV loại này ra sao vẫn là những câu hỏi gây nhiều tranh luận. Khác với màn LCD, OLED sử dụng vật liệu polymer mỏng có khả năng phát sáng. Màn OLED màu sắc sống động hơn và tiêu thụ ít điện năng hơn LCD vì không cần đến đèn nền LED để chiếu sáng.
Ngay từ năm 2007, TV OLED 11 inch màn siêu mỏng, siêu dẻo có thể uốn cong đã được Sony sản xuất. Gần đây, tại thị trường Hàn Quốc, LG cũng đã ra mắt mẫu TV OLED 15 inch.
TV OLED sẽ là sự thay thế hoàn hảo cho TV LCD bởi có thể thiết kế mỏng hơn, tiết kiệm điện hơn, và dễ dàng cuộn gọn. Hãng nghiên cứu thị trường iSupply dự đoán, doanh thu toàn cầu của màn OLED sẽ tăng từ 10 triệu USD năm 2009 lên 1,8 tỷ USD vào năm 2015. Và các nhà phân tích tin rằng những khó khăn gặp phải trong quá trình sản xuất sẽ khiến giá thành TV OLED vẫn còn cao, kích cỡ còn nhỏ, và tới tận 2015, những sản phẩm này mới được phổ cập rộng rãi hơn.
Hiện, giá của chiếc TV OLED 11 inch là 2.500 USD (37 triệu đồng), trong khi giá của một chiếc TV LCD màn lớn 40 - 42 inch chỉ khoảng 700 USD (15 triệu đồng).
Một số nhược điểm về đặc tính kỹ thuật cần được nghiên cứu thêm để khắc phục là độ bền vật liệu chế tạo màn OLED và hiệu ứng lưu hình ảnh tĩnh hiển thị trong một khoảng thời gian lâu dài.
TV 3D
Mitsubishi và Samsung sớm đi tiên phong với các màn công nghệ RP-DLP "3D-Ready" tạo hiệu ứng hình ảnh 3D bằng cách chuyển nhanh các hình ảnh trình chiếu riêng biệt cho mắt trái và mắt phải được tái hiện qua kính đeo tương thích. Tuy nhiên, TV DLP giá thành cao và đòi hỏi các nội dung dàn dựng trên công nghệ tương ứng mới xem được video 3D. Vì vậy, Samsung, ở thời điểm này đã từ bỏ thị trường DLP. Cuộc chiến hiện tại là sự cạnh tranh giữa LCD và Plasma. Trong tháng này, Panasonic mới đưa ra HDTV 3D Plasma 50 inch. Ngoài ra, như Reuters cho biết, LG cũng sẽ sớm bán ra TV LCD 3D vào nửa sau 2010.
Mới đây, Hiệp hội đĩa Blu-ray quốc tế đưa cấu hình quy chuẩn cho đĩa Blu-ray 3D với định dạng hình ảnh Full-HD 1080p, tương thích với hầu hết các màn LCD, Plasma, OLED. Song vẫn đề về kỹ thuật vẫn còn đó, điển hình là công nghệ kính 3D. Để xem được hiệu ứng trên màn 3D, người xem phải đeo kính. Công nghệ màn 3D không kính giá thành cao, phức tạp về kỹ thuật sản xuất đã sớm bị bỏ rơi như trường hợp của Philips trước đây.
Vẫn biết các hãng điện tử lớn, đặc biệt là Sony đang "rục rịch" ra mắt TV 3D mới trong năm 2010 nhưng theo PCWorld phải đến năm 2012, sản phẩm này mới có thể xuất hiện đại trà trên thị trường.
Tích hợp ổ DVD hoặc Blu-ray
Không phải là xu hướng mới, nhưng HDTV combo với ổ đĩa DVD hoặc Blu-ray gắn trong tiện dụng sẽ phổ biến hơn. Năm nay, Sharp đã bán ra HDTV/Blu-ray combo LC46BD80U với giá 1.600 - 1.700 USD. Bên cạnh đó, xuất hiện ngày càng nhiều mẫu PC all-in-one như Sony VIAO L11FX/B màn lớn 24 inch được trang bị HDTV tuner để xem truyền hình với đầy đủ tính năng điện toán với màn cảm ứng, ổ Blu-ray, chạy hệ điều hành Windows 7.
Vì vậy, thay vì mua HDTV và đầu đĩa Blu-ray riêng biệt, người tiêu dùng sẽ có thêm lựa chọn mới không chỉ tiết kiệm chi phí, đảm bảo tính thẩm mỹ cho không gian sắp đặt mà còn được sở hữu sản phẩm công nghệ thời thượng.
Theo Số Hóa
Bình luận