Trong vòng 6 tuần kể từ hồi cuối tháng 10, Nokia đã đệ đơn kiện gần như toàn bộ những đối thủ cạnh tranh của mình như Apple, Samsung, LG và 8 hãng sản xuất di động khác.

Đến đầu tháng 12, chính Nokia lại trở thành bị đơn và người đâm đơn không ai khác là Apple.

Trong ngành công nghiệp di động, việc các hãng sản xuất thường xuyên trao đổi những công nghệ tiên tiến nhất với nhau đã thành một thông lệ nên việc Nokia khởi kiện các đối thủ của mình trở thành một sự ngạc nhiên với các nhà chuyên môn. Nhiều người đã cho rằng đây là hành động trong lúc “bí bách” vì đang bị các đối thủ áp sát và đe dọa vị thế số một.

Cũng giống như các hãng sản xuất di động khác, Nokia đang phải vật lộn khá vất vả với tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu. Hãng này đã phải sa thải hàng ngàn nhân công trong năm 2009 nhưng doanh số tiêu thụ, lợi nhuận và thị phần vẫn liên tục “lao dốc không phanh”.

“Các vụ kiện tụng này chỉ là sự bùng phát tự nhiên khi họ đang phải đối mặt với khó khăn. Mục đích là để phân tán nguồn lực của đối thủ và giảm sức ép cạnh tranh”, Bill Tai – chuyên gia của hãng đầu tư mạo hiểm Charles River Ventures nói, “thực tế, những vụ kiện này chỉ là một thứ ba-ri-e nhằm bảo vệ vị trí của mình”.

Nhưng lịch sử phát triển của ngành công nghiệp di động toàn cầu vẫn thường được tô điểm bằng những vụ kiện. Năm 2008, chính Nokia đã phải chi 400 triệu USD để giải quyết vụ kiện kéo dài suốt 15 năm với hãng sản xuất chip Qualcomm. Đã tham gia thị trường này, gần như tất cả đều đã từng ít nhất một lần “vác đơn đi kiện” hoặc bị kiện. Hiện Research In Motion, hãng sản xuất dòng smartphone BlackBerry vẫn đang kiện hãng Motorola với cáo buộc đối thủ vi phạm 20 sáng chế công nghệ của họ. Palm lại đang bị kiện bởi Saxon Innovations, một hãng công nghệ nhỏ ở Texas (Mỹ).

Trước khi mang đơn đi kiện các đối thủ, chính bản thân Nokia cũng đang phải đối mặt với 12 vụ kiện khác do IPCom – một hãng công nghệ Đức đang sở hữu tới 160 sáng chế quan trọng trong ngành công nghiệp di động.

“Tuy muộn nhưng Nokia đã bắt đầu trở nên “tích cực” hơn trong việc sử dụng công cụ pháp lý”, Clive Thorne, luật sư về sở hữu trí tuệ của hãng luật Arnold & Porter tại London (Anh) nói.

Cuối tháng 10, Nokia khởi kiện Apple vì cho rằng đối thủ đã vi phạm 10 bằng sáng chế trong công nghệ 3G của mình trên các mẫu iPhone. Đến đầu tháng 12, cũng chính hãng này đệ đơn lên tòa án tại Anh và Mỹ cáo buộc Samsung, LG, Philips, Sharp và một số hãng khác đã thông đồng nhau để ấn định giá bán màn hình LCD. Nhưng cũng trong tháng 12 này, Apple đã kiện lại Nokia cáo buộc hãng này sao chép mẫu thiết kế trên iPhone của họ.

“Những vụ tranh chấp pháp lý không phải là động lực phát triển. Nó chỉ nói lên rằng môi trường kinh doanh trong ngành công nghiệp di động đã biến đổi”, Louise Pentland, Giám đốc pháp lý của Nokia nói.

Nhưng theo Ian Drew, Tổng giám đốc hãng sản xuất chip di động ARM, kiện tụng còn là chiêu “định vị chỗ đứng trên thị trường một cách nhanh nhất” của nhiều hãng di động nhỏ và đáng buồn là Nokia lại phải sử dụng đến cách này bởi chỉ cần thông thạo về luật một chút cũng có thấy tỷ lệ thành công của các vụ kiện do Nokia khởi xướng là rất thấp. Trong vụ kiện Apple, các quan tòa sẽ hỏi tại sao iPhone 3G đã ra đời cách đây 2 năm mà bây giờ Nokia mới khởi kiện?

Tuy tỷ lệ thành công thấp nhưng rất có thể chiêu kiện tụng này còn trở thành đòn “gậy ông đập lưng ông” khi chúng khiến Nokia phải gánh thêm nhiều khoản chi phí pháp lý khổng lồ. Thông thường, 2/3 số tiền để giải quyết một vụ kiện được dành cho chi phí pháp lý.

Theo ICTNews (NYT)



Bình luận

  • TTCN (0)