Năm 2009 đã khép lại với nhiều nỗ lực của Bộ TT&TT trong “cuộc chiến” chống thư rác, trong đó nổi cộm là tình trạng “rác” SMS trên mạng viễn thông di động.

Đủ chiêu móc tiền

Bùng nổ từ thời điểm giáp Tết Nguyên đán năm 2009 và kéo dài qua những tháng đầu năm 2009, các loại SMS “rác” gây bức xúc đối với người dùng điện thoại di động (ĐTDĐ) là tin quảng cáo sản phẩm, tin mang tính chất lừa đảo, dẫn dụ trúng thưởng, tin bói toán, soi cầu lô đề, tư vấn chuyện phòng the, xem hướng xuất hành ngày xuân... Hầu hết chúng được phát tán từ các số thuê bao trả trước và... “quên” luôn chuyện công khai mức cước phí cho mỗi tin nhắn thành công, khiến xã hội ngày càng có cái nhìn thiếu thiện cảm với hình thức quảng cáo qua ĐTDĐ.

Sau thời gian khoảng bốn tháng tạm lắng (từ tháng 3 - 6/2009), đầu tháng 7/2009 rác SMS lại “tái xuất giang hồ” để tiếp tục “dụ” các thuê bao ĐTDĐ tải hình “nóng”, bói toán, soi cầu lô đề… Thậm chí, bên cạnh đó còn là “lực lượng” rác với nội dung bám sát thực tế xã hội như dịch cúm H1N1 (dụ soạn tin tìm hiểu cách phòng ngừa) và mới đây nhất, hồi tháng 11-12/2009, ngay sau khi VinaPhone khai trương mạng 3G đã lập tức xuất hiện rác dụ soạn tin cài đặt 3G của tổng đài 6779... Chưa hết, qua tìm hiểu của phóng viên Báo BĐVN còn cho thấy nhiều loại “rác” ngang nhiên mạo danh, “núp bóng” cả những doanh nghiệp lớn như VinaPhone, MobiFone bằng việc gắn thêm địa chỉ website www.vinaphone.com.vn hoặc www.mobifone.com.vn ở cuối nội dung mỗi tin nhắn nhằm... “gia cố” thêm độ tin cậy, đánh lừa người sử dụng ĐTDĐ.

Đáng nói, hầu hết các tin nhắn rác dụ người dùng soạn tin “cách X cách Y” đều không công khai mức cước để “âm thầm” moi từ 10.000 – 15.000 đồng của người dùng. Đặc biệt là chiêu lách luật có một không hai để... móc tiền khách hàng đến cùng của Công ty CP Việt Nam và Bạn (Vietnam2you). Theo quy định, công ty này đã tuân thủ việc đảm bảo quyền từ chối nhận tin nhắn quảng cáo của người dùng (soạn VAZ gửi 8216), song lại tự ý thu phí 2.000 đồng đối với mỗi tin nhắn dạng này.

Bộ TT&TT vào cuộc quyết liệt

Ngày 9/2/2009 là thời điểm Thông tư số 12 hướng dẫn chi tiết việc thực hiện Nghị định 90/2008/NĐ-CP của Chính phủ về chống thư rác có hiệu lực, nhưng dường như tình trạng thư rác vẫn không thuyên giảm. Trong khi đó, ở thời điểm ngày 9/2/2009 trong tổng số hơn 160 nhà cung cấp dịch vụ nội dung thì chỉ duy nhất Công ty CP Truyền thông GAPIT là đơn vị có mã số quản lý.

Trước thực trạng đáng lo ngại này, một tháng sau khi Thông tư số 12 có hiệu lực, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT), Bộ TT&TT đã tổ chức hai cuộc họp để triệu tập các nhà cung cấp dịch vụ nội dung (CP) để phổ biến Nghị định 90, Thông tư 12 đồng thời hướng dẫn cách đăng ký cấp mã số quản lý và đề nghị các doanh nghiệp dừng ngay hành vi phát tán tin nhắn rác. Cùng đó, lãnh đạo Bộ TT&TT đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn giải pháp xử lý tình trạng tràn lan thư rác, chỉ đạo các phương tiện thông tin đại chúng trực thuộc Bộ TT&TT như báo Bưu điện Việt Nam, Vietnamnet, Đài truyền hình VTC... cùng phối hợp với các đơn vị truyền thông đại chúng trong nước tăng cường công tác tuyên truyền về phòng chống thư rác...

Là đơn vị trực tiếp được Bộ TT&TT giao nhiệm vụ triển khai các biện pháp chống thư rác tại Việt Nam, VNCERT đã phối hợp với Thanh tra Bộ TT&TT vào cuộc quyết liệt. VNCERT ra mắt website điều phối chống tin rác tại địa chỉ antispam.vncert.gov.vn và đề nghị các CP phải công khai số điện thoại “nóng” tiếp nhận phản ánh cũng như yêu cầu từ chối nhận tin nhắn quảng cáo của khách hàng dùng ĐTDĐ. Quan điểm của VNCERT đưa ra là xử lý đến cùng những CP cố tình vi phạm, nếu mức độ vi phạm nghiêm trọng sẽ tiến hành thu hồi đầu số hoặc thu hồi toàn bộ doanh thu có được từ việc phát tán tin nhắn rác.

Tuy nhiên, sau khi VNCERT, Thanh tra Bộ TT&TT vào cuộc xử lý thì nhiều CP viện vào lý do bị kẻ xấu nhắn tin quảng cáo hạ thấp uy tín hoặc do đối tác của chính CP phát tán quảng cáo mà họ dù muốn... ngăn chặn cũng không thể kiểm soát nổi. Những lý do này không phải không có lý, song ông Vũ Quốc Khánh – Giám đốc VNCERT cho rằng: Không thể có chuyện các CP luôn dựa vào cớ đó để trốn tránh trách nhiệm. Bằng chứng là hồi giữa năm 2009, một CP phải thừa nhận sai phạm khi VNCERT và Thanh tra Bộ TT&TT bằng biện pháp nghiệp vụ đã phát hiện ra e-mail trao đổi kế hoạch phát tán tin rác, báo cáo doanh thu từ việc nhắn tin giữa nhân viên và giám đốc của CP đó.

Năm 2010: Chưa hết lo

Với thực tế hầu hết tin nhắn SMS rác đều được gửi đi từ số thuê bao trả trước, khi dư luận xã hội đang khấp khởi hi vọng sau thời điểm 30/6/2009 (mốc thời gian kết thúc hạn đăng ký thông tin cá nhân đối với thuê bao di động trả trước) sẽ dẹp được loạn rác SMS, thì lại phải tiếp tục chịu phiền toái khi đến sát ngày này, thời gian “trảm” thuê bao không đăng ký được dời đến ngày 31/12/2009.

Và tại thời điểm gần hai tháng trước mốc 31/12/2009, VinaPhone, MobiFone, Viettel… đều đưa ra con số ấn tượng là thuê bao trả trước đăng ký đạt gần 100%. Tuy nhiên, điều vô cùng quan trọng là thông tin đăng ký có chính xác hay không thì các mạng đều không khẳng định được. Mà thông tin khai báo không chính xác tức là giá trị pháp lý để “tóm” người “tung rác” vẫn bằng… không.

Sau hàng loạt nỗ lực có hiệu quả của các cơ quan chức năng, đến thời điểm hiện nay rác SMS đã giảm mạnh cả về số lượng cũng như qui mô...; đã có 41 CP được cấp mã số quản lý. Thế nhưng, chắc chắn năm 2010 vẫn còn đó nỗi lo bị “rác” làm phiền.

Theo ICTnews



Bình luận

  • TTCN (1)
Nguyễn Thái Huy

Rác SMS

Theo tôi được biết rác SMS có nhiều loại và ở nhiều dạng khác nhau như: SMS spoofing, SMS faking,SMS spam-flooding và SMS virus & malware... Vấn đề ở đây là chế độ bảo vệ của SMS còn hạn chế.

Nhiều nhà mạng trên thế giới đã sử dụng các thiết bị và hệ thống để hỗ trợ hệ thống SMS của mạng họ như: TEKELEK’S TEKMEDIA SMS FIREWALL, OPENMIND NETWORKS, NEXUSNETVIEW SIGNALLING SURVEILLANCE SYSTEM...

Tôi thấy những hệ thống trên rất tốt, nên xem xét và áp dụng cho các nhà mạng ở Việt Nam, để giảm tình trạng rác SMS. Hy vọng tình trạng rác SMS sẽ được giải quyết sớm.