Những diễn biến mới nhất quanh vụ thỏa thuận dàn xếp của Google (về việc vi phạm bản quyền hàng ngàn đầu sách) đã tác động trực tiếp tới quyền lợi của những tác giả Việt Nam. Cụ thể, trước mắt chúng ta đã không còn là đối tượng nằm trong nhóm thỏa thuận dàn xếp với “người khổng lồ” này. Và đi xa hơn, tác giả VN rất có thể sẽ phải tự tổ chức một vụ kiện riêng để đòi quyền lợi…

Không mất quyền lợi nhưng… chưa được thu xếp

Thỏa thuận dàn xếp ban đầu của Google công bố cách đây nửa năm là sẽ “bồi thường” 60 USD/ đầu sách đã bị số hóa, và trả 63% doanh thu cho những lần sử dụng tiếp. Thỏa thuận này đã thu hút sự quan tâm của các tác giả VN. Nhưng phía Google đã thay đổi và đưa ra bản Thỏa thuận dàn xếp sửa đổi vào ngày 13/11/2009 (đã được Tòa án sơ bộ thông qua 6 ngày sau đó). Dự kiến, buổi điều trần về vụ kiện này sẽ diễn ra vào sáng 18/2/2010 tại New York (Mỹ) với mục đích xác định xem Thỏa thuận dàn xếp sửa đổi có công bằng, đầy đủ và hợp lý hay không.

Thay đổi lớn nhất trong bản thỏa thuận mới này là điều kiện được Google đặt ra: Các tác giả phải có tác phẩm được đăng ký tại phòng bản quyền của Mỹ trước ngày 5/1/2009 hoặc được xuất bản tại Canada, Anh, Australia (cũng phải trước ngày 5/1/ 2009). Các chuyên gia bản quyền của Trung tâm Bảo hộ quyền tác giả văn học VN (VLCC) giải thích: Sự thay đổi trên nằm ở việc nhiều nhóm tác giả từ các nước phản ứng khá gay gắt với cách “tiền trảm hậu tấu” của Google. Họ cho rằng nếu thỏa thuận dàn xếp được phê chuẩn, Google sẽ được giải thoát khỏi mọi trách nhiệm của việc xâm phạm bản quyền một cách có ý thức. Đồng thời trong tương lai, với những kế hoạch số hóa sách mà Google dự kiến sẽ triển khai, “người khổng lồ” này sẽ có một cơ sở dữ liệu và một dự án kinh doanh sách đồ sộ mà khó một đối thủ cạnh tranh nào có được.

Với việc gần như đại đa số tác giả đều không đăng ký bản quyền tại Mỹ, nhóm tác giả Việt Nam nghiễm nhiên không còn là đối tượng nằm trong Thỏa thuận dàn xếp sửa đổi. Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là các tác giả Việt Nam hoàn toàn mất đi quyền sở hữu số tác phẩm bị Google số hóa và sử dụng.

“Nếu bản thỏa thuận sửa đổi này được tòa án thông qua, tác giả và nhà xuất bản Việt Nam sẽ không bị ràng buộc bởi các điều khoản của nó - bà Đoàn Thị Lam Luyến, Giám đốc VLCC cho biết - chủ sở hữu tại Việt Nam vẫn có tất cả các quyền kiện Google vì đã số hóa và sử dụng tài liệu có bản quyền mà không được phép của của họ”.

Khởi kiện Google: muốn, nhưng rất phức tạp

Theo lời bà Luyến, với những diễn biến mời này, các chủ sở hữu tác phẩm Việt Nam sẽ có 2 phương án để lựa chọn: hoặc độc lập tổ chức một vụ kiện riêng với Google, hoặc chờ những chính sách xử lý của Google đối với những tác giả không nằm trong nhóm Thỏa thuận dàn xếp sửa đổi nói trên

Theo thống kê mà trung tâm này đưa ra, số lượng sách mà Google đã quét của các tác giả Việt Nam lên tới gần 7.000 cuốn chứ không còn dừng lại ở 4.000 cuốn như vài tháng trước đây.

Trong những tháng qua, vấn đề lợi và hại của việc tự tổ chức khởi kiện Google đã được số tác giả Việt Nam thảo luận khá nhiều. Đại ý, như phân tích của bà Luyến, nếu chủ động khởi kiện, các tác giả Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi về các mặt cơ sở pháp lý, án lệ, tư cách đại diện, chứng cứ... Bù lại, khó khăn lớn nhất vẫn nằm ở các vấn đề về năng lực, con người, kinh nghiệm... của các tác giả VN khi bước chân vào một vụ kiện lớn như thế này. Đơn cử, bản thân việc đóng góp kinh phí để cùng “hầu kiện” cũng đã là câu hỏi đặt ra cho các tác giả.

Theo lời bà Luyến, trong thời gian ngắn nhất, VLCC sẽ gửi thông báo và lấy ý kiến các tác giả từng ủy quyền cho trung tâm này để xác định phương án bảo vệ bản quyền của mình trước Google. Đồng thời, VLCC đang nghiên cứu, đề xuất giải pháp và chờ ý kiến tư vấn của tổ chức quốc tế, các tổ chức tương ứng trong khu vực và thế giới về vấn đề này.

Theo TT&VH



Bình luận

  • TTCN (0)