Một lễ ký hợp tác của Chương trình phát triển PMNM quốc gia giai đoạn 2004- 2008. Ảnh: HS.

Sức ép phải sử dụng phần mềm có bản quyền đang giục các địa phương, doanh nghiệp tìm kiếm một lựa chọn thay thế có chi phí rẻ hơn. Chưa lúc nào phần mềm nguồn mở (PMNM), mà điển hình là bộ phần mềm văn phòng OpenOffice, lại được nhắc đến nhiều như hiện nay.

Từ năm 2004, Chính phủ đã có hẳn chương trình phát triển PMNM quốc gia giai đoạn 2004-2008. Nhưng đáng tiếc chương trình này đến giờ chưa tạo ra tác động nào cho sự phát triển PMNM ở Việt Nam, khi các kế hoạch vẫn nằm trên giấy.

Tuy nhiên, hiện nay tình thế đã đổi khác. Mới đây, Chính phủ đã có chỉ thị yêu cầu các cơ quan nhà nước phải sử dụng phần mềm có bản quyền. Vì thế, các doanh nghiệp và các tổ chức, nhất là những “hộ mặt tiền” giờ đây không thể yên tâm xài chùa phần mềm mà đã bắt đầu tính đến việc chuyển sang PMNM.

Đây đó bắt đầu chuyển đổi

Mới đây, Văn phòng Trung ương Đảng tuyên bố sẽ từ bỏ Microsoft Office để chuyển sang OpenOffice. Theo lộ trình, đến hết năm 2008, toàn bộ 20 ngàn máy tính của các cơ quan Đảng trên cả nước sẽ chuyển sang OpenOffice. Ngoài ra, nhiều cơ quan, đơn vị khác như Sở BCVT Khánh Hoà, Sở BCVT, Sở KHCN và Sở Thương mại của TP.HCM cũng đang thử nghiệm OpenOffice trong nội bộ cơ quan với tham vọng nhân rộng khi mô hình này thành công.

Theo ông Nguyễn Kim Hòa, Giám đốc Sở BCVT Khánh Hoà thì việc chuyển đổi từ Microsoft Office sang OpenOffice không quá phức tạp. “Những đơn vị chưa dùng nhiều CNTT có thể chuyển đổi ngay sang phần mềm này, nhưng với những đơn vị đã ứng dụng nhiều thì việc chuyển đổi cơ sở dữ liệu cũ sang nguồn mở cần có lộ trình”, ông Hoà nói.

TP. HCM đã có dự tính sẽ mở rộng việc thử nghiệm phần mềm văn phòng này tại 3 sở và 5 quận/huyện đầu năm tới

Các Sở BCVT, Sở KHCN và Sở Thương mại TP. HCM từ năm 2006 đã bắt đầu thử nghiệm OpenOffice, trong đó Sở Thương mại hiện có 60 máy tính đang chạy phần mềm này. Theo một cán bộ của Sở BCVT TP. HCM, kết quả thử nghiệm Open Office đến nay cho thấy đủ đáp ứng yêu cầu. Với kết quả khả quan này, TP. HCM đã có dự tính sẽ mở rộng việc thử nghiệm phần mềm văn phòng này tại 3 sở và 5 quận/huyện đầu năm tới. Sau bước này, “có thể thành phố sẽ tiến đến ứng dụng đại trà một số PMNM tại các cơ quan nhà nước trên địa bàn”, cán bộ trên nói.

Trước đó, ngân hàng Sacombank đã sử dụng OpenOffice cho khoảng 2000 máy tính tại 163 điểm giao dịch trên toàn quốc. Tuy nhiên gần đây do chiến lược kinh doanh mà ngân hàng này đã chuyển một số máy tính sang dùng sản phẩm của Microsoft. Điều này phần nào cho thấy việc chuyển đổi giữa phần mềm Microsoft Office và OpenOffice là tương đối dễ dàng, vì OpenOffice chạy tương đối ổn định trên nền HĐH Windows của Microsoft.

Xuất hiện thêm nhiều đơn vị hỗ trợ

Kinh nghiệm của những nơi chuyển đổi sang PMNM thành công như trường hợp Sacombank cho thấy vấn đề của PMNM không phải ở công nghệ mà ở thói quen của người sử dụng. Vì vậy, việc sử dụng PMNM cần có sự thống nhất, quyết tâm của người lãnh đạo cao nhất.

Thị trường đã bắt đầu xuất hiện một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hỗ trợ PMNM.

Một yếu tố khác cản trở PMNM là thiếu đội ngũ hỗ trợ, nhất là ở những địa phương không có thế mạnh về đội ngũ người làm CNTT. Do đầu ra cho PMNM ít và lợi nhuận thu được chủ yếu là từ làm dịch vụ nên rất hiếm công ty theo đuổi và có thể sống được bằng PMNM. Nhưng hiện nay khi sức ép hội nhập đòi hỏi phải tôn trọng bản quyền phần mềm thì PMNM dường như cũng bắt đầu khả quan quan. Thị trường đã bắt đầu xuất hiện một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hỗ trợ PMNM. Điển hình là giải pháp tích hợp các phần mềm nguồn mở iDesk của công ty iNet Solutions đang thu hút sự quan tâm của người dùng có nhu cầu chuyển sang PMNM. Công ty phần mềm Nhất Vinh lâu nay chuyên cung cấp giải pháp ứng dụng PMNM cho máy chủ gần đây cũng bắt đầu đưa ra dịch vụ hỗ trợ chuyển đổi từ Microsoft Office sang Open Office. Tuy nhiên, để PMNM phát triển trở thành xu hướng thì cần rất nhiều công ty tương tự.

Lộ trình chuyển đổi


Lấy kinh nghiệm từ chính doanh nghiệp của mình, ông Lê Trung Nghĩa, Giám đốc công ty phần mềm Nhất Vinh cho rằng quá trình chuyển đổi sang PMNM nên chia làm hai giai đoạn, bước đầu là chuyển đổi một phần, sau đó tiến tới chuyển đổi toàn phần.

Với bước chuyển đổi một số phần mềm cơ bản có thể tiết kiệm 25-90% chi phí vì trong các phần mềm cơ bản thì phần mềm văn phòng là tốn kém nhất.

Giai đoạn đầu giữ nguyên HĐH Microsoft Windows, chỉ chuyển đổi một số phần mềm cơ bản, như OpenOffice thay cho Microsoft Office, Firefox thay trình duyệt web Internet Explorer hay dùng Thunderbird thay cho phần mềm thư điện tử Microsoft Outlook hay Outlook Express. Với bước chuyển đổi này, như ông Nghĩa tính toán thì có thể tiết kiệm 25-90% chi phí vì trong các phần mềm cơ bản thì phần mềm văn phòng là tốn kém nhất.

Sau khi bước chuyển đổi từng phần trơn tru, có thể tính đến bước chuyển đổi toàn phần. Hiện nay, một số ứng dụng nguồn mở như HĐH Ubuntu, phần mềm OpenOffice đã có phiên bản tiếng Việt. Ngoài ra, hiện nay đã có từ điển tiếng Việt, bộ gõ tiếng Việt chạy trên PMNM. Nhiều ứng dụng phổ thông khác trên Windows đã có trên Linux như Acrobat Reader, Skype, Yahoo Messenger hay các ứng dụng đa phương tiện, đồ hoạ và đọc file MP3.

Nếu xét về tiết kiệm thì chuyển đổi toàn phần sang PMNM sẽ giảm đáng kể chi phí cho phần mềm. Trung bình một máy tính dùng các phần mềm cơ bản gồm HĐH và bộ ứng dụng văn phòng của Microsoft phải chi từ 200-500 USD tiền bản quyền. Trong khi đó với nhu cầu đấy, nếu dùng các PMNM tương tự theo cách tính phí trong giải pháp iDesk của công ty iNet Solutions thì mỗi máy tính chỉ mất khoảng 70 USD trong 3 năm.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia thì các HĐH Linux như Ubuntu hay Fedora hiện nay chưa dễ cài đặt. Đặc biệt, người dùng phải tự cài đặt riêng nhiều trình điều khiển thiết bị (driver), thậm chí có thiết bị không có trình điều khiển chạy trên nền Linux. Việc chuyển đổi đòi hỏi phải có đội ngũ hỗ trợ kỹ thuật đi kèm.

(Theo Vietnamnet)



Bình luận

  • TTCN (0)