Cầm chiếc sim mới thuê giá 50.000 đồng có tài khoản lên đến 190.000 đồng, anh Minh Tuyển, kỹ sư xây dựng vẫn chắc mẩm rằng mình đã vớ bẫm. Nhưng anh không biết rằng chỉ với một "sim sinh viên" Vinaphone, không ít đại lý nhỏ lẻ tại Hà Nội đã “khai sinh” ra những dịch vụ chưa từng có như cho thuê sim, “dấm” sim… nhằm thu lợi.

Sim thuê như sim cho 

"Sim sinh viên” của Vinaphone là gói cước đặc biệt có nhiều ưu đãi cho đối tượng là sinh viên các trường cao đẳng, đại học. Theo đó, mỗi sim sinh viên được giảm giá cước, mỗi tháng sử dụng sim được nhà mạng tự động cộng thêm tiền vào tài khoản… Chính nhờ các ưu đãi này từ nhà mạng mà nhiều đại lý đã tìm ra lỗ hổng để kiếm lời.

Trước đây, các loại sim này trên “thị trường tự do” phần lớn được rao bán trực tiếp cho những khách hàng có nhu cầu. Tuy nhiên, đây chỉ là cách kiếm tiền nhỏ lẻ, ít toan tính.

“Bán trực tiếp loại sim có ưu đãi đặc biệt này lời lãi không thể bằng đầu tư cho thuê dài hạn được,” một chủ cửa hàng sim thẻ trên đường Nguyễn Phong Sắc khẳng định.

Theo anh, giá trị lớn nhất của sim sinh viên không nằm ở giá cước gọi thấp. Quan trọng hơn, mỗi tháng sử dụng, mỗi sim sẽ được nhà mạng tự động cộng thêm một số tiền vào tài khoản. Vì vậy, thay vì bán đứt sim với giá từ 50.000 – 60.000 đồng, hiện nay nhiều cửa hàng sẵn sàng cho thuê kiếm lãi dài hạn.

“Chỉ cần bỏ ra 40.000 đồng, cộng thêm 10.000 đặt cọc, tôi đã có ngay một sim Vina với tài khoản 190.000 đồng, sử dụng trong 10 ngày. Nghĩa là so với cào thẻ thì giảm đến gần 5 lần chi phí,” anh Thụ - lái xe tuyến Bắc Nam cho biết. Do công việc đặc thù cần thường xuyên liên hệ với khách hàng nên trung bình mỗi tháng anh phải “đốt” hơn chục thẻ cào mới. Tuy nhiên, nhờ dịch vụ mới này mà khoản tiền anh bỏ ra cho các cuộc điện thoại đã giảm đáng kể.

Anh Khánh, chủ cửa hàng Khánh Viettel (ngõ 375 Cầu Giấy) cho biết từ khi treo biển cho thuê sim ưu đãi, lượng khách vào cửa hàng anh đã tăng đột biến.

Đối với khách hàng, điểm hạn chế duy nhất của dịch vụ này là sau 10 ngày sử dụng, khách hàng buộc phải trả lại vỏ sim cho cửa hàng nếu không muốn mất tiền đặt cọc. Tuy nhiên, số tiền đặt cọc không đáng kể, thường chỉ từ 5.000 - 10.000 đồng. Chính vì thế, sim đi thuê như sim được cho.

Thực hư lời lãi chuyện cho thuê sim 

Rất nhiều người khi nghe nói đến dịch vụ cho thuê sim với giá rẻ như cho không đã tỏ ra bán tín, bán nghi. Anh Minh Đức, cán bộ Viện Tâm lý giáo dục Việt Nam hoài nghi: “Với sim Vina tài khoản 190.000 đồng, bình thường khách hàng phải bỏ ra ít nhất 60.000 đồng. Ở đây, nếu không trả sim, cũng chỉ mất 50.000 đồng.”

Lý giải về điều này, một chủ cửa hàng ở Nguyễn Phong Sắc (Hà Nội) đã tiết lộ cho chúng tôi những thủ thuật tinh vi của các đại lý. Thông thường, trước khi cho thuê, chủ cửa hàng sẽ chuyển toàn bộ tài khoản chính của bộ sim sang một sim khác thông qua bộ kích hoạt đa năng. Vì vậy, mặc dù khi bàn giao, khách thấy sim nằm trong thẻ nhưng thực tế đây đều là những sim đã qua sử dụng không ít lần.

Vừa nói, anh Tuân vừa nhanh chóng bẻ một sim “nguyên đai, nguyên kiện” lắp vào máy. Khi kiểm tra thì toàn bộ 190.000 đồng đều nằm trong tài khoản khuyến mãi. Tài khoản chính của sim là 0 đồng.

“Để có thể sử dụng số tiền 190.000 đồng, người dùng buộc phải nạp thêm ít nhất 10.000 đồng nữa. Như vậy, dù khách hàng không trả sim thì cửa hàng ít nhất vẫn thu được số tiền bằng đúng với giá loại sim này trên thị trường,” anh Tuân nói.

Tinh vi hơn, theo anh Tuân vẫn là thủ thuật “dấm” sim. Anh giải thích: “Ngoài số ít người chấp nhận mất tiền đặt cọc để giữ xác sim, đa số đều trả lại cửa hàng và tiếp tục thuê sim khác.”

Khi nhận lại được những xác sim này, công cuộc “dấm” mới bắt đầu. Có hai hình thức “dấm” tiêu biểu được các chủ cửa hàng sử dụng luân phiên để thu lời.

“Sim thu lại hầu hết chỉ còn vài đồng trong tài khoản. Chúng tôi sẽ xếp gọn lại theo vỏ card tương ứng. Khi có khuyến mại lớn (gấp % thẻ nạp), những sim này sẽ được bắn đầy tiền. Lúc này, chúng tôi có thể lựa chọn bán, hoặc cho thuê tùy ý,” anh chủ cửa hàng ở Nguyễn Phong Sắc bật mí.

Cao tay và kiên nhẫn hơn cả, sau khi cho thuê, những sim sinh viên này sẽ tự động “sinh” thêm cho chủ sở hữu vài chục ngàn mỗi tháng. Do thời gian sử dụng của khách thuê quá ngắn nên họ không nhận ra được chi tiết này. Như thế, chỉ sau vài tháng, số tiền trong tài khoản khuyến mãi sẽ có thể hồi phục mức 190.000 đồng như lúc đầu.

Vậy là, tưởng chừng tiết kiệm được khoản lớn nhờ sim sinh viên nhưng cuối cùng, chính khách hàng mới là những người chịu thiệt.

Khi chúng tôi gọi lên tổng đài, nhân viên trực tổng đài Vinaphone cũng không thể giải thích được lý do sim sinh viên trôi nổi trên thị trường nhiều đến thế.

Được cung cấp thông tin trên, đại diện nhà mạng Vinaphone cũng khá bất ngờ và cho rằng, chưa nghe nói tới tình trạng này. Ông này cũng khẳng định, sẽ nhanh chóng tiến hành kiểm tra để báo cáo vi phạm. 

Theo VietnamPlus



Bình luận

  • TTCN (2)
aaaeeeeeeee

vớ vẩn

phải nói là cả 2 cùng có lợi cứ,nói thử xem người tiêu dùng bị thiệt ở chỗ nào vậy Rolling On The Floor

Tùng Tung Tùng

bài viết sai rồi

Tôi không thấy sự thiệt thòi của khách sử dụng ở đây