Chỉ riêng 2 năm 2008 và 2009 đã có hơn 30 triệu phần mềm hiểm độc (malware) mới bị phát hiện. Đó là sự gia tăng đột biến những mối đe dọa từ không gian ảo. Cần biết thêm rằng, suốt cả giai đoạn 2002 – 2007, người ta mới chỉ thống kê được hơn 2 triệu chương trình phần mềm hiểm độc mà thôi.
PC, di động đều bị tấn công
Theo báo cáo Toàn cảnh 2009 của Kaspersky Lab trong một sự kiện toàn cầu dành cho các nhà báo do công ty tổ chức tại Moskva, Cộng hòa Liên bang Nga vào ngày 29/1/2010 thì sự tăng trưởng đột biến của các chương trình gây hại trong năm 2008 với 15 triệu đơn vị đã được khống chế phần nào trong năm 2009 và tiếp tục ở mức triệu 15 triệu đơn vị.
Ngoài phát triển về số lượng, mức độ gây hại của các chương trình độc hại cũng là những vấn đề rất đáng quan tâm. Có những chương trình được thiết kế rất tinh vi để lấy cắp, sửa đổi thông tin như Sinowal, TDSS, Clampi… và những chương trình có khả năng lan truyền mạnh, lây nhiễm cho hơn một triệu máy tính trở lên như Kido, Sality, Brontok, Mabezat… Riêng “nạn dịch” Kido đã làm cho hơn 7 triệu máy tính bị nhiễm trong trong năm 2009.
Một loại chương trình gây hại phổ biến trong năm qua là FakeAV (AV giả mạo, được che bởi lớp vỏ bên ngoài của một chương trình chống virus), đã lây nhiễm chủ yếu thông qua các mẫu quảng cáo, và các chương trình như Kido. Theo Kaspersky, Fake AV đã tạo ra một thị trường kinh doanh đạt tới 150 triệu đô la Mỹ trong năm 2009.
Ngoài các hệ thống chạy Windows là mục tiêu chủ yếu của các chương trình gây hại thì các hệ thống khác cũng đang phải hứng chịu mối nguy hại này như Mac OS, và đặc biệt là cả các hệ di động như iPhone, Android, Symbian.
2010 sẽ tiếp tục nóng
Theo các chuyên gia Kaspersky, trong năm 2010 sẽ tiếp tục xu hướng gia tăng của các chương trình gây hại, nhưng sẽ được ổn định lại bởi tác động của luật pháp, ngành công nghiệp an ninh thông tin…
Hướng tấn công của các chương trình gây hại cũng sẽ thay đổi phần nào, tập trung thông qua email, Intrenet/mạng và qua các website, trong đó rất đáng chú ý là các mạng xã hội đang phát triển mạnh. Các chương trình gây hại sẽ ngày càng tinh vi, thông minh hơn, nhưng đồng thời, các công ty an ninh thông tin cũng sẽ đưa ra những công cụ bảo vệ mới, hiệu quả hơn.
Các chuyên gia cũng báo trước sự tiếp tục của “nạn dịch” Kido ở mức toàn cầu; và hơn nữa là xu hướng gia tăng mạnh của các cuộc tấn công thông các mạng P2P (peer-to-peer); đặc biệt là Google Wave, một sản phẩm của Google kết hợp mạng xã hội với các công cụ truyền thông sẽ là phương tiện rất tốt cho các cuộc tấn công gây hại.
Mối đe dọa đối với các hệ thống di động như iPhone, Android cũng sẽ ngày càng nhiều hơn.
(Theo PCWorld)
Bình luận