Liệu blog có thể trở thành dĩ vãng xưa cũ hay không? Một cuộc nghiên cứu mới đây nhận thấy giới trẻ đang mất dần sự hứng thú dành cho blog kiểu truyền thống, do thói quen kết nối của họ ngày càng trở nên ngắn gọn, vắn tắt và di động hoá.
Tìm đến các kênh khác
Vừa được công bố bởi Dự án Pew Internet & American Life vào sáng nay, cuộc nghiên cứu cho thấy chỉ còn 14% thiếu niên lướt Web (độ tuổi từ 12-17) còn viết blog, thay vì tỷ lệ hơn 25% hồi năm 2006. Và chỉ có khoảng một nửa số người dùng trong nhóm tuổi này từng bình luận trên blog của bạn bè, giảm đáng kể so với tỷ lệ 75% cách đây 4 năm.
Tỷ lệ viết blog trong nhóm tuổi 18-29 tuổi cũng giảm mạnh. Cứ 10 người dùng Internet trưởng thành thì chỉ còn xấp xỉ 1 người viết blog theo ước tính của Pew.
Hiện tại, cả nước Mỹ còn khoảng 30 triệu người còn chăm chút cho blog cá nhân, song theo phân tích dữ liệu, "dân số" blog đang già đi trông thấy. Lấy thí dụ, nhóm người dùng trên 30 tuổi còn viết blog đã tăng từ 7% năm 2007 lên 11% vào năm 2009.
Các chuyên gia công nghệ, mặc dù vậy, không cho rằng điều này đồng nghĩa với việc blog sẽ chết. Thay vào đó, nó sẽ đi theo lối mòn của điện thoại và email: vẫn hữu ích nhưng không còn là biểu tượng sành điệu nữa.
“Còn nhớ khi xưa, câu nói "Bạn có mail" từng được dùng để miêu tả một cảm giác phấn khích không? Nó thậm chí đã trở thành đề tài làm phim của Hollywood”, chuyên gia Danah Boyd của Trung tâm Internet và Xã hội thuộc Đại học Harvard nhớ lại. Giờ đây, với blog, mọi người chỉ để tâm vào dùng chứ không còn thấy phấn khích hay hào hứng gì nữa. Muốn tìm kiếm những cảm giác đó ư? Hãy đến với các kênh truyền thông khác.
Những kênh thay thế đó có thể là mạng xã hội, game hoặc video, tuỳ vào sở thích từng người.
Vì sao thất sủng?
Câu hỏi đặt ra là vì sao blog lại "thất sủng" trong mắt giới trẻ như vậy? Sự bùng nổ của mạng xã hội chính là câu trả lời hiển nhiên nhất. Họ đã bị những cái tên như Facebook, Twitter "cám dỗ", khi mà có tới 75% số thiếu niên trong độ tuổi 12-17 thường xuyên truy cập vào những site này.
Mạng xã hội cho phép bạn nhanh chóng cập nhật "status" của mình, rất phù hợp với nhịp sống tốc hành, "mì ăn liền" của kỷ nguyên công nghệ hiện đại. Chính bản chất đó đã khiến cho blog dạng dài truyền thống trở nên già cỗi, nhàm chán và lạc hậu, tác giả bản báo cáo phân tích.
Bên cạnh đó, việc ngày càng có nhiều người dùng trẻ truy cập Internet bằng điện thoại di động cũng đòi hỏi nội dung blog phải thật ngắn gọn, súc tích. Không ai đủ kiên nhẫn để soạn hay đọc những bài blog dài dằng dặc bằng bàn phím và màn hình tí hon của điện thoại cả.
"Tôi không còn thấy thú vị khi đọc blog của mọi người nữa", nữ sinh viên Sarah Rondeau của Trường Worcester, Mỹ chia sẻ. Sarah mê mẩn Facebook và gần đây đã bắt đầu sử dụng Twitter để chia sẻ ảnh cá nhân của mình: từ phòng ký túc xá cho đến những suy nghĩ về đời sống sinh viên.
Trong khi đó, Jackie Huang (25 tuổi), sống tại New York lại từ bỏ blog gần 2 năm nay và dùng Facebook là chủ yếu. Lý do của Huang là vì hầu hết bạn bè của cô đều chỉ dùng Facebook mà thôi. "Nếu dùng blog, tôi sẽ chẳng thể trò chuyện được với họ và cũng chẳng gặp được ai hết".
Không còn là câu lạc bộ
Huang bắt đầu viết blog từ khi còn là sinh viên năm thứ nhất, sử dụng dịch vụ của Xanga hay Wordpress để tâm sự với bạn bè, gia đình về mọi thứ, từ kinh nghiệm du lịch cho tới văn hoá hay chính trị.
"Blog là kênh truyền hình thập cẩm của riêng tôi. Nhưng thật không may, tôi không còn đủ sức hấp dẫn để lôi kéo "độc giả" theo dõi tôi hàng giờ nữa. Tôi chẳng phải Ashton Kutcher và cũng không post những bức ảnh khêu gợi lên blog để câu khách".
Rất ít người tỏ ra hoài nghi về khả năng "yểu mệnh" của blog. "Blog là công cụ để người dùng thể hiện bản thân. Nó đòi hỏi nhiều thời gian và công sức", Phó Giáo sư Truyền thông Eszter Hargittai của Đại học Northwestern cho biết.
Trong khi đó, ngày càng ít người dùng trẻ tuổi có hứng thú với việc chia sẻ suy nghĩ của mình với thế giới. "Năm năm trước, blog giống như một câu lạc bộ. Người ta vào đó vì thấy mình sành điệu, "bốc", theo kịp thời đại và thư giãn, nhưng hiện tại, những cảm xúc đó đã không còn nữa".
Theo VietNamNet (AP)
Bình luận
nếu blog chết vì Facebook thì một ngày nào đó Facebook sẽ chết vì một bàn tay khác cũng không có gì lạ
"đời vô thường"
Thì khi hết nhiệm vụ nó sẽ ra đi thôi
Sáng nay mới thấy Facebook đổi giao diện, thiết kế dành riêng cho màn hình 1024px. Hộp tìm kiếm to hơn (hợp lí), các ứng dụng cho sang sidebar bên trái (hợp lí) thay vì nằm ở dưới trong mục Applications, nói chung là lần này thay đổi cái nào cũng ổn hơn