Trong “thế giới phẳng” này, không gian được rút ngắn, khoảng cách dường như bị xoá nhoà. Thế nhưng, dù phương tiện có hiện đại đến mấy, có gần gũi giống như thật đến mấy cũng không thể thay thế được cảm giác được nhìn tận mắt, được nắm tay thật chặt người thân của các sinh viên đang du học mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Nghẹn ngào nỗi nhớ nhà
Nhiều sinh viên du học đã từng đón Tết xa nhà vài năm, thậm chí hàng chục năm (vừa học trung học, vừa học đại học sau đó đi làm, rồi học tiếp cao học) đều có chung cảm giác: Cái Tết đầu tiên xa nhà, cảm giác thật bồi hồi khó tả, vừa háo hức chờ đón năm mới nhưng vừa nghẹn ngào nỗi nhớ quê hương. Nhớ từng hàng cây, góc phố Hà Nội mỗi độ xuân về ngập tràn hương sắc hoa đào, hoa mai. Nhớ Hồ Gươm đêm giao thừa lung linh ánh đèn với tiết trời xuân se lạnh…
Nhưng rồi, lâu dần, cảm giác ấy cũng mờ dần, mờ dần và khi Tết đến, họ cũng phải “thích nghi” và cảm thấy nó nhẹ nhàng như một kỳ nghỉ.
Nguyễn Phương Anh, cựu học sinh chuyên Anh trường Hà Nội Amsterdam đã có 9 năm đi học rồi đi làm ở Mỹ. Năm 2000, khi học hết lớp 11, Phương Anh được sang Mỹ học theo chương trình trao đổi văn hoá của 2 nước. Theo chương trình này, những học sinh còn đang học THPT được ở với một gia đình người Mỹ. Phương Anh ở bang Idaho, và gia đình người Mỹ này đã trở thành bố, mẹ nuôi của Phương Anh.
Khi còn ở với bố, mẹ nuôi, Tết đến, Phương Anh thường làm món nem của Việt Nam để mời họ thưởng thức. Sau này, khi đã trở thành sinh viên, vào dịp Tết xa nhà, các bạn cô thường “tụ tập”, làm các món ăn của Việt Nam để cùng nhau đón Tết.
Mỗi năm, Phương Anh thường về Việt Nam một lần vào dịp nghỉ hè hoặc Noel còn Tết cổ truyền của Việt Nam thường không trùng vào dịp nghỉ của sinh viên nên 9 năm qua là 9 năm Phương Anh đón Tết xa nhà.
Là cô gái cá tính, độc lập, Phương Anh chỉ duy nhất một lần để lộ những giọt nước mắt của mình ở sân bay khi lần đầu tiên xa nhà.
Tết như kì nghỉ cuối tuần
Trần Anh Đức, sinh viên năm thứ ba chuyên ngành CNTT ở trường Đại học Quốc gia Singapore (NUS) thì cho biết: “Ở Singapore, họ đón Noel là chính còn dịp Tết chỉ được nghỉ 3 ngày. Sinh viên bọn em thường được nghỉ hè 3 tháng, nghỉ một tháng Noel và em cảm thấy như thế là đủ”.
“Đã ba cái Tết em ở đây, do thời gian nghỉ ngắn, công việc cũng nhiều lại sống với chị gái và thường đón Tết trong không khí gia đình chứ ít tụ tập với bạn bè nên em cũng thấy quen. Đến giờ, Tết đến em chỉ cảm thấy như dịp nghỉ cuối tuần, em cũng không cảm thấy nhớ nhà nhiều lắm. Chủ yếu em liên lạc về nhà với bố mẹ vẫn là điện thoại”.
Tết đến, sinh viên ở khu vực thủ đô Helsinki (Phần Lan) thường có buổi họp mặt thật ấm cúng. Mọi người cùng nghe những bài hát đón Xuân quen thuộc như Ly rượu mừng, Xuân đã về... rồi khai tiệc với món gỏi ngó sen và cánh gà nướng. Sau đó là phở.
Xen kẽ vào phần ẩm thực là nhiều trò chơi ngẫu hứng như bịt mắt bắt dê, cờ tướng, cờ vua, biểu diễn nâng người bằng các ngón tay do anh em tự thực hiện. Không bánh chưng, không cành đào, cành mai, "không khí xuân" tại căn phòng tổ chức buổi họp mặt cũng không nhiều nhưng điều quan trọng của những du học sinh Việt Nam tại Phần Lan là được gặp nhau, cùng trò chuyện, cùng ăn những món ăn chan chứa tình anh em nơi đất khách quê người.
Nguyễn Khánh Thương, đang học ngành Quản lý Truyền thông tại trường Đại học Công nghệ Sydney, mới sang đây học được gần một năm. Đón Noel ở Sydney xong, Thương về Việt Nam khoảng một tháng rồi trở lại Sydney và… không được đón Tết cổ truyền ở nhà.
“Thực ra, mình chưa trải qua cảm giác đón Tết xa nhà nhưng có lẽ là sẽ buồn tí tẹo vì lúc đó xem tivi hoặc nhớ về khoảnh khắc giao thừa thân thuộc với người thân và gia đình dễ chảy nước mắt lắm. Nếu có tụ tập với lũ bạn bè ở đây thì cũng vẫn có cảm giác man mác buồn”.
Thương cho rằng: “Bây giờ phương tiện liên lạc qua điện thoại hay Internet có thuận lợi, dễ dàng cũng làm cho đỡ buồn hơn phần nào. Nhưng nói gì thì nói, phương tiện có hiện đại đến mấy, thuận tiện đến mấy cũng không thể thay thế được cái cảm giác nhìn thấy nhau trực tiếp, nhìn thấy nhau cười vui vẻ khi chúc tết nhau. Đó là chưa kể, nếu ở bên cạnh nhau, được… ôm một cái thì càng đã!”
Không ở bên gia đình thì Tết... chẳng có gì
Đinh Bá Thành, sinh viên ngành Điện toán, trường NUS Singapore, tâm sự: “Bốn năm học xa nhà, nhưng năm thứ nhất và năm nay em sẽ về Việt Nam ăn Tết. Hai năm vừa rồi em không thể về được do em bận việc. Em nghĩ, Tết là dịp để sum họp. Vì thế, với em, Tết mà không được ở bên gia đình thì không có ý nghĩa lắm”.
“May mà ở NUS, hội sinh viên hoạt động tích cực, năm nào cũng tổ chức đón giao thừa cho các bạn Việt Nam với các hoạt động như văn nghệ, nấu ăn, trò chơi dân gian… rồi gần đến thời khắc giao thừa thì đếm ngược và chúc Tết mọi người nên nỗi nhớ nhà cũng bớt hơn”, Thành chia sẻ.
Một du học sinh tại trường Đại học Potsdam (Đức) có nick Cherry đã viết những dòng nhật ký cảm động vào thời khắc đón giao thừa thiêng liêng năm 2009 trên trang Web của trường: “Càng đến gần ngày Tết, mình càng thấy bâng khuâng. Ở nước Đức, chẳng có gì để gợi cho mình nhớ đến không khí Tết ở Việt Nam cả. Lịch học vẫn dày đặc, công việc vẫn bộn bề. Cả bầu trời này, khung cảnh mùa đông ở đây chẳng giống Hà Nội chút nào. Thế mà mình cứ nhớ da diết về Hà Nội và không khí ngày Tết tại quê nhà”...
Đã vài năm nay, nhiều người nhận thấy rằng, ở Việt Nam, không khí Tết không còn đậm đà như xưa nữa. Cảnh đại gia đình sum họp vào ngày Tết, rồi cảnh nhà nhà quây quần bên bếp lửa hồng nấu nồi bánh chưng suốt cả đêm không còn nhiều nữa và cũng đã xuất hiện xu hướng mới trong giới trẻ: thay vì về quê ăn Tết với gia đình, họ đã lấy ngày Tết làm dịp nghỉ để đi du lịch…
Dù trong hoàn cảnh nào thế nào đi nữa, dù có là người mạnh mẽ, cứng rắn đến mấy nhưng vào những thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, đặc biệt là khi đắm mình trong những giai điệu trữ tình, da diết của những bài hát về năm mới như Khúc giao mùa, Phút giao thừa lặng lẽ hay Lắng nghe mùa xuân về… thì chắc hẳn ai ai cũng lâng lâng một cảm giác nhớ nhà, nhớ quê hương, nhớ về cội nguồn da diết.
Theo VietNamNet.
Bình luận