3G đã là dĩ vãng. 4G - dù chưa thành hình, cũng đã bị coi là không còn thời thượng trong mắt Motorola. "Chúng tôi sẽ tập trung vào những thị trường mới, những thiết bị mới và những mô hình kinh doanh mới mẻ, khác biệt hơn", Giám đốc công nghệ Padmasree Warrior của Motorola tuyên bố.
Khác biệt
Xét về thuật ngữ điện thoại mà nói, điều này có nghĩa là "đơn giản hoá việc sử dụng điện thoại hơn nữa". Theo bà Warrior, Motorola đang dồn sức nghiên cứu 2 công nghệ là bàn phím "morphing", tức là hình thức bàn phím thay đổi theo từng hoạt động của người dùng.
Lấy thí dụ, khi bạn cần gọi điện, chúng "hiện hình" như một bàn phím số thông thường. Nhưng khi nghe nhạc MP3, chúng sẽ biến thành bàn phím điều khiển chuyên dụng.
Công nghệ thứ 2 mà Motorola đang nghiên cứu là bàn phím "xúc giác", có khả năng "cắn ngược" lại người dùng.
Hãy tưởng tượng về một "con dế" kiểu như iPhone, mà khi nhấn vào phím bấm ảo, bạn có thể cảm thấy một luồng xung điện rung rung chạy qua đầu ngón tay, y như khi bạn nhấn vào bàn phím thật vậy.
Tuy nhiên, ĐTDĐ không phải là nữ hoàng của "buổi tiệc". Bài phát biểu của Motorola gây ấn tượng nhất ở chỗ gã khổng lồ di động này đã nhắc đến thế hệ mạng thứ 5, tức 5G.
Hướng đến nền mạng
"Chúng tôi không bó hẹp trong thiết bị. Motorola đang hướng ra ngoài chiếc điện thoại cụ thể".
Tất nhiên, Motorola cũng không thể làm ngơ trước tiềm năng của công nghệ WiMax và LTE - hai công nghệ được cho là thuộc nhóm "4G", với sự ưu việt về tốc độ truyền dữ liệu và độ ổn định (nhận được dữ liệu kể cả khi đang ngồi trên chiếc xe phóng 100km/h).
Motorola mang đến hội thảo thường niên năm nay của hãng 2 hộp modem ngoài trông khá thanh lịch, nhỏ hơn cả hộp bánh. Cả hai đều có thể kết nối mạng gia đình với WiMax.
Một công nghệ trạm phát sóng mới của Motorola (đa truy cập phân chia không gian) có thể tăng gấp đôi hoặc gấp 4 lần hiệu suất của một trạm phát sóng WiMax, do khuếch tán tín hiệu WiMax theo nhiều hướng khác nhau.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư cho WiMax để sớm khẳng định vị trí dẫn đầu", bà Warrior tuyên bố. Nếu không có gì thay đổi, 4G sẽ trở nên đại trà ở Mỹ từ năm 2010, và điều đó buộc Motorola phải phóng tầm mắt ra xa nữa.
Hậu 4G
Phần thuyết trình về "Hậu 4G" của hãng có trình bày về một thế hệ mạng có ănten và trạm phát sóng "hợp tác với nhau", "phân chia công việc cho nhau", nhằm tạo ra tốc độ cao hơn nữa.
Lấy thí dụ, một chiếc điện thoại sẽ có thể kết nối cùng lúc với 2 trạm phát sóng, truyền dữ liệu thông qua cả 2 trạm này. Hoặc nó có thể vừa kết nối với trạm phát sóng, vừa "bắt tín hiệu" với một thiết bị khác.
Dành cho những thị trấn nghèo, hẻo lánh, nơi điện năng là một sự xa xỉ, Motorola cũng giới thiệu trạm phát sóng và buồng điện thoại công cộng chạy bằng năng lượng mặt trời. Ngoài ra, những buồng điện thoại này còn cho phép sạc tới 20 chiếc ĐTDĐ cùng lúc.
Một ý tưởng khá thú vị khác là quầy kios không dây, nơi dân làng có thể đến và viết mail hoặc gửi ảnh. Khi một chiếc xe buýt chạy ngang thị trấn, kios sẽ truyền những thông điệp này (một cách không dây) tới đầu thu tín hiệu di động trên xe buýt.
Khi xe buýt chạy đến khu vực thành phố sầm uất hơn, các dữ liệu sẽ được "bắn lại" vào mạng Internet không dây rồi gửi đến đúng địa chỉ người nhận.
(Theo Vietnamnet/PCWorld)
Bình luận