Microsoft vừa Windows Phone 7 Series rất rầm rộ. Chúng ta đã đề cập đến quá nhiều vấn đề của HĐH hoàn toàn mới này, và đây là lúc tổng hợp thông tin. Chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc bài tóm tắt của Joshua Topolsky và Paul Miller, thuộc blog công nghệ Engadget.

Thông tin cơ bản

Windows Phone 7 Series là thế hệ tiếp theo của dòng hệ điều hành Windows Mobile dành cho điện thoại di động. WP7S dựa trên nhân của Windows CE 6 (giống như Zune HD) thay vì dựa trên nhân của Windows CE 5 như các dòng WM hiện tại.

HĐH mới này được Microsoft công bố tại Đại hội thế giới di động (MWC) 2010 tại Barcelona và công ty cũng hứa hẹn các chú dế đầu tiên sẽ có mặt trong kì mua sắm năm nay.

Có rất nhiều khác biệt về giao diện của HĐH mới, gồm giao diện người dùng hoàn toàn mới, tập trung vào việc nhập liệu cảm ứng, tích hợp chặt chẽ với mạng xã hội, tích hợp hoàn toàn Zune và Xbox.

WP7S yêu cầu cấu hình khá nghiêm ngặt, nhưng cuối cùng Microsoft vẫn chưa xây dựng điện thoại riêng của mình, điều mà Apple và Google đã làm.

Phần cứng

Điều làm nên sự khác biệt là Microsoft đẩy mạnh vai trò của mình trong việc quyết định các phần cứng được hỗ trợ. Mặc dù chưa có bất kì một sản phẩm cụ thể nào (trừ một phiên bản demo của Garmin-Asus được dùng tại buổi giới thiệu, nhưng thiết bị này sẽ không bao giờ được bán đại trà), Microsoft đã mô tả rõ hình ảnh chiếc điện thoại họ mong muốn: một trải nghiệm đồng nhất giữa các “chú dế” khác nhau. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với sự thiếu đa dạng: bạn sẽ thấy rất nhiều thiết bị khác nhau, có và không có bàn phím.

Đây là yêu cầu cấu hình cần thiết:

  • Màn hình WVGA với một tỉ lệ duy nhất
  • 5 nút nhấn: bắt đầu (Start), quay lui, tìm kiếm (Bing), quay phim và nguồn. Không hơn, không kém!
  • CPU và GPU cảm ứng điện dung đa điểm (như là Snapdragon của Qualcomm).
  • Wi-Fi
  • AGPS
  • Cảm biến gia tốc
  • FM radio
  • Máy ảnh độ phân giải cao

Có rất nhiều thắc mắc về sản phẩm trình diễn của Microsoft, chúng ta chỉ biết đó là một điện thoại phiến với màn hình cảm ứng điện dung 3,7 inch, có vẻ có một máy ảnh phía trước. Các câu hỏi về dung lượng bộ nhớ, khe cắm microSD hoặc các thiết bị lưu trữ khác, hay kết nối laptop... vẫn chưa có lời giải đáp.

Phần mềm

Có quá nhiều khác biệt về phần mềm giữa Windows Phone 7 Series với các phiên bản Windows Mobile trước đó. Đơn giản là một sự khác biệt hoàn toàn. Không còn thực đơn Start, cửa sổ, biểu tượng... hay các giao diện thường thấy. Microsoft đã nỗ lực đáng kể trong việc thay đổi cách làm việc với điện thoại.

Giao diện này rất giống Zune HD, thực ra nó được xây dựng từ Zune và Windows Media Center UI để tạo thành "Metro". Microsoft tập trung vào kiểu chữ và các hiệu ứng chuyển động, các màu cơ bản và không gian tối thiểu.

Màn hình khi khóa hiển thị ngày, giờ, lịch làm việc, tin nhắn, cuộc gọi nhỡ... và một tấm hình lớn, có thể kéo để mở khóa. Màn hình chính bao gồm các khối (người dùng chỉnh được) liên kết đến ứng dụng, sổ địa chỉ, trang web, tập ảnh...

Khái niệm "hubs" được Microsoft giới thiệu là "ứng dụng mở cửa cho các ứng dụng". Khi vào một hub, bạn sẽ có một giao diện cuốn ngang với hàng loạt dữ liệu, cả trong điện thoại lẫn từ đám mây.

Các ứng dụng cơ bản cũng có giao diện tương tự, nhưng đơn giản hơn, tập trung vào một chức năng duy nhất, như SMS hoặc email. Một nút tìm kiếm cảm ngữ cảnh sẽ cho kết quả với đôi chút khác biệt, tùy theo bạn bạn ở ứng dụng nào.

Một bàn phím ảo hoàn toàn mới, với chức năng tự sửa lỗi cũng được giới thiệu.

Đánh giá chung là giao diện mới mẻ, nhưng Microsoft vẫn còn rất nhiều việc cần làm để hoàn thiện chúng. Một chi tiết khác là hiện giờ chúng ta chưa biết WP7S có phải là HĐH đa nhiệm không.

Tập ảnh: Dạo quanh giao diện của Windows Phone 7 Series (47 hình)

Hub và ứng dụng

Microsoft đã nói rõ là chúng ta chưa thấy hết chức năng của WP7S vào lúc này, đặc biệt là lĩnh vực ứng dụng. Nhưng hãy cũng tìm hiểu sơ qua về các ứng dụng hiện có.

Hub con người: tổng hợp danh bạ từ Gmail, Exchange, Facebook, Twitter, Windows Live và các nguồn khác, bao gồm cả thông tin, cập nhật trạng thái, hình ảnh. Giao diện chính của hub này là những người bạn liên lạc gần đây nhất, hoặc liên lạc nhiều nhất. Ngoài ra còn có vùng “Tôi” giúp bạn cập nhật thông tin của mình trên các mạng xã hội.

Hub hình ảnh: tổng hợp hình ảnh lưu cục bộ trong điện thoại, hoặc trên mây từ Facebook, Windows Live và các dịch vụ khác, cả hình ảnh của bạn bè. Hub hình ảnh còn cho phép bạn tải ảnh lên và bình luận các ảnh sẵn có trên các dịch vụ như là Facebook.

Hub trò chơi: tích hợp với Xbox LIVE, cho phép hiển thị các nhiệm vụ đã hoàn thành, duyệt thông tin các game thủ. Microsoft chưa giới thiệu bất kì trò chơi nào, nhưng hứa hẹn về các trò chơi theo lượt kiểu Facebook. Chúng tôi có cảm tưởng là các chuyên gia Redmond đã rất quan tâm đến trải nghiệm của game thủ, hứa hẹn cảm giác mới lạ hơn là những trò chơi đơn giản như Sudoku.

Hub nhạc và phim: đây chính là Zune HD. Bạn có thể sử dụng Zune Pass tại đây, duyệt và tải nhạc qua Wi-Fi và 3G. Có lẽ là bạn có thể thuê hoặc mua phim, nhưng không rõ sự tương tác giữa điện thoại và máy tính, Xbox, Media Center như thế nào. Hơn nữa, Microsoft cũng đang làm việc với các đối tác để tích hợp dịch vụ streaming.

Hub gian hàng: Microsoft hứa hẹn nhiều điều tại MIX10 sắp tới, nhưng chúng tôi có cảm giác Microsoft muốn mang lại nhiều hơn những trải nghiệm của Zune hoặc Xbox. Dựa vào những tấm ảnh có được từ các nguồn hành lang, gian hàng của Microsoft không có vẻ gì giống như nơi bán ứng dụng cho các thiết bị Windows Mobile hiện tại. Đây là tin đáng mừng.

Hub văn phòng: đó là “cần câu cơm” của Microsoft, nhưng những gì mà chúng ta thấy tại đây không có các chức năng chuyên sâu, như là sửa đổi tài liệu. Chức năng của OneNote và SharePoint rất nổi bật. Để có được trải nghiệm đồng nhất của Metro, có lẽ Microsoft phải xây dựng lại từ đầu các ứng dụng này. Hãy hi vọng rằng chúng ta sẽ có các thông tin mới tại MIX10.

Và phần còn lại:

  • Email: xoay quanh các màn hình khác nhau (thư chưa đọc, được đánh dấu v.v.) và màu sắc phân biệt thư công việc với thư các nhân.
  • Calendar (lịch): một trong các ứng dụng có diện mạo lạ lùng, trông giống như DOS, chữ trắng nền đen.
  • SMS: chức năng căn bản, hỗ trợ SMS và MMS, bàn phím ảo có thể xoay ngang để nhập văn bản.
  • Phone (điện thoại): cực kì căn bản, và giao diện rất cuốn hút.
  • Internet Explorer: đây là chức năng quan trọng, và Microsoft cam kết sẽ có một trình duyệt mới, và giống trình duyệt trên máy tính hơn là trên Windows Mobile hiện tại. Chức năng gồm: cảm ứng đa điểm (để thu phóng), duyệt web nhiều thẻ.
  • Bing search: chức năng tìm kiếm có ở hầu hết ứng dụng, nhưng ở thực đơn Start, thì đó là Bing. Bing sẽ phán đoán bạn cần tìm dữ liệu trong máy hoặc trên Internet.
  • Bing Maps: tất cả địa chỉ trong điện thoại được chuyển thành siêu liên kết trỏ đến Bing maps. Microsoft cũng cung cấp chức năng geolocation.

Tương thích Windows Mobile
Ảnh

Microsoft không trực tiếp đề cập đến vấn đề tương thích của các ứng dụng cũ trên Windows Mobile, nhưng theo những gì chúng tôi có được, thì các ứng dụng này sẽ không hoạt động (hoặc là cần thay đổi rất nhiều để hoạt động) trên nền tảng mới. Ngoài ra, có rất ít điện thoại có khả năng nâng cấp lên 7, nên không có vấn đề gì về việc chuyển đổi. Microsoft cũng không cho phép sử dụng giao diện riêng, nghĩa là không có Sense, TouchWiz, SPB Mobile Shell... Các hãng sản xuất được phép tuỳ biến ở một mức độ nào đó, nhưng trải nghiệm chung trên các thiết bị khác nhau là không thay đổi;

WP7S được nhắm vào người dùng cuối, điều đó cũng có nghĩa là Microsoft vẫn tiếp tục phát triển WM (bản mới nhất là 6.5.3) để hỗ trợ các doanh nghiệp. Những dự đoán về “cái chết của Windows Mobile” là phóng đại, nhưng chúng ta có thể nói rằng WP7S mới là tương lai của điện thoại di động.

Đối tác
Ảnh

Với một công ty như Microsoft, có rất nhiều đối tác, cả các hãng sản xuất thiết bị lẫn nhà mạng, đã sẵn sàng trên chiến tuyến. Hiện tại gồm có Dell, Garmin-Asus, HTC, HP, LG (được đồn rằng sẽ ra mắt thiết bị đầu tiên vào tháng 9), Samsung, Sony Ericsson, Toshiba ở lĩnh vực phần cứng. Danh sách các công ty viễn thông còn dài hơn: AT&T, Deutsche Telekom AG, Orange, SFR, Sprint, Telecom Italia, Telefónica, Telstra, T-Mobile USA, Verizon Wireless và Vodafone.

Với nhà phát triển, Microsoft hiểu sâu sắc rằng họ cần chiến đấu trên mặt trận ứng dụng. Công ty cho biết họ đã đầu tư rất nhiều vào các giải pháp cho nhà phát triển. Trước đây Microsoft luôn nổi tiếng với các công cụ tiện lợi, nhưng những năm gần đây Apple cho thấy viết ứng dụng trên iPhone và iPod Touch dễ dàng hơn rất nhiều. Microsoft sẽ phải cho ra mắt các giải pháp vừa cạnh tranh, vừa hấp dẫn. Có lẽ sẽ có thông tin cụ thể tại MIX10 diễn ra vào tháng tới.

Tiếp theo là gì?

Microsoft đã trình diễn khá nhiều, nhưng ở góc độ nào đó, có nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời. Vấn đề lớn nhất là việc phát triển ứng dụng: liệu giao diện ứng dụng có cần thiết phải giống với giao diện của HĐH? Liệu Microsoft có cho phép ứng dụng can thiệp vào các hub? Duyệt các tập tin trên điện thoại như thế nào? Các câu hỏi này sẽ được giải đáp tại MIX10, nơi mà Microsoft hứa hẹn sẽ tiết lộ về các ứng dụng và chiến lược game trên Windows Phone.

Phần còn lại phụ thuộc vào các nhà phát triển tài năng của Microsoft, họ cần phải xây dựng một bộ khung vững chắc bên trong lớp vỏ hào nhoáng. Cách đây gần một năm, tại CES 2009, Palm Pre với WebOS đã làm giới hâm mộ trầm trồ. Tuy nhiên nhiều lần trễ hẹn, cùng với quá nhiều lỗi đã lấy đi một loạt tính năng. Microsoft chỉ có chưa đầy nửa năm để hoàn thiện Windows Phone 7 Series, và chúng ta sẽ theo bước thật sát HĐH mới này.

Tổng hợp từ Engadget.




Bình luận

  • TTCN (0)