Windows Phone 7 của Microsoft và MeeGo của bộ đôi Intel – Nokia đã được ví như những “ngôi sao mới” nhưng liệu những ngôi sao này có tỏa sáng như mong muốn?
WinPhone - Bình mới, rượu chưa mới
Không khó để nhận ra rằng Windows Phone 7 chính là cái tên mới của hệ điều hành Windows Mobile mà Microsoft đã có từ nhiều năm nay. Sự ra đời của Windows Phone 7 cũng là một sự thừa nhận thất bại của hãng phần mềm lớn nhất thế giới khi ước nguyện biến một chiếc smartphone với màn hình bé tí trở thành một chiếc máy tính đã không đi theo con đường mà họ đã định. Windows Mibile bị người dùng chê là phức tạp, kém linh hoạt và quá chậm chạp và tất nhiên nó đã dần dần bị những kẻ sinh sau như iPhone OS và mới đây nhất là Android thay thế.
Nhưng Microsoft đã cho thấy họ quyết tâm thực hiện “ước mơ” của mình với Windows Phone 7 (gọi tắt là WindPhone). Trong WindPhone, người ta nhận thấy có tới 20 giao diện người dùng (UI) khác nhau được trộn lẫn và xuất hiện trên các chức năng như nhắn tin, game, chơi nhạc, ảnh và khoảng 40 tiêu chuẩn hỗ trợ cho môi trường doanh nghiệp qua các chức năng Office và Outlook nổi tiếng. Thậm chí WindPhone còn được tích hợp một trình duyệt web Internet Explorer dành cho di động phù hợp mới mọi lứa tuổi người dùng.
Không chỉ có vậy, Microsoft còn biết “chắt lọc tinh hoa” từ các đối thủ để đưa vào sản phẩm mới này của mình. Điển hình nhất là việc họ đưa các khả năng của Zune (máy nghe nhạc) và Xbox (máy chơi game) của mình vào trong WindPhone giống như Apple đã từng đưa chức năng của iPod vào iPhone hồi năm 2007. Trong WindPhone, người ta còn thấy có bóng dáng của Palm Web OS hay tính năng “gộp” tất cả tin nhắn (SMS, email, Twitter…) vào chung một cửa sổ để giúp người dùng không phải chuyển qua lại nhiều lần giữa các ứng dụng của Android.
Nhưng theo giới chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ di động, WindPhone sẽ thực sự trở thành một “thế lực” mạnh trên thị trường di động kể từ năm 2011 không chỉ nhờ những sự copy đó. Điểm mạnh nhất của WindPhone là nó được hỗ trợ bởi Office và Outlook – những bộ phần mềm rất thông dụng trong môi trường doanh nghiệp, sự vượt trội trong khả năng quản lý và bảo mật sẽ khiến hệ điều hành được giới doanh nghiệp ưu tiên ở mức độ cao. Trên phương diện này, có lẽ còn rất lâu nữa các đối thủ như iPhone, WebOS hay Android mới có thể theo kịp.
Thực tế những năm qua cho thấy, cứ đối thủ nào khi vừa ra mắt đã tự nhận mình là “sát thủ iPhone” sẽ phải nhận thất bại cay đắng. Liệu WindPhone có xóa được cái “dớp” đó?
MeeGo – Chỉ là “rổ rá cạp lại”
Nokia đã ngủ quên quá lâu trước thị trường smartphone. Với nhiều người dùng, cho đến nay chưa có một sản phẩm nào của Nokia xứng đáng được gọi là smartphone đích thực bởi chúng vẫn còn rất hạn chế về nhiều mặt như khả năng làm việc với web, ứng dụng nghèo nàn, khả năng quảnt lý thông tin kém và bảo mật yếu ớt…
Hồi năm ngoái, hãng sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới này đã quyết tâm làm cách mạng bằng việc đầu tiên là ra mắt hệ điều hành có tên Maemo. Nhưng thực chất, Maemo vẫn chỉ là một phiên bản của hệ điều hành nguồn mở Linux được “ép” vào những chiếc điện thoại.
Trong khi đó, hãng sản xuất chip Intel cũng có Moblin – một hệ điều hành trên nền tảng Linux khác. Ban đầu, Intel dự định sẽ biến Moblin trở thành một nền tảng chung cho nhiều loại thiết bị khác nhau như netbook, smartphone hay thậm chí là các hệ thống giải trí trên xe hơi… Nhưng rốt cuộc, đã nhiều năm trôi qua mà Moblin vẫn chỉ là một “ánh sao le lói” khi chẳng có smartphone hay netbook nào chịu “chơi” với nó.
Khi 2 kẻ thất bại về chung một mái nhà, chúng sẽ trở thành một “người hùng”? Điều này vẫn có thể xảy ra khi chúng học được bài học thất bại của nhau và bổ sung điểm mạnh cho nhau nhưng điều đó vẫn là thật khó.
Ai sẽ quan tâm đến MeeGo khi mà chúng vẫn chậm chạp như xưa, chúng không được các nhà sản xuất thiết bị ủng hộ, không được nhà mạng hỗ trợ và quan trọng nhất vẫn là không có những sự sáng tạo đặc biệt giúp nó trở nên khác biệt với iPhone, với BlackBerry, Android OS hay thậm chí là Windows Mobile?
Theo ICTnews (InfoWorld, PCWorld)
Bình luận