Tháp tùng chuyến thăm hữu nghị chính thức của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng sang đất nước Ấn Độ tươi đẹp lần này, chúng tôi thật sự ngạc nhiên và thán phục một mô hình phát triển kinh tế đột phá bằng “cuộc cách mạng chất xám” dựa trên chính sức mạnh nguồn nhân lực, qua đó khai phá mỏ vàng từ ngành kinh tế công nghệ thông tin đầy hứa hẹn.
Bangalore, “thủ đô công nghệ”- một trung tâm công nghệ thông tin và công nghiệp phần mềm của Ấn Ðộ được cả thế giới nhắc đến với một cái tên "Thung lũng Silicon" thứ hai trên thế giới (sau Thung lũng Silicon ở Mỹ).
Được biết, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã xếp Bangalore vào một trong bốn trung tâm công nghệ tốt nhất thế giới.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, có khoảng 250 công ty đa quốc gia công nghệ cao và 1.500 công ty phần mềm đóng đô ở Bangalore. Bởi thế, nhiều chuyên gia công nghệ ví von rằng: Nếu các kỹ sư Ấn Độ rút hết khỏi Silicon Valley ở Mỹ, khi đó Bangalore sẽ trở thành trung tâm công nghệ thông tin của thế giới!
Nhiều năm qua, hàng loạt tập đoàn công nghệ của Mỹ như IBM, Intel, Dell, Cisco, Sun Microsystems và Oracle tìm đến đây tạo cơ hội hợp tác nghiên cứu và phát triển kinh doanh. Hàng trăm nghìn kỹ sư người Ấn Ðộ đang làm việc cho những trung tâm nghiên cứu và phát triển của những tập đoàn toàn cầu lớn. Chỉ riêng Trung tâm Công nghệ của General Electric ở thành phố này quy tụ đến hơn 2.000 kỹ sư, một phần tư trong số đó có học vị tiến sĩ.
Từ những năm 1990, khi Chính phủ Ấn Ðộ tự do hóa nền kinh tế và khuyến khích phát triển ngành dịch vụ công nghệ thông tin, chính quyền thành phố đã thành lập các khu vực đặc biệt như "Thành phố Ðiện tử" (Electronic City) là nơi tập trung các hãng công nghệ cao.
Với điều kiện làm việc và mức lương hấp dẫn đã thu hút một lượng lớn tài năng Ấn Ðộ về đây làm việc. Thành phố công nghệ này đóng góp khoảng 36% trong tổng xuất khẩu phần mềm của Ấn Ðộ. Đa số các kỹ sư tài năng của Ấn Ðộ chọn làm việc ở Bangalore thay vì phải sang làm thuê ở các quốc gia châu Âu và Hoa Kỳ như vào những thập niên trước. Ngày càng nhiều những tài năng của Ấn Ðộ ở khắp nơi trên thế giới trở về thành phố này làm việc.
Người nước ngoài cũng kéo đến đây đặt văn phòng. Theo các chuyên gia kinh tế, Bangalore là nơi có nguồn nhân lực rất dồi dào và có thu nhập bình quân cao nhất ở Ấn Ðộ hiện nay. Ðội ngũ lao động kỹ thuật cao ở thành phố này đóng góp khá nhiều cho sự khởi sắc của nền kinh tế đất nước.
Bangalore được giới chuyên gia phân tích thị trường ghi nhận là thành phố dẫn đầu thế giới về đổi mới công nghệ, vượt trên cả nhiều thành phố của Mỹ, Nhật Bản và Ðông- Nam Á. Nơi đây trở thành ngôi nhà của nhiều công ty đa quốc gia và công ty Ấn Ðộ, hình thành nên một hình ảnh đất nước Ấn Ðộ với thị trường dịch vụ công nghệ thông tin tăng trưởng với tốc độ 30%/một năm.
Đến Bangalore, người ta sẽ nói nhiều đến Infosys và Wipr - được xem như hai cơ sở công nghệ thông tin (CNTT) hàng đầu Ấn Độ và cũng đã trở thành những cái tên đứng đầu thế giới.
Tọa lạc trên một khu vực rộng lớn mang dáng vẻ như một công viên, Infosys thật sự là một thành phố CNTT - truyền thông (ICT City). Gọi là ICT City là bởi trong khuôn viên của mình, Infosys thiết kế đầy đủ hệ thống hạ tầng như một thành phố với đầy đủ nhà hát, rạp phim, sân thể thao, nhà hàng... Để tạo môi trường làm việc tốt nhất, Infosys cho phép người nhà của các nhân viên có thể vào đây vui chơi thoải mái trong những giờ và ngày nghỉ.
Tự hào coi mình như một Thung lũng Silicon, Bangalore của Ấn Độ đang đặt một mục tiêu to lớn là trở thành trung tâm công nghệ thông tin của toàn thế giới. Theo các chuyên gia tại đây, bí quyết công nghệ duy nhất để Infosys hay Wipro thành công rực rỡ, đang trở thành đối thủ cạnh tranh đối với bất kỳ tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu nào chính là "người tài".
Riêng tại Infosys, số lượng "cư dân" của toàn thành phố lên đến hơn 20.000 người; làm việc tại 12 lĩnh vực liên quan đến ICT; trong đó nổi bật nhất là thiết kế, gia công phần mềm và tư vấn, thiết lập các giải pháp CNTT. Khẩu hiệu của Infosys là “Powered by Intellect. Driven by values” (Sức mạnh bằng tri thức. Động lực là giá trị).
Tương tự, Wipro cũng có lượng nhân viên khổng lồ và ngay dưới tấm ảnh những cá nhân xuất sắc, Wipro chạy câu khẩu hiệu nổi tiếng "Spirit of Wipro" (Linh hồn của Wipro). Các chuyên gia tại đây cho biết, một nhân viên mới nhận việc cũng đã có mức lương khoảng 12.000 USD/năm; mức lương này sẽ tăng đều 15%/năm. Còn nếu có thành công vượt trội, số tiền lương này sẽ là đỉnh cao có thể lên đến hàng chục nghìn USD/tháng.
Tuy nhiên, cả Wipro và Infosys không dễ gì thu hút được lượng nhân tài nhiều như thế. Chuyên gia của Wipro khẳng định: Chúng tôi có trong tay gần 400 "thủ lĩnh CNTT" chuyên đào tạo nhân lực. Đại diện Hiệp hội các doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ Ấn Độ (Nasscom) cũng cho biết: Mấu chốt là đào tạo, đào tạo liên tục để tìm kiếm và phát huy tài năng. Khi có được đội ngũ này, một phần các chuyên gia có "nhiệm vụ đặc biệt" là lan tỏa ra thế giới để vừa tìm kiếm bạn hàng, vừa tìm kiếm đơn hàng một cách trực tiếp.
Với chính sách kể trên, dù các kỹ sư Ấn Độ có làm cho quốc gia nào thì chất xám và nguồn lợi vẫn có thể chảy về Ấn Độ. Đặc biệt, nhờ chính sách này, năm 2007 giới công nghệ thông tin Ấn Độ đã gặt hái tới hơn 100 sáng chế, phát minh. Infosys hiện trở thành đối tác của hơn 2.000 doanh nghiệp trên toàn cầu và có đại diện tại 21 quốc gia với lãi ròng năm 2007 đạt hơn 3 tỉ USD.
Bên lề cuộc đón tiếp Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng và các thành viên trong Đoàn đến thăm, ông Umashankar Malapaka, Trưởng Bộ phận thị trường và Dịch vụ mới của Tập đoàn Infosys, cho biết sẽ nghiên cứu tiềm năng, thế mạnh nguồn nhân lực ở thị trường nước ta để mở chi nhánh văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Thời gian chưa nhiều để có thể nghiên cứu thật thấu đáo mô hình phát triển kinh tế của Ấn Độ qua những cuộc “cách mạng chất xám” trong lĩnh vực CNTT, rồi “cách mạng xanh”, “cách mạng trắng” trong nông nghiệp và những tiến bộ vượt bậc trong năng lượng nguyên tử đã đưa đất nước Ấn Độ lên một vị trí đáng kính nể trên thế giới.
Và con đường đi lên của Ấn Độ trong thời đại bùng nổ CNTT là bài học quý giá cho nhiều nước đang phát triển trong khu vực và trên thế giới, trong đó có Việt Nam chúng ta.
Theo Nhân Dân Điện Tử.
Bình luận
Mới đọc tiêu đề và đoạn intro cứ tưởng bác Hải Nam đến "thung lũng Silicon" của Ấn Độ rồi viết bài này. Đọc đến cuối bài thấy chữ Theo Nhân Dân Điện Tử mới biết là ko phải!
đọc đoạn đầu là biết không phải TTCN nhà ta rồi
Thế giới phẳng
Ấn Độ đúng là quá khá! "Thế giới phẳng" của Thomas Friedman phân tích chi tiết hơn "thung lũng Silicon" của Ấn Độ này.