Cứ tưởng vui mừng khi giành được hợp đồng phân phối điện thoại iPhone với Apple, 3 đại gia di động là Viettel, MobiFone, VinaPhone đang như "gà mắc tóc".
Hợp đồng ký từ tháng 1/2010, nhưng tới giờ cả 3 hãng vẫn chưa thể công bố thời điểm phân phối. VinaPhone và Viettel cho biết đang cố gắng hoàn tất các thủ tục với hàng mớ giấy tờ, điều khoản loằng ngoằng. Còn MobiFone chưa tiết lộ thêm bất kể động thái nào ngoài tuyên bố cũng có được hợp đồng phân phối.
Một chuyên gia có kinh nghiệm trong việc đàm phán iPhone tiết lộ nếu muốn bán ngay iPhone chẳng khó, vấn đề nằm ở chỗ có chấp nhận được những điều kiện mà Apple đưa ra và kinh doanh có hiệu quả hay không. Ngoài việc yêu cầu đối tác tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về ngày, giờ, hình thức công bố hợp đồng, ngày giới thiệu sản phẩm, giá cả, các chính sách hậu mãi... phía Apple còn quy định cả cách thức công bố thông tin cho báo chí... Và nếu bất kể đối tác nào không tuân thủ các quy định trên hoặc "lỡ mồm, lỡ miệng" công bố ra dư luận khi hợp đồng vẫn đang thảo, sẽ đối mặt với nguy cơ bị kiện hoặc bị phạt với số tiền rất lớn.
Một nguyên nhân khác khiến cho các đại gia di động cũng đang bối rối với chuyện phân phối iPhone là tại thời điểm Apple gọi từng mạng sang để gặp mặt, doanh nghiệp nào cũng kỳ vọng sẽ được độc quyền cung cấp dòng sản phẩm cao cấp này. Chính vì thế, khi biết rằng mình không phải là độc quyền, niềm vui của nhà mạng giảm đi một nửa.
Khi ký xong hợp đồng với Apple, lãnh đạo của Viettel tỏ ra không mấy vui mừng dù trước đó nhà mạng này rất sốt sắng với thương vụ iPhone. Một lãnh đạo cấp cao của Viettel than thở với VnExpress.net: "Mình đi bán hàng cho người ta mà chẳng khác gì đi ăn xin, thế mới đau".
Trong số các mạng di động, Viettel muốn giành bằng được hợp đồng phân phối iPhone nhắm vào mục đích cải thiện hình ảnh của mình. Bởi trước đó, Viettel luôn đứng sau về đẳng cấp thương hiệu so với các mạng di động đã có từ trước như MobiFone, VinaPhone. Thậm chí ngay từ thời gian đầu ra mắt, đối tượng khách hàng mà mạng này nhắm tới là giới học sinh, sinh viên, những người có thu nhập bình dân...
Trong khi đó, MobiFone và VinaPhone đang loay hoay với kế sách kinh doanh để vừa đáp ứng được các yêu cầu của ông "kẹ" Apple mà vẫn đảm bảo được việc kinh doanh hiệu quả và có lãi. Bởi lẽ, trước khi VinaPhone, MobiFone và Viettel ký hợp đồng phân phối iPhone, trên thị trường VN đã xuất hiện nhan nhản dòng sản phẩm cao cấp này.
Trong số các mạng di động, Viettel là người hiểu rõ hơn ai hết, nếu vội vàng sẽ nếm "quả đắng" như thế nào với iPhone. Trước khi ký hợp đồng phân phối iPhone, Viettel đã được quyền phân phối Blackberry tại Việt Nam. Tuy nhiên, với hợp đồng này, Viettel cũng lâm vào tình trạng "khóc dở, mếu dở".
Giá của một chiếc Blackberry do Viettel phân phối thường cao hơn rất nhiều so với giá bán của các nhà phân phối không chính thức khác. Chẳng hạn ở dòng cao cấp, một chiếc Blackberry Bold, bán ngoài thị trường nhập qua đường không chính thức là 8-8,5 triệu đồng, trong khi Viettel bán ra thị trường với giá hơn 14 triệu đồng. Đây là chưa kể đến dịch vụ đi kèm bắt buộc của Blackberry Viettel là hơn 300.000 đồng mỗi tháng cho dịch vụ Pushmail. Trong khi đó, mua máy ngoài và cài phần mềm thì không cần dùng sim Viettel cũng có Pushmail mà lại không phải trả tiền, chỉ cần dùng GPRS là có thể truy cập Internet, nhận mail, chat... Đây là lý do khách hàng mua Blackberry của Viettel không nhiều.
Để đẩy mạnh việc bán "quả đắng" Blackberry, Viettel giao nhiệm vụ cho giám đốc mỗi chi nhánh kiêm luôn nhiệm vụ bán và phổ cập dịch vụ, công nghệ trực tiếp tới khách hàng. Hãng hy vọng trong tương lai cách thức "bán bia kèm lạc" này sẽ mang lại hiệu quả. Và khi khách hàng nhận ra rằng việc gửi và nhận email qua dịch vụ Pushmail sẽ an toàn và hiệu quả hơn so với các cách thức khác, người dùng sẽ tăng lên và doanh số cũng sẽ cao hơn.
Cũng chính từ kinh nghiệm "quả đắng" Blackberry, Viettel cảm thấy iPhone cũng không phải là "quá ngon" và cũng chưa hẳn đã giúp nhà mạng này tạo hình ảnh cao cấp trong mắt người dùng.
Đối với MobiFone nhà mạng này cũng cần iPhone để củng cố hình ảnh về một thương hiệu cao cấp vốn có nhưng cũng đau dầu về bài toán kinh doanh. Bởi hãng này vốn gây dựng hình ảnh trong mắt người dùng về một thương hiệu đẳng cấp của giới nhà giàu, thế nhưng khi thị trường bước vào giai đoạn cạnh tranh khắc nghiệt, hãng cũng lao vào cuộc chiến "vét" cả những khách hàng bình dân và ít tiền nhất. Chính vì thế, dù chưa biết thực hư hãng đã ký được hợp đồng chính thức hay không nhưng hồi tháng 1, lãnh đạo hãng vẫn hùng hồn tuyên bố với báo chí rằng sẽ là một trong 3 đơn vị cùng tham gia phân phối chiếc điện thoại mang hình quả táo khuyết.
Nguồn tin từ VinaPhone cho biết trong cuộc đua 3G, hãng cần phải có thiết bị mang tính vượt trội để quảng bá hình ảnh, dịch vụ. Tuy nhiên, vấn đề mà VinaPhone đặc biệt quan tâm là làm thế nào để bán được gói dịch vụ đi kèm với giá hợp lý cho người dùng mà vẫn đem lại hiệu quả kinh tế.
Và cũng vì loay hoay bởi bài toán này, cả 3 ông lớn di động vẫn dùng dằng chẳng thể quyết với "cô gái đẹp" iPhone và lâm vào tình thế bỏ thì tiếc, mà ôm vào thì có nguy cơ ngậm trái đắng.
Theo VnExpress
Bình luận
Có vẻ như két cục là Người dân cũng chẳng dc nhờ j .
thì thay vì bán mắt,hét giá trên trời thì hạ giá bán xuống còn tăng mức thời gian sử dụng lên thì ổn thôi.có câu lấy ngắn nuôi dài thì ai có điều kiện tương đối cũng chấp nhận thôi
Thì sang BestBuy bên đó mua Apple thoả thích nhưng mà xót ruột lắm. Làm gì có của vưà tốt, vừa rẻ đâu nào. "Lấy ngắn nuôi dài" với Tây có mà phá sản sớm.
Nhiều người ở Việt Nam mình cho biết họ thích mua hàng trực tuyến hơn, họ vừa an tâm, vừa được bảo đảm bởi hệ thống ngân hàng và hệ thống phân phối trực tuyến của công ty chính. Không mua hàng nhỏ lẻ phân phối tại Việt Nam.