Mẫu TV Samsung 3D không cần dùng đến kính chuyên dụng, tuy nhiên yếu điểm của công nghệ này là số lượng "điểm ngọt" ít ỏi. Ảnh: Tomguides.

Hình ảnh 3D trong tương lai gần vẫn cần đến kính 3D chuyên dụng, nhưng ngay từ bây giờ, công nghệ 3D không dùng kính đã bắt đầu được phát triển.

3D là công nghệ làm thay đổi cách con người xem hình ảnh trên TV hay khi chơi game, nhưng nhiều người muốn xem 3D mà lại không thích đeo kính. Tại hội chợ triển lãm CES đầu năm nay, một số mẫu màn hình 3D không cần dùng kính chuyên dụng đã được LG, Toshiba, Samsung... trưng bày. Tuy nhiên, điểm yếu của những mẫu này là ở những "điểm ngọt" để xem 3D. Hình ảnh 3 chiều trên màn hình chỉ thực sự rõ nét và hiệu quả ở một số góc nhìn cố định, ngoài những vị trí đó, hình ảnh sẽ bị mờ.

Tại CeBIT 2010, Sunny Ocean Studios đã phát triển một tấm nền màn hình đặc biệt, cho phép cung cấp những hình ảnh nổi từ 64 vị trí khác nhau xung quanh màn hình. "Điều đó có nghĩa là mọi người sẽ có một không gian rộng hơn để xem hình ảnh nổi, họ có thể di chuyển xung quanh mà vẫn thấy được những hình ảnh 3D đẹp", Armin Grasnick, Giám đốc điều hành của công ty tới từ Singapore cho hay. "Thông thường thì chỉ có một vài góc, thường là 5, 8 hay 9 góc nhìn để có thể thấy hình ảnh 3D rõ nét, nhưng hiện tại, chúng tôi mang có đến 64 góc độ khác nhau và đó là cách dễ dàng nhất để người xem thấy được các hiệu ứng 3D". Sunny Ocean hy vọng sẽ sớm bán được công nghệ tấm nền của mình cho các nhà sản xuất màn hình khác.

Một tấm nền khác của công ty SeeFront (Đức) cũng được giới thiệu tại triển lãm CeBIT 2010, nhưng chỉ cho phép thấy hình ảnh nổi từ một điểm duy nhất. Tuy nhiên, "điểm ngọt" duy nhất đó lại có thể di chuyển xung quanh với nhiều góc độ, bằng một camera cho phép ghi lại chuyển động của đầu người xem, từ đó tự động điều chỉnh góc nhìn phù hợp nhất cho đôi mắt.

"Chúng có một camera ở đây, thiết kế như là một phần của màn hình và nó sẽ bắt được tầm nhìn của người xem". Christoph Grossman, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của SeeFront cho hay. "Nó sẽ xác định vị trí của đôi mắt trong không gian tọa độ X, Y, Z và thông tin đó sẽ được chuyển thành một thuật toán chạy trên máy tính, xử lý để đưa ra được vị trí tối ưu thấy được hình ảnh 3D rõ nét nhất cho người xem, mọi người có thể tự do di chuyển xung quanh màn hình mà vẫn thấy được hình ảnh nổi ba chiều một cách tuyệt vời".

Ảnh
Tại CeBIT 2010, nhiều công nghệ mới về trình diễn 3D không dùng đến kính đã xuất hiện, ấn tượng của chúng là việc cung cấp nhiều góc nhìn hình ảnh ba chiều. Ảnh: PCworld.

Theo PC World, ấn tượng nhất với họ là hệ thống có một màn hình đến từ viện nghiên cứu Fraunhofer của Đức. Nó có một màn tấm nền nhỏ bao gồm thấu kính hình trụ đặt ở trước màn hình, cho phép tách rời 2 hình ảnh ra để sao chép và phát trực tiếp tới mỗi mắt.

"Tất nhiên là người xem đều muốn di chuyển". Bernd Duckstein, hội viên nghiên cứu của học viện Fraunhofer phát biểu." Bởi vậy phía trên màn hình sẽ có 2 camera, nó sẽ dò tìm vị trí đôi mắt của người xem và tùy theo vị trí của mắt, tấm thấu kính sẽ di chuyển ở phía trước tấm nền màn hình giúp tạo ra những hướng nhìn tốt nhất cho mắt". "Tấm nền sẽ di chuyển khoảng 3 mm để điều chỉnh vị trí xem hình tối ưu", Duckstein cho biết.

Ngoài ra, họ cũng giới thiệu thêm về công nghệ với camera hồng ngoại đặt ở phía dưới của màn hình, cho phép theo dõi những cử chỉ của bàn tay. Người dùng có thể thao tác với các vật thể trên TV, điều khiển phần mềm mà không phải chạm trực tiếp vào màn hình.

Theo SoHoa



Bình luận

  • TTCN (0)