Nếu như năm 2009 được coi là năm vượt khó của ngành phần mềm Việt Nam thì năm 2010 được đón nhận với những kỳ vọng về sự bứt phá. Vượt qua năm khủng hoảng, các doanh nghiệp mất doanh thu, nhưng lại có được những bài học, những kinh nghiệm và có thêm những thị trường mới.

Nhật vẫn là thị trường chiến lược

Mặc dù tình hình kinh doanh tại thị trường Nhật năm 2009 được coi là một trong những thất bại lớn nhất của các doanh nghiệp, song hiện tại, đây vẫn là thị trường chủ lực. Doanh thu chủ yếu của FPT vẫn tại thị trường Nhật, cùng với đó, có không ít các doanh nghiệp Việt Nam vẫn xác định Nhật Bản là mục tiêu duy nhất.

Ông Nguyễn Lâm Phương, Phó TGĐ FPT Software: "Thị trường Nhật vẫn rất quan trọng với Fsoft vì doanh thu chính của chúng tôi vẫn ở thị trường này".

Ông Phạm Tấn Công - TTK Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam Vinasa cũng cho rằng: "Tại Nhật Bản, doanh nghiệp Việt Nam vẫn là đối tác được yêu thích hàng đầu. Uy tín đó là nền tảng và cơ sở rất tốt để chúng ta mở rộng".

Nhìn thấy cơ hội hợp tác và phát triển tốt từ đối tác là các doanh nghiệp Việt Nam, từ 2003 Nhật Bản đã có các chương trình hợp tác tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tiến sâu vào thị trường này. Trong giai đoạn 2003 - 2009, thị trường Nhật liên tục có tốc độ tăng trưởng cao hơn thị trường Mỹ trên 50%. Mặc dù dự báo năm 2010 Nhật Bản sẽ vươn lên trở thành đối tác lớn nhất của ngành phần mềm Việt Nam chưa thể thành hiện thực khi Nhật Bản sẽ còn phải mất đến vài năm để phục hồi nền kinh tế trong nước, nhưng đây vẫn được coi là thị trường chiến lược và là mục tiêu số một của không ít các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam.

Ngành phần mềm lấy lại đà tăng trưởng?

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở TT-TT TP.HCM: "Năm 2010 ngành phần mềm có triển vọng rất tốt, chúng tôi hi vọng ngành có thể lấy lại đà tăng trưởng như giai đoạn 2005 - 2008".

Ông Ngô Hùng Phương, Tổng Giám đốc CSC: "Bản thân tôi tin tưởng năm 2010 ngành phần mềm có thể lấy lại đà tăng trưởng khoảng 40%. Các công ty lớn trên thế giới họ đều cho rằng ngành phần mềm sẽ khôi phục hoàn toàn và phát triển mạnh hơn nữa".

Còn theo đại diện của TMA: "Không chỉ bây giờ mà từ cuối 2009 chúng tôi đã nhận được nhiều đơn hàng. Thuận lợi này không chỉ của riêng Việt Nam và vì vậy chúng ta cần năng động tìm kiếm những khách hàng mới, nâng cao năng lực cạnh tranh của mình để có thể phát triển mạnh và bền vững".

Những dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế và tình hình kinh doanh khởi sắc trở lại ở nửa cuối 2009 khiến cho những người trong cuộc tin tưởng rằng năm 2010 sẽ là một năm sáng của ngành phần mềm Việt Nam. Dự báo này hoàn toàn có cơ sở, khi ngay trong khó khăn các doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị rất tốt để duy trì hoạt động và hiện tại đang là thời điểm để các doanh nghiệp lấy lại phong độ sau một năm "dậm chân tại chỗ".

Ông Trần Mạnh Hồng, Phó TGĐ TMA: "Hiện giờ chúng tôi cũng chưa đặt ra những mục tiêu cụ thể cho năm 2010, tuy nhiên sẽ là năm phát triển mạnh ít nhất là cũng tương đương với những năm trước là những năm mà TMA phát triển rất là thuận lợi".

Từ tình hình thực tế và cũng theo nhận định của các chuyên gia, hiện nay nền kinh tế nói chung đã qua giai đoạn suy thoái và đang bước vào giai đoạn phục hồi tăng trưởng. Với kịch bản này, ngành phần mềm Việt Nam có cơ hội tốt để tăng trưởng và phát triển: "Chúng tôi cho rằng ngành phần mềm sẽ lấy lại tốc độ tăng trưởng 30% của những năm trước đây. Đấy là cái mong mỏi và nhìn nhận của chúng tôi với kịch bản kinh tế thế giới phục hồi. Kịch bản thứ hai là phục hồi không như kỳ vọng tức là kinh tế VN tăng trưởng khoảng 6,5% năm 2010 thì chúng tôi tin tưởng ngành phần mềm VN có thể đạt tăng trưởng 20%, gấp 3 lần GDP" - ông Phạm Tấn Công chia sẻ.

Những yếu tố tạo đà cho phát triển

10 năm trước, CNTT và phần mềm đã được định hướng để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn... Năm 2009, đề án xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT cũng đã chính thức khởi động. Tất cả được kỳ vọng là sẽ tạo ra chuyển biến trong nhận thức để đầu tư cho CNTT cũng như việc chuẩn bị nhân lực cho ngành CNTT được quan tâm hơn, giúp cho sức mạnh của ngành CNTT nói chung và phần mềm nói riêng được tăng cường trong thời gian tới.

Theo TTK Vinasa - ông Phạm Tấn Công: "Ngành CNTT Việt Nam đặc biệt các doanh nghiệp CNTT sẽ không phải đơn độc, tự mình bươn trải nữa và sẽ có sự trợ lực rất tốt từ phía các cơ quan Nhà nước. Từ định hướng phát triển của Đảng và Nhà nước cộng vơí chiến lược, quyết tâm phát triển của từng doanh nghiệp thì trong xu thế kinh tế phục hồi, chủ trương quốc gia cùng với nỗ lực của các doanh nghiệp sẽ tạo ra sự cộng hưởng. Đấy là cơ hội rất lớn, các doanh nghiệp phải nắm bắt bằng được, cùng với việc khai thác lợi thế của mình sẽ đưa ngành CNTT, đặc biệt là công nghiệp phần mềm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước".

Cùng với sự hậu thuẫn về mặt chính sách, nỗ lực của bản thân các doanh nghiệp đã góp phần nâng cao vị thế của ngành phần mềm Việt Nam. Năm 2009, lần đầu tiên Việt nam có 2 thành phố nằm trong danh sách 10 thành phố đang phát triển hấp dẫn nhất về gia công phần mềm, trong đó TP.HCM đứng thứ 5 và Hà Nội đứng thứ 10.

Ông Ngô Hùng Phương - TGĐ CSC: "Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia trên thế giới có uy tín tốt trong lĩnh vực gia công phần mềm. Tất nhiên là sẽ rất khó để có được vị thế như Ấn Độ nhưng phải làm sao khi họ nghĩ đến Ấn Độ thứ hai là họ nghĩ đến Việt Nam. Từ năm 2010 trở đi chúng ta có cơ hội rất tốt".

Không thể phủ nhận, chính thị trường trong nước và mức độ đầu tư cho CNTT của các doanh nghiệp trong nước trong năm vừa qua đã đóng góp không ít cho doanh thu của ngành phần mềm. Và cùng với việc mở rộng thị nước ngoài, thì thị trường bản địa chắc chắn sẽ được các doanh nghiệp chú trọng hơn trong thời gian tới.

Một kịch bản tốt,... một tương lai sáng là những dự báo hết sức lạc quan đối với thị trường phần mềm Việt Nam trong năm 2010 này. Giai đoạn được coi là khó khăn nhất đối với ngành phần mềm đã tạm qua đi, nhưng những năm tiếp theo sẽ vẫn hết sức nhạy cảm, bởi các doanh nghiệp đã phải huy động hết tiềm lực của mình để vượt qua khó khăn. Một kịch bản xấu hơn là điều không ai mong muốn, nhưng tất cả còn đang ở phía trước và ngành phần mềm và bản thân các doanh nghiệp vẫn rất cần có những sự chuẩn bị cho sự phát triển bền vững hơn.

Theo VTV



Bình luận

  • TTCN (0)