Công nghệ kỹ thuật số phát triển giúp việc chụp hình trong đêm trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Ảnh: Alcove.

Để chụp đẹp ảnh đêm, ngoài việc thành thạo kỹ thuật sử dụng thiết bị, bạn còn phải luyện thêm cho mình "óc quan sát" thật tốt và tính kiên trì cao độ.

Chụp ảnh đêm là sở thích và cũng là đam mê của nhiều người cầm máy. Ngoài việc thành thạo kỹ thuật sử dụng thiết bị, bạn còn phải luyện thêm cho mình "óc quan sát" thật tốt và tính kiên trì cao độ. Bởi để thu được một bức ảnh ưng ý, bạn phải thay đổi góc máy liên tục và thử nghiệm với nhiều thiết lập khác nhau.

Sau đây là một vài kinh nghiệm "phơi đêm" theo gợi ý của trang web Basic Digital Photography.

1. Thiết bị

Ảnh
Chân máy là thiết bị "tối quan trọng" trong các cuộc săn ảnh đêm. Ảnh: AlzoDigital.

Trước mỗi cuộc "săn ảnh đêm", bạn nên quan tâm một chút tới các thiết bị sẽ mang theo người. Sau đây là một vài điểm cần chú ý:

- Luôn sạc đầy pin cho máy ảnh.

- Đem theo một chân máy thật vững để hạn chế tối đa hiện tượng rung lắc do gió hoặc do màn trập gây ra. Thao tác nhấn nút chụp trên thân camera cũng khiến ảnh bị nhòe, do vậy, bạn nên đầu tư một thiết bị điều khiển từ xa hoặc dây bấm mềm. Nếu không có điều kiện, hãy sử dụng tính năng chụp hẹn giờ tự động cho máy ảnh (thiết lập thời gian tối thiểu khoảng 10 hoặc 15 giây).

- Mang theo đèn pin để dễ dàng di chuyển trong đêm cũng như giúp bạn nhìn thấy các phím điều khiển trên mặt máy ảnh trong trường hợp thiếu sáng nghiêm trọng.

- Sử dụng ống kính góc rộng với độ mở lớn để chụp phong cảnh. Ống một tiêu cự thường thỏa mãn rất tốt điều kiện này.

2. Các bước tiến hành

Ảnh
Đưa máy ảnh về chế độ chỉnh tay hoàn toàn để thiết lập các thông số nhạy sáng, khẩu độ và tốc độ màn trập. Ảnh: Lifehacker.

- Đưa máy ảnh về chế độ chụp chỉnh tay hoàn toàn (thường có ký hiệu M trên đĩa xoay chọn chế độ).

- Thiết lập khẩu độ lớn nhất có thể (chỉ số f-stop nhỏ) và tốc độ màn trập chậm để thu được nhiều ánh sáng. Không nên đặt giá trị ISO quá lớn vì ảnh thu được có thể sẽ rất nhiễu.

- Sử dụng điều khiển từ xa hoặc dây bấm mềm để khởi động việc chụp hình trên camera. Không nên nhấn nút chụp trên thân máy vì việc này có thể dẫn tới rung lắc nhẹ kể cả khi thiết bị đã "yên vị" trên một chân máy rất chắc chắn.

- Kiểm tra bức ảnh vừa nhận được bằng cách ngắm qua màn LCD hay chính xác nhất là so sánh đồ thị (histogram) biểu diễn phân bố sáng tối của ảnh vừa chụp với một bức có độ sáng chuẩn bất kỳ. Nếu ảnh quá sáng hoặc quá tối, hãy điều chỉnh thời gian phơi sáng giảm xuống hoặc tăng lên tương ứng. Thông thường, nên đặt giá trị khẩu độ cố định trong suốt quá trình chụp thử để tiện cho việc tinh chỉnh thời gian phơi sáng sau này.

3. Một số điểm cần lưu ý

Nếu đã gắn máy ảnh lên chân máy để thực hiện phơi sáng lâu, bạn nên tắt chức năng ổn định hình ảnh. Nếu không, cơ chế này có thể hoạt động ngay cả khi máy ảnh không bị rung do phán đoán sai của cảm biến điều hướng gắn trong ống kính (chống rung quang học) hay trên thân máy (chống rung cảm biến). Do vậy, ảnh thu được thường có một vài vệt nhòe rất khó khắc phục.

Đa phần máy ảnh thường rất khó lấy nét tự động và đo sáng không chính xác trong đêm. Do đó, nên đưa ống kính về chế độ lấy nét thủ công hoặc cố gắng lấy nét tự động vào vật sáng hơn nằm bên cạnh đối tượng chính mà bạn muốn chụp. Ước lượng thời gian mở cửa trập, sau đó chụp thử và điều chỉnh dần dần để ảnh thu được không bị quá sáng hay quá tối.

4. Một số kỹ thuật chụp ảnh đêm cơ bản

Ảnh
Kỹ thuật tạo vệt sáng. Ảnh: Digital Photography School.

- Kỹ thuật tạo vệt sáng (Light Streaks): Hãy cố gắng kiếm một hay nhiều nguồn sáng di chuyển, chẳng hạn dòng xe đang di chuyển trên đường. Do thời gian mở cửa trập lâu nên tất cả những chuyển động này sẽ được ghi lại và tạo nên những vệt sáng mảnh chạy dài trên ảnh.

Bạn cũng có thể tự tạo ra những vệt sáng này bằng cách kết hợp khéo léo giữa điều chỉnh ống zoom và tốc độ phơi sáng. Kỹ thuật đó chỉ thực hiện được trên các máy ảnh DSLR được trang bị ống kính đa tiêu cự. Trước hết, bạn hãy thiết lập tiêu cự về mức thấp nhất để thu được toàn cảnh. Sau khi nhấn nút chụp, nhẹ nhàng điều chỉnh ống kính về mức tiêu cự lớn hơn trong suốt quá trình cửa trập mở. Như vậy, các nguồn sáng tĩnh sẽ kéo thành một vệt dài trên ảnh do hiệu ứng zoom của ống kính.

Ảnh
Sử dụng đèn pin để tạo ra những hiệu ứng lạ trên ảnh. Ảnh: Funonthenet.

- Kỹ thuật tạo hiệu ứng bằng ánh sáng: Trong quá trình cửa trập mở, bạn có thể sử dụng đèn pin hoặc các nguồn sáng nhân tạo khác để bổ sung thêm hiệu ứng cho chủ thể của ảnh. Bạn cũng có thể tạo ra những hình vẽ rất ngộ nghĩnh bằng cách di chuyển nguồn sáng nhân tạo ngang qua ống kính như kỹ thuật Light Streaks ở trên.

- Kỹ thuật tạo bóng ma: Đây là một mẹo vui cho những người muốn tự tạo ra những bức ảnh ma kỳ bí mà không phải dùng đến Photoshop. Ví dụ, nếu tốc độ màn trập là 10 giây, bạn phải ra đứng trước máy ảnh trong khoảng 4 giây (không được cử động mạnh vì sẽ gây ra nhòe). Sau đó, bạn phải chạy thật nhanh ra khỏi tầm ngắm của ống kính. Trong thời gian phơi sáng 6 giây còn lại, hình ảnh của phần cảnh vật phía sau sẽ được ghi lại. Trên bức ảnh thu được, phần cảnh vật này sẽ đè lên bạn, khiến người xem có cảm giác dường như bạn... trong suốt. Có thể sử dụng kỹ thuật đồng bộ chậm đèn flash (Front Curtain Sync) để tạo ra hiệu ứng tương tự.

Theo SoHoa



Bình luận

  • TTCN (0)