Tại Nhật Bản, thị trường nội dung di động (mobile content) giá trị hàng chục tỉ USD, mức tiêu dùng hàng tháng của một thuê bao di động là 73 USD trong đó cước dịch vụ thoại truyền thống chiếm chưa đến 30%... Đây là những con số hấp dẫn với gần 60 công ty liên quan tới dịch vụ nội dung cho mobile tại VN tham gia Hội thảo Mobile Content Việt Nam - Nhật Bản 2010 ngày 18/3. Nhưng...
10 - 90 và 70 - 30
Bên cạnh các doanh nghiệp Việt Nam, lãnh đạo của 13 công ty kinh doanh trong lĩnh vực mobile content của Nhật Bản đã có mặt tại hội thảo để chia sẻ những kinh nghiệm cũng như các câu chuyện thành công của ngành công nghiệp mobile content này.
Vai trò của các nhà mạng mang tính quyết định đối với ngành công nghiệp mobile content.
“Các công ty dịch vụ nội dung (CP) tại Nhật Bản đã may mắn khi được nhà mạng tạo ra hai điều kiện quyết định để thành công. Đó là: 1/ Xây dựng hạ tầng tốt và cơ sở thu tiền cho CP và 2/ Cung ứng lượng khách hàng lớn cho CPs”, ông Hồ Tùng Lâm, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành công ty GNT, Inc, một trong những công ty hàng đầu về nội dung di động tại Nhật Bản cho biết.
Chia sẻ quan điểm này, ông Yosuke Masuko, Trưởng đại diện Công ty CyberAgent, Inc tại Việt Nam, đơn vị tổ chức hội thảo, nói: “Ở Nhật Bản, các nhà mạng (telco) chỉ lấy 10% và các CP có 90% doanh thu trong hợp tác phát triển dịch vụ nội dung di động. Việc telco tại Việt Nam giành 40% – 50% doanh thu (theo các CP Việt Nam thì tỉ lệ này ở Việt Nam là khoảng 70 – 30, với 70% cho nhà mạng - PV) sẽ là một rào cản lớn, bởi các CP sẽ không đầu tư dài hạn và chỉ phát triển các nội dung giá rẻ hoặc miễn phí dẫn đến chất lượng nội dung và dịch vụ nội dung di động thấp”.
Về điểm này, đại diện một CP Việt Nam thừa nhận các dịch vụ nội dung di động ở Việt Nam hiện nay đang ở chất lượng rất thấp. “Một trong những dịch vụ nội dung di động có doanh thu cao nhất tại Việt Nam lại là cung cấp kết quả sổ xố qua SMS với doanh thu khoảng 2 tỉ đồng/ngày”, ông này tiết lộ.
Bản quyền và hành xử “win-win”
Để thực sự có một ngành công nghiệp nội dung di động với quy mô thị trường có giá tỉ đô, ông Yosuke Masuko nêu trở ngại lớn thứ hai cần vượt qua đó là vấn đề bản quyền. “Bản quyền vẫn là vấn đề nhức nhối tại Việt Nam. Giải pháp công nghệ tuy có thể hạn chế một phần việc vi phạm bản quyền nhưng chưa đủ. Nếu không vượt qua được rào cản này Việt Nam sẽ không thể thực sự có một ngành công nghiệp nội dung di động nói riêng và công nghiệp nội dung nói chung”, ông Yosuke Masuko khẳng định.
Bên cạnh đó đặc tính kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chưa tạo ra một môi trường tốt cho việc phát triển các dịch vụ nội dung di động, ông Yosuke Masuko nhận xét. “Các công ty Việt Nam phát triển đa dịch vụ. Nhiều công ty cung cấp những dịch vụ giống nhau và cạnh tranh khốc liệt. Điều này hạn chế sự phát triển của thị trường và vai trò phân công lao động giảm đáng kể”, ông Yosuke Masuko bày tỏ sự quan ngại.
Quan điểm này cũng được nhiều diễn giả Nhật Bản tại hội thảo chia sẻ. Trong mô hình kinh doanh nội dung di động của Nhật Bản, các phân khúc công việc được xác lập rõ ràng, gồm:
- Nhà mạng làm vai trò phân phối dịch vụ tới người dùng;
- Nhà phát triển công nghệ tạo ra các công cụ để phân phối dịch vụ
- Nhà cung cấp dịch vụ nội dung.
“Nhà mạng Domoco (Nhật Bản) đã mua Napster để cung cấp dịch vụ tải nhạc. Dịch vụ này đã thất bại và tháng 5/2010 Domoco sẽ đóng cửa dịch vụ này”, ông Hồ Tùng Lâm chia sẻ. Ngoài ra, số lượng và sự khác biệt quá lớn các thiết bị đầu cuối sẽ tạo ra khó khăn trước mắt nhưng theo ông Yosuke Masuko đây không phải là khó khăn mãi mãi.
Thị trường nội dung di động ở Việt Nam đang ở giai đoạn manh nha. Hội thảo với sự góp mặt của những doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản trong lĩnh vực nội dung di động chứng tỏ tiềm năng không nhỏ của thị trường này ở Việt Nam. Nhưng để không phá nát thị trường trước khi nó hình thành thì “cách hành xử win – win (hai bên cùng có lợi)” thay cho kiểu “cá lớn nuốt cá bé” có một vai trò quan trọng nếu không nói là quyết định.
Theo Lao Động.
Bình luận
Bình luận bị ẩn