Luật sư Nguyễn Hoàn Thành, Văn phòng luật sư Thành và Cộng sự, cho biết: Vấn đề bảo đảm bí mật thông tin người sử dụng dịch vụ viễn thông được đề cập ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau, nhưng hình thức xử phạt thì chưa rõ ràng. Thanh tra chuyên ngành nếu thấy dấu hiệu vi phạm thì có quyền vào cuộc để thẩm định xem đối tượng nào để lộ thông tin thuê bao
Phạt 5-10 triệu đồng!?
Theo ông Thành cho biết, trách nhiệm bảo đảm bí mật thông tin liên quan đến người sử dụng được quy định tại nhiều văn bản pháp lí, nhưng hình thức xử phạt thì chưa rõ ràng.
Tại Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông, Khoản 1, Điều 9 về “Bảo đảm bí mật thông tin” quy định: bí mật đối với thông tin riêng chuyển qua mạng bưu chính, mạng viễn thông của mọi tổ chức, cá nhân được bảo đảm theo quy định của pháp luật.
Cụ thể hơn, Nghị định 160/2004/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông về Viễn thông có Khoản 4, Điều 4 về “Bảo đảm bí mật thông tin” yêu cầu doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm bảo đảm bí mật các thông tin riêng liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông bao gồm tên, địa chỉ, số máy chủ gọi, số máy bị gọi, thời gian gọi và các thông tin riêng khác mà người sử dụng đã cung cấp khi giao kết hợp đồng với doanh nghiệp.
Văn bản pháp lí mới nhất là Luật Viễn thông cũng quy định tương tự tại Khoản 4, Điều 6 về "Bảo đảm bí mật thông tin”: doanh nghiệp viễn thông không được tiết lộ thông tin riêng liên quan đến người sử dụng dịch viễn thông. Các thông tin này bao gồm tên, địa chỉ, số máy gọi, số máy được gọi, vị trí máy gọi, vị trí máy được gọi, thời gian gọi và thông tin riêng khác mà người sử dụng đã cung cấp khi giao kết hợp đồng với doanh nghiệp.
Đồng thời, Luật Viễn thông cũng chỉ rõ thông tin chỉ được tiết lộ trong trường hợp người sử dụng dịch viễn thông đồng ý hoặc khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ngoài ra, các doanh nghiệp viễn thông có thể thỏa thuận bằng văn bản với nhau về việc trao đổi cung cấp thông tin liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông để phục vụ cho việc tính giá cước, lập hóa đơn và ngăn chặn hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng.
Luật Viễn thông đã được Quốc hội thông qua ngày 23/11/2009 nhưng chỉ bắt đầu có hiệu lực từ đầu tháng 7 năm nay.
Bên cạnh đó, Luật CNTT cũng quy định doanh nghiệp phải có biện pháp kĩ thuật để bảo đảm bí mật thông tin cho người sử dụng.
Tuy thế, hình thức xử phạt chỉ được quy định tại Nghị định 42/2004/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính về bưu chính, viễn thông và tần số vô tuyến điện. Theo Khoản 2, Điều 13 về “Xử phạt vi phạm về bảo đảm bí mật thông tin riêng, an toàn mạng viễn thông và an ninh thông tin” của Nghị định này, sẽ phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: thu trộm, nghe trộm thông tin trên mạng viễn thông; phá hoại, trộm cắp, sử dụng trái phép mật khẩu, khoá mật mã và thông tin riêng của các tổ chức, cá nhân khác.
Như vậy, việc để lộ thông tin hay nghiêm trọng hơn là bán dữ liệu thuê bao sẽ chỉ được quy thành "sử dụng trái phép thông tin riêng của các tổ chức, cá nhân khác" với mức phạt rất thấp là từ 5-10 triệu đồng.
Cần Thanh tra vào cuộc
Ông Thành cho biết, trong xử phạt vi phạm hành chính không nhất thiết phải có khiếu nại, tố cáo của người bị hại thì cơ quan chức năng mới xem xét. Bản thân Thanh tra nếu thấy có dấu hiệu vi phạm cũng có quyền vào cuộc để thẩm định xem đối tượng nào để lộ thông tin thuê bao. Để xử lí hành chính trong lĩnh vực này thì thẩm quyền thuộc Thanh tra Bộ Thông tin & Truyền thông.
“Nếu cơ quan thanh tra chưa vào cuộc do thiếu nhân lực thì trách nhiệm không chỉ của Thanh tra mà còn của cả nhà quản lí - Bộ quản lí chuyên ngành. Khi nhà quản lí thấy có vấn đề, họ phải có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người sử dụng”, ông Thành nói.
Cũng giống như đối với chất lượng viễn thông, chưa có ai chính thức khởi kiện doanh nghiệp mà chỉ thông qua phản ánh trên báo chí nhưng rõ ràng Bộ Thông tin & Truyền thông đã xử lí có trách nhiệm bằng việc yêu cầu doanh nghiệp đầu tư, đảm bảo chất lượng. Cụ thể, chất lượng mạng dịp Tết Nguyên Đán vừa qua tốt là do có tác động rất mạnh của cơ quan quản lí nhà nước và trách nhiệm của doanh nghiệp.
“Việc này cũng tương tự vậy thôi”, ông Thành nói. “Tuy nhiên, Thanh tra thì có nhiều việc và thậm chí có nhiều việc ’chết người’ hơn nhiều nên không đủ lực lượng để ’giăng’ ra, trừ khi có những việc gây xáo trộn trong xã hội, tạo dư luận không tốt sẽ được ưu tiên giải quyết trước".
Đến nay, tại Việt Nam cũng chưa có vụ xử phạt nào về việc doanh nghiệp để lộ thông tin thuê bao bởi nó chưa gây hậu quả lớn và nghiêm trọng khiến người bị thiệt hại lên tiếng đòi bảo vệ quyền lợi của mình mà chủ yếu gây khó khăn, khó chịu cho người bị lộ thông tin như phải nhận tin nhắn rác hay các cuộc gọi chào mời dịch vụ không mong đợi…
Về vai trò của Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng trong việc bảo vệ người tiêu dùng, ông Thành nói: Hiệp hội này có vai trò tập hợp người tiêu dùng nhưng nói là đại diện cho người tiêu dùng thì chưa được rõ ràng lắm và thực tế cho thấy Hội người tiêu dùng chưa đứng ra khởi kiện một doanh nghiệp nào để bảo vệ người tiêu dùng và cũng chưa rõ tòa án có thụ lí hay không?
Theo VietNamNet.
Bình luận
Nhưng mà sau khi bị phạt về việc sử dụng trái phép thông tin, còn bị phạt một loạt tội khác, như xâm nhập trái phép (nếu lấy cắp) hoặc tiết lộ thông tin (nếu nhân viên nhà mạng làm). Còn phạt 5-10 triệu này thí dụ như là khi đăng trái phép thông tin của ai đó lên mạng chẳng hạn.