Triển khai cung cấp các dịch vụ di động 3G, “nhà mạng” chính thức phân phối iPhone trong khi đó ĐTDĐ được cảnh báo là đích ngắm của hacker.

Vì thế, một trong những vấn đề lớn đặt ra với người dùng di động và các nhà mạng VN là cần bảo mật an toàn thông tin dữ liệu cho ĐTDĐ.

ĐTDĐ còn “nhạy cảm” hơn máy tính

Ông Nguyễn Tuấn Huy, Trưởng phòng Tin học, Công ty VMS MobiFone thừa nhận: với công nghệ 3G, tốc độ truy nhập Internet trên ĐTDĐ tăng cao, có thể lên đến 7,2 Mbps nên ĐTDĐ cũng dễ bị lây nhiễm virus, bị tấn công khi truy cập Internet như với máy tính. Ông Huy cho biết, thống kê cho thấy có đến hơn 190 loại virus trên ĐTDĐ, những con virus này có thể xóa sạch dữ liệu trên máy điện thoại hoặc làm rối loạn hoạt động của máy. Còn theo ông Phạm Đình Trường, Phó giám đốc Công ty mạng lưới Viettel, điện thoại thông minh thường sử dụng những hệ điều hành phổ biến như Windows, Symbian, Android nên sẽ gặp nguy cơ về bảo mật giống như trên máy tính. “Về mặt kỹ thuật, nguy cơ lây nhiễm virus, phần mềm độc hại của ĐTDĐ và máy tính là như nhau”, ông Trường nói.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu và Phát triển của Trung tâm An ninh mạng Bách khoa khẳng định sự phát triển của 3G đồng nghĩa với việc điện thoại sẽ liên tục kết nối vào Internet, do đó các nguy cơ của máy tính cũng là nguy cơ của ĐTDĐ. Thực ra, ĐTDĐ còn nguy hiểm hơn so với máy tính bởi nó chứa rất nhiều thông tin cá nhân của khách hàng. “ĐTDĐ vừa là nhật ký, lưu giữ thông tin, hình ảnh, video clip cá nhân, vừa là cái ví của khách hàng và có thể lưu thông tin về tài khoản, số thẻ tín dụng…. Khi những thông tin này lộ ra ngoài, tổn thất sẽ khôn lường”, ông Sơn phân tích. Bởi vậy, ngay khi kết nối Internet, việc đầu tiên là khách hàng phải ý thức về bảo mật, phải chuẩn bị phần mềm bảo mật cho “dế yêu”.

Trao đổi bên lề Hội thảo về bảo mật Security World 2010 khai mạc tại Hà Nội ngày 23/3, Thiếu tướng Nguyễn Viết Thế - Cục trưởng Cục Tin học nghiệp vụ, Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật, Bộ Công an, cho rằng năm 2010 sẽ là một năm phát triển mạnh của công nghệ 3G tại Việt Nam. “Trước những tuyên bố hấp dẫn của các “nhà mạng”, nhiều người đổ xô đăng ký mua iPhone trực tuyến. Điều đó chứng tỏ sức hút rất lớn của loại điện thoại này và chắc chắn đây là mục tiêu mới của tội phạm mạng công nghệ cao tại Việt Nam”.

Khi những thiết bị như “quả táo” iPhone sử dụng mạng 3G, cho phép thực hiện giao dịch, thanh toán trong môi trường thương mại điện tử (với ý nghĩa như một ví điện tử) được người dùng sử dụng thường xuyên thì mức độ nguy hiểm sẽ gia tăng. “Tuy nhiên, theo như tôi được biết, nhà cung cấp thiết bị Apple vẫn chưa đưa ra giải pháp đảm bảo an toàn thông tin cho chiếc iPhone và mới có một vài thử nghiệm hacker thâm nhập vào “quả táo”. Năm 2010, vấn đề an toàn bảo mật cho mạng 3G sẽ là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự cạnh tranh của các nhà mạng”, ông Thế nhận định.

Sôi động thị trường bảo mật cho 3G

Theo ông Vũ Quốc Khánh, Giám đốc Trung tâm ứng cứu máy tính Việt Nam, bảo mật cho mạng 3G là vấn đề rất mới tại Việt Nam. “Các hãng di động phải có sự trao đổi, thông tin, thông báo khi phát hiện có sự cố, phải báo với cơ quan chức năng và có kênh liên lạc với VNCERT để cùng tham gia khắc phục và ngăn chặn sự cố”, ông Khánh nói. Với việc cung cấp dịch vụ 3G, các nhà mạng phải thường xuyên cập nhật để cung cấp các giải pháp bảo mật, đảm bảo an toàn cho người dùng.

Hầu hết các hãng bảo mật như MiSoft, Symantec tham gia Hội thảo và triển lãm về bảo mật 2010 đều khẳng định rất quan tâm đến việc cung cấp các giải pháp bảo mật cho mạng di động 3G. Ông Raymond Goh, Giám đốc kỹ thuật của hãng bảo mật Symantec khu vực Nam Á cho rằng người dùng cần nâng cao ý thức bảo vệ thông tin khi truy cập dữ liệu trên ĐTDĐ. Lãnh đạo Symantec tiết lộ hãng đang cùng với một số mạng di động Việt Nam trao đổi và đàm phán về việc cung cấp giải pháp bảo mật cho mạng di động 3G.

Đại diện Mobifone cho biết, dự kiến trong nửa đầu năm nay sẽ cung cấp các phần mềm diệt virus cho khách hàng cá nhân. Viettel cũng nói sẽ xem xét cung cấp phần mềm diệt virus cho ĐTDĐ. Cuối năm 2009, Viettel đã hợp tác với Công ty cổ phần An toàn - An ninh thông tin CMC (CMC InfoSec) bán thiết bị đầu cuối hỗ trợ cho các phần mềm bảo mật cho khách hàng. Đầu năm 2010, VinaPhone bắt đầu thực hiện chương trình “Chăm sóc khách hàng sử dụng dịch vụ dữ liệu mạng VinaPhone”, tặng bản quyền sử dụng phần mềm bảo mật điện thoại di động (Kaspersky Mobile Security) cho khách hàng sử dụng dịch vụ dữ liệu (GPRS/EDGE/3G) mạng VinaPhone.

Theo ICTNews



Bình luận

  • TTCN (0)