Trong bài viết cuối về công nghệ OLED này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về các ưu và nhược điểm của OLED cũng như là các ứng dụng của OLED hiện tại và trong tương lai.
Ưu và nhược điểm của OLED
Các ưu điểm của OLED
Công nghệ LCD hiện là lựa chọn số một trong các thiết bị nhỏ và cũng rất phổ biến trong các TV màn hình lớn. Công nghệ đèn LED thường được dùng để tạo thành các chữ số trên các đồng hồ điện tử và các thiết bị điện tử khác. Công nghệ OLED đưa ra rất nhiều ưu điểm so với các công nghệ trên:
- Các lớp hữu cơ nhựa của OLED mỏng hơn, nhẹ hơn và mềm dẻo hơn các lớp tinh thể của LED hay LCD.
- Bởi vì các lớp phát quang của OLED nhẹ hơn nên tấm nền của OLED có thể mềm dẻo thay vì cứng rắn. Tấm nền của OLED có thể làm bằng nhựa thay vì bằng thủy tinh được dùng cho LED và LCD.
- OLED sáng hơn LED. Bởi vì các lớp hữu cơ của OLED mỏng hơn nhiều các lớp tinh thể vô cơ tương ứng của LED nên các lớp phát quang và lớp dẫn của OLED có thể chế tạo thành nhiều lớp. Thêm nữa, LED và LCD cần dùng thủy tinh để hỗ trợ và thủy tinh lại hấp thụ một phần ánh sáng trong khi OLED lại không cần dùng thủy tinh.
- OLED không cần chiếu sáng nền như LCD. LCD hoạt động bằng cách chặn các vùng ánh sáng của đèn nền để tạo thành hình ảnh, trong khi OLED tự phát sáng. Bởi vì OLED không cần chiếu sáng nền nên chúng tiêu thụ ít điện năng hơn nhiều so với LCD (hầu hết điện năng cho LCD dùng cho chiếu sáng nền). Ưu điểm này đặc biệt quan trọng đối với các thiết bị sử dụng pin như điện thoại di động, PDA hay máy tính xách tay.
- OLED được chế tạo dễ dàng hơn và có thể được làm thành các tấm có kích thước lớn. Bởi vì OLED chủ yếu là nhựa dẻo, chúng có thể được làm thành các tấm rộng và mỏng. Với LED hay LCD điều này là rất khó khăn.
- OLED có góc nhìn rộng hơn, vào khoảng 170°. Do các LCD hoạt động bằng cách chặn ánh sáng nên chúng có một tầm nhìn hạn chế ở những góc nhìn nhất định. Các OLED tự phát ra ánh sáng nên chúng có một góc nhìn rộng hơn nhiều.
Các nhược điểm của OLED
OLED có vẻ là một công nghệ hoàn hảo cho mọi kiểu hiển thị, tuy nhiên chúng cũng bộc lộ một số vấn đề:
- Thời gian sống - trong khi các tấm film OLED xanh và đỏ có thời gian sống lâu (khoảng 10 000 đến 40 000 giờ), thì các tấm film xanh da trời hiện tại có thời gian sống ít hơn nhiều (chỉ khoảng 1000 giờ).
- Chế tạo - Hiện tại các công đoạn chế tạo vẫn còn rất đắt.
- Nước - nước có thể dễ dàng làm hỏng OLED.
Những ứng dụng hiện tại và tương lai của OLED
Hiện tại, OLED được dùng trong các thiết bị có màn hình nhỏ chẳng hạn như điện thoại di động, PDA và máy ảnh số. Trong tháng 9/2004, công ty Sony đã tuyên bố rằng họ đã bắt đầu sản xuất hành loạt các màn hình OLED cho thiết bị giải trí cầm tay cá nhân CLIE PEG-VZ90 của họ.
Kodak đã sử dụng các màn hình OLED trong một số model máy ảnh số.
Một vài công ty đã đưa ra những nguyên mẫu màn hình máy tính và màn hình TV lớn. Trong tháng 5/2005, Samsung Electronics đã công bố họ đã phát triển được TV siêu mỏng màn hình OLED kích thước 40-inch đầu tiên.
Đầu tháng 10 năm nay, công ty Sony đã công bố mẫu TV OLED thương mại siêu mỏng XEL-1 với kích thước 11-inch và chỉ dày 3 mm. Sony dự kiến sẽ đưa loại TV ra thị trường Nhật Bản trong tháng 12 tới.
Cũng hồi cuối tháng 5/2007, Sony đã hé lộ đoạn video về một màn hình OLED mềm dẻo kích thước 2,5 inch và chỉ dày có 0,3 mm. Màn hình này có độ phân giải 120 x 160 pixel, có thể hiển thị 16,8 triệu màu và chỉ nặng có 1,5 gram.
Tương lai hứa hẹn của công nghệ OLED
Các nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực OLED đang diễn ra rất nhanh và có thể sẽ dẫn đến những ứng dụng trong tương lai như màn hiển thị head-up (trên kính ô-tô hoặc máy bay), các bảng tín hiệu, bảng thông báo, đèn chiếu sáng các tòa nhà và căn hộ và cả các màn hình mềm dẻo. Do OLED có tốc độ làm tươi nhanh hơn LCD gần 1000 lần nên 1 thiết bị với màn hình OLED có thể thay đổi thông tin gần như theo thời gian thực. Các hình ảnh video sẽ trở nên trơn tru và sống động hơn. Trong tương lai các tờ báo có thể sẽ là những màn hình OLED và liên tục được cập nhật những thông tin mới nhất (giống trong phim Minority Report), và giống như một tờ báo giấy thông thường, bạn cũng có thể gập nó lại khi đã đọc xong và nhét nó vào túi hoặc cặp của mình. Chúng ta có thể thấy một tương lai tươi sáng đang chờ đón OLED ở phía trước.
Đỗ Tuấn Hưng (theo Howstuffworks)
Bình luận
OLED và LCD đều có những ưu điểm của mình (plasma cũng vậy), rất khó để công nghệ nào có thể vượt trội trong mọi ứng dụng. OLED và LCD (hay cả Plamsa...) sẽ còn song hành, cạnh tranh trong 1 thời gian dài -> người dùng sẽ có lợi