Chính thức được thành lập vào tháng 3/1990, sau 20 năm xây dựng và trưởng thành, thương hiệu của Công ty Viễn thông Quốc tế VTI thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông luôn Việt Nam gắn liền với những bước ngoặt lịch sử, dấu ấn đầu tiên về phát triển mạng viễn thông quốc tế của quốc gia. Theo Giám đốc VTI Nguyễn Hữu Khánh, những cái nhất đó là niềm tự hào và là niềm vinh dự của cán bộ công nhân viên công ty.
Những dấu mốc “đầu tiên” ấn tượng
Quả thực, khi lần lại những bước phát triển hạ tầng mạng lưới viễn thông quốc tế mà Việt Nam xây dựng trong thời gian qua, dễ nhận thấy các mốc lịch sử đầu tiên phát triển mạng viễn thông quốc tế đều ghi dấu ấn của VTI. Tham gia xây dựng mạng cáp quang biển đầu tiên, là doanh nghiệp đầu tiên xây dựng hệ thống chuyển mạch hiện đại nhất đi quốc tế. Ở thời điểm này, được giao quản lý và kinh doanh vệ tinh viễn thông đầu tiên của Việt Nam Vinasat-1.
Ở thời điểm này, những người làm dịch vụ viễn thông quốc tế của VTI tự hào đã đem lại dịch vu tốt nhất, giá cả hợp lý nhất cho khách hàng. VTI hiện có có hạ tầng đủ cả cáp quang biển, cáp quang trên đất liền và kết nối vệ tinh. Từ tháng 4/2009, với việc Việt Nam phóng thành công vệ tinh Vinasat-1, VTI đã được giao quản lý kinh doanh vệ tinh này, và lại đang chuẩn bị phóng vệ tinh thứ hai.
Khi phóng viên đề nghị VTI chia sẻ về những thành tựu nổi bật nhất của công ty Viễn thông quốc tế VTI trong suốt hai mươi năm qua, Giám đốc Nguyễn Hữu Khánh đã luôn khẳng định, bước đường xây dựng và trưởng thành của doanh nghiệp luôn gắn liền với sự phát triển của ngành Bưu chính, Viễn thông Việt Nam trong từng giai đoạn.
Ngay từ ngày đầu thành lập, VTI đã được lãnh đạo Tổng cục Bưu điện khi đó tin tưởng giao thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh với đối tác nước ngoài. Đây là một giai đoạn hết sức quan trọng với chủ trương lấy viễn thông quốc tế để phát triển viễn thông trong nước. Đây cũng là đà tạo dựng cho viễn thông Việt Nam từ thời kỳ khó khăn phát triển mạng viễn thông quốc tế lớn mạnh, đủ tầm để phục vụ khách hàng tốt hơn.
Chủ trương này của Tổng cục Bưu điện trước kia và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam sau này là quyết định hết sức sáng suốt, tạo nên dấu ấn của một giai đoạn lịch sử trong sự phát triển của viễn thông quốc tế của Việt Nam. Tốc độ phát triển doanh thu từ dịch vụ viễn thông quốc tế rất nhanh, từ 3 triệu USD vào năm đầu cung cấp 1990 đã tăng lên 480 triệu USD vào năm 2000.
Phát triển viễn thông quốc tế của Việt Nam sau 10 năm đầu tiên là vậy, đến năm 2000 là năm hội nhập phát triển còn mạnh mẽ hơn nhiều. Sự phát triển của mạng viễn thông quốc tế - cơ sở hạ tầng viễn thông quốc tế Việt Nam đến bây giờ vẫn là lớn nhất của Việt Nam. VTI tự hào vì được VNPT giao quản lý một hạ tầng viễn thông quốc tế hiện đại, với hệ thống các dịch phát triển đa dạng, phong phú. Với những nỗ lực trong suốt 20 năm qua, giờ, VTI đảm nhiệm quản lý một hạ tầng cơ sở viễn thông quốc tế lớn nhất, vừa kiêm cả kinh doanh dịch vụ viễn thông quốc tế một cách hiệu quả nhất.
Nắm giữ trên 50% thị phần lưu lượng điện thoại quốc tế của Việt Nam với tổng lưu lượng điện thoại quốc tế phát sinh năm 2009 đạt hơn 1 ngàn triệu phút, công ty Viễn thông quốc tế VTI trực thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT luôn khẳng định là một trong số những doanh nghiệp lớn trên thị trường.
Giữ vững thị trường nội, nỗ lực vươn ra quốc tế
Mặc dù vậy, giám đốc Nguyễn Hữu Khánh cho rằng, VTI cũng đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức trước môi trường cạnh tranh hiện nay. Tài nguyên viễn thông của Việt Nam không phải là vô tận. Các lĩnh vực đang cạnh tranh quyết liệt đòi hỏi doanh nghiệp trong đó có VTI phải vượt lên chính mình. VTI có những nhân sự có trình độ, chuyên môn, yêu nghề nghiệp nhưng nếu như cứ chỉ loanh quanh với thị trường nội thì đến một lúc nào đó sẽ bị cạn kiệt về tài nguyên. Chính vì vậy, doanh nghiệp đặt ra chủ trương bằng mọi giá phải khai thác, phát triển tốt cả thị trường quốc tế.
Muốn là vậy nhưng sẽ phải có một lộ trình cụ thể. Tới thời điểm này, VTI đã có sự hiện diện POP ở các quốc gia nước ngoài. Sự hiện diện này giúp VTI kết nối với nước ngoài rất nhanh và nâng cao chất lượng dịch vụ rất lớn. Tuy nhiên, đó vẫn chưa đủ. VTI đặt mục tiêu sẽ kinh doanh trực tiếp tại thị trường này.
Đây cũng chính là quan điểm, mục tiêu được lãnh đạo VNPT hướng tới. Từ năm 2010 này, Tập đoàn sẽ đẩy mạnh đầu tư cung cấp dịch vụ viễn thông ra nước ngoài. Theo Chủ tịch hội đồng quản trị VNPT Phạm Long Trận, Tập đoàn đã đặt ra mục tiêu đạt 15 tỷ USD doanh thu và có mặt trong top 10 doanh nghiệp viễn thông lớn nhất châu Á trong 5 năm tới. Đặc biệt, với mức doanh thu này, dịch vụ viễn thông quốc tế sẽ đóng góp tới 25%.
Theo VnMedia
Bình luận