Theo dõi sát sao các đại gia Internet thế giới và những đối thủ ngay tại quê nhà, Yoshikazu Tanaka bắt tay vào làm mạng xã hội của riêng mình mang tên Gree và đã có trong tay 1,6 tỉ USD khi mới 32 tuổi.
Yoshikazu Tanaka không ngừng học hỏi từ thành công của những người khác. Người sáng lập mạng xã hội Gree đã thiết kế các văn phòng của mình theo cách gợi nhớ đến các tên tuổi lớn trong làng công nghệ. Các phòng họp được đặt tên theo địa điểm đứng chân của các đại gia Internet Mỹ. Một phòng được đặt tên là Sunnyvale - nơi đặt tổng hành dinh của Yahoo; một phòng khác tên là Mountain View - nơi có trụ sở của Google.
Chàng doanh nhân 32 tuổi mặc áo sơ mi mở cổ, quần jean ôm và giày đế mềm giải thích "đó là một kiểu Thiền".
Anh cũng luôn để mắt đến các đối thủ cạnh tranh Nhật Bản khác, đặc biệt là các mạng xã hộ Mixi và DENA. Mỗi buổi sáng thứ hai đầu tuần, đúng 10 giờ, vị giám đốc trẻ chủ trì một cuộc họp toàn thể nhân viên tại trụ sở chính của công ty ở khu Roppongi Hills sang trọng ở Tokyo. Đó chính là lúc anh lên dây cót tinh thân cho tất cả nhân viên, không gì khác là "phải trở thành số 1" và đánh bại các đối thủ cạnh tranh.
Xét về khía cạnh cổ phiếu, Tanaka đã có ưu thế hơn hẳn các đối thủ. Nhờ giá chứng khoán của Gree tăng gấp đôi trong năm 2009, Tanaka, người nắm giữ 51% cổ phần của công ty và đang bán cổ phần trị giá 170 triệu USD kể từ lần giao bán tháng 12/2008, hiện đang sở hữu tài sản trị giá 1,6 tỉ USD. Con số đó đủ để anh xếp hạng 18 trong số 40 người giàu nhất Nhật Bản. Người sáng lập mạng Mixi, Kenji Kasahara, xếp thứ 33 với tài sản ròng trị giá 720 triệu USD, trong khi Tomoko Namba của mạng DENA chưa có mặt trong danh sách này vì tài sản chưa đầy 500 triệu USD.
Tanaka là một trong 3 tỉ phú ở châu Á chưa đầy 35 tuổi và là người duy nhất tự kiếm được số tiền đang sở hữu. Ở Trung Quốc có hai tỉ phú cùng 28 tuổi là Yang Huiyan và Li Zhaohui, nhưng tài sản của họ đều do thừa kế. Yang được cha là người điều hành công ty bất động sản Country Garden nhượng lại cổ phần, trong khi Li thừa kế công ty thép từ người cha quá cố. Trên thế giới cũng chỉ có một tỉ phú tự thân trẻ hơn Tanaka, chính là người sáng lập 25 tuổi của Facebook, Mark Zuckerberg.
Giá chứng khoán của Gree tăng vọt một phần là do tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của công ty - được coi là công ty công nghệ phát triển nhanh nhất Nhật Bản, với tỉ lệ tăng trưởng 2.636% trong 3 năm. Hiện có khoảng 15 triệu người đang sử dụng mạng xã hội Gree, tăng đáng kể so với con số 8 triệu người cách đây một năm. Gree đã vượt qua DENA từ tháng 9 năm ngoái để giành lấy vị trí thứ hai sau Mixi. Mạng xã hội số một này đang có 18 triệu người sử dụng nhưng số người dùng tăng trưởng hàng tháng đang ít dần.
Tanaka tuyên bố đầy tự tin: "Chúng tôi sẽ vượt họ trong vòng sáu tháng". Anh cũng hi vọng số lượng người dùng của Gree chẳng mấy chốc sẽ tăng gấp đôi lên 30 triệu người.
Gree vươn lên nhờ tập trung vào việc cung cấp các trò chơi đơn giản vui vẻ cho điện thoại di động. Người dùng mới sẽ có một hình đại diện theo phong cách manga mắt to và mặc đồ lót. Sau đó họ có thể mua sắm mọi thứ từ quần áo, như những chiếc mũ màu mè hay các kiểu tóc hợp mốt, tới những phụ kiện như cần câu cá hay thực phẩm để dùng vào các trò chơi câu cá, làm vườn và nuôi thú ảo. (DENA cũng có hình đại diện, phụ kiện và trò chơi, nhưng không kết hợp cả ba với nhau). Việc các thành viên của Gree sẵn sàng trả vài đôla cho các đồ dùng ảo rẻ tiền đã giúp mạng này tăng doanh thu lên 2,5 lần, đạt mức 75 triệu USD trong vòng ba tháng; 80% doanh thu của công ty là từ bán các phụ kiện trực tuyến.
Tanaka - thời thơ ấu cũng từng là một game thủ đầy đam mê - chia sẻ: "Người Nhật rất thích chơi game", trong khi đó, "Gree lại nhẹ và dễ sử dụng", Akira Suzuki, chuyên viên phân tích trên thị trường chứng khoán Tokyo Tokai nhận xét.
Tanaka lần đầu tiên để tâm đến xã hội kỹ thuật số sau khi đọc sách của nhà tương lại học người Mỹ Alvin Toffler. Đặc biệt, cuốn sách ông viết năm 1980 có tên Powershift (Sự chuyển giao quyền lực) mà anh đọc từ hồi học phổ thông đã truyền cảm hứng cho anh về những tác động xã hội trong quá trình chuyển đổi sang một xã hội thông tin. Lần đầu tiên Tanaka lướt web là năm 1996 khi tới thăm nước Mỹ. Ba năm sau, anh tốt nghiệp ĐH Nihon với bằng cử nhân về chính trị và kinh tế, rồi làm việc một thời gian ngắn cho một công ty con về Internet của Sony. Sau đó anh làm vài năm về đấu giá trực tuyến cho tỉ phú Hiroshi Mikitani, người điều hành khu mua sắm trực tuyến Rakuten.
Hiroshi Yamashina, một chuyên gia phân tích cho Nikko Citi kể: "Khi còn là sinh viên, cậu ấy đã thiết kế web và các banner quảng cáo. Khi làm việc ở Rakuten, cậu ấy đã xây dựng cả một hệ thống blog. Cậu ấy khởi nguồn mạng xã hội của mình ban đầu là từ sở thích, nhưng khi nó ngày càng phổ biến, cậu ấy quyết định tách ra làm việc độc lập".
Năm 2004, Tanaka thôi việc ở chỗ Mikitani để tập trung phát triển mạng xã hội của mình, nhưng hai người vẫn duy trì liên lạc. Anh đặt tên "con đẻ" của mình là Gree và lấy logo là một hình lục giác.
Tanaka bắt đầu xây dựng Gree tại Netage ở Tokyo, cũng là nơi Kasahara khởi nghiệp Mixi. Và cũng giống Mixi, ý tưởng ban đầu của Gree chỉ là tạo ra một mạng xã hội những người bạn trực tuyến. Nhưng do phải cạnh tranh với đối thủ, Tanaka phải có điểm mạnh hơn, và đó chính là nhân tố đưa anh tới ý tưởng khai thác các trò chơi xã hội cho điện thoại di động.
Một trong những người đầu tiên đặt lòng tin vào Tanaka là Yoshihito Hori, một nhà đầu tư mạo hiểm có cổ phần ở Netage và đang điều hành một trong những trường kinh doanh hàng đầu ở Nhật Bản. Hori gặp Tanaka lần đầu năm 2005 và mua 3,6% cổ phần của công ty anh thông qua Quỹ Apax Globis Japan của ông. Ông mô tả Tanaka là "một người có khả năng thích ứng nhanh chóng với mọi thay đổi" và có trong tay một mô hình kinh doanh "ăn tiền". Quỹ của ông đã thu lãi gấp hàng trăm lần số tiền đầu tư.
Gree tăng trưởng mạnh mẽ khi liên minh với hãng viễn thông KDDI năm 2006; hãng này hiện vẫn sở hữu 7% cổ phần trong công ty của Tanaka. Điều này cho phép người sử dụng truy cập vào trang Gree từ trang chủ của hãng điện thoại di động KDDI, giúp tăng mạnh số người đăng ký sử dụng dịch vụ Gree. Gree cũng tiếp cận tới nhiều người dùng tiềm năng hơn trong năm 2007 khi NTT DoCoMo và Softbank cho phép người sử dụng của họ truy cập vào Gree. Hai hãng này cũng bắt tay với các đối thủ của Tanaka.
Quyết định tiếp cận người tiêu dùng qua điện thoại di động đã tạo nên toàn bộ sự khác biệt cho Gree. 9 trong số 10 người sử dụng Gree tiếp cận dịch vụ từ điện thoại di động của họ so với chỉ 2 trong số 3 người sử dụng Mixi. Nhiều người chơi game với nhau trên điện thoại di động để giết thời gian khi ngồi hàng giờ trên các chuyến tàu đông nghẹt.
Việc Nhật Bản dẫn đầu thế giới về kết nối băng thông rộng và điện thoại di động rõ ràng đã mang lại lợi ích to lớn cho Tanaka khi cho phép khách hàng của anh dễ dàng chơi game trên điện thoại di động. Trong số 114 triệu thuê bao đăng ký di động ở Nhật Bản, có 102 triệu là 3G, vượt xa nước Mỹ nơi số lượng thuê bao sử dụng công nghệ thế hệ mới nhất chỉ mới là 70 triệu.
Các trò chơi mà Gree tự mình phát triển cũng đang tỏ ra là ăn tiền. Thu nhập ròng của Gree trong sáu tháng qua là 39 triệu USD, nhỉnh hơn một chút so với lợi nhuận của DENA và gấp bốn lần Mixi - một mạng xã hội mà doanh thu chủ yếu dựa vào quảng cáo. Nhưng hai đối thủ này cũng đang tìm mọi cách để khẳng định vị thế của họ.
Tanaka cũng đang đi tìm một hướng phát triển mới - xuất khẩu trò chơi. Anh chắc chắn là phải tìm được đối tác tại các thị trường mục tiêu, bởi bước ra sân chơi lớn, anh sẽ phải đối mặt với không chỉ các đại gia máu mặt như Facebook, Myspace, mà còn phải canh chừng cả các đối thủ trong nước cũng đang nhắm đến những khách hàng ngoài biên giới.
Tanaka cũng phải nhìn lại và ghi nhớ rằng thành công và sự giàu có, có thể chỉ là phù du, thoảng qua mà thôi. Văn phòng của Tanaka có thể có các phòng họp gợi nhớ tới các anh tài đi trước trong ngành công nghệ, nhưng anh vẫn phải nỗ lực rất nhiều để có thể tạo ra một nhãn hiệu toàn cầu trường cửu.
Theo Tuanvietnam (Forbes)
Bình luận
được coi là công ty công nghệ phát phát triển nhanh nhất Nhật Bản, với tỉ lệ tăng trưởng 2.636% trong 3 năm.
=> có 2 chữ phát rồi này, thừa 1 chữ
Cảm ơn, đã sửa!