Chủ tịch Hội đồng quản trị Phạm Minh Toàn. Ảnh: nhân vật cung cấp.

Từ trước đến nay, ở Việt Nam, chưa bao giờ có cảnh cả đoàn người xếp hàng chờ ra mắt sản phẩm như ở các nước khác. Nhưng sự kiện ra mắt iPhone vừa rồi đã thay đổi tất cả.

Không phủ nhận có sự tác động truyền thông của hai nhà mạng là việc VinaPhone và Viettel úp mở và đưa đẩy câu chuyện này khiến cho đi đâu cũng nghe nói về iPhone, và người ta háo hức đón chờ ngày nhà mạng công bố giá bán máy và giá cước. Trên các diễn đàn trực tuyến, sự tranh luận, phỏng đoán càng sôi nổi hơn. Nhưng quả bóng xì hơi ngay lập tức khi những thông tin chính thức được đưa ra. Từ câu chuyện này có mấy góc nhìn:

Mỗi sản phẩm có một phân khúc thị trường riêng.

Doanh nghiệp nào đã kinh doanh trên diện rộng sẽ phải có những dịch vụ đáp ứng đủ cho các phân khúc khách hàng của mình. Bởi vì iPhone không phải là sản phẩm dành cho giới bình dân và cho dù nhà cung cấp có dùng hình thức gì để kinh doanh thì họ cũng phải đảm bảo lợi nhuận, nên kỳ vọng của số đông người tiêu dùng chắc chắn không được đáp ứng. Còn kỳ vọng của nhà mạng? Nói như một ý kiến là họ bỏ “con săn sắt” là giá máy để bắt “con cá rô” là các dịch vụ mà những khách hàng VIP này sẽ sử dụng hàng ngày hoặc ít nhất đã cầm đằng chuôi gói cước khách hàng đã cam kết.

Nhiều người cho rằng người Việt Nam tuy chưa giàu nhưng rất thích dùng hàng xa xỉ và trong khi Nhà nước đang hạn chế nhập siêu với những mặt hàng kiểu này thì cơn sốt iPhone lại càng làm các ý kiến trên lên tiếng. Ở đây bài toán kinh tế thị trường sẽ quyết định tất cả, sản phẩm xa xỉ sẽ chỉ dành cho những người có thu nhập cao và mong muốn sở hữu nó. Khi họ đã có nhu cầu, nếu không bằng con đường chính thống thì họ cũng sẽ tìm những cách khác để sở hữu sản phẩm mình mong muốn, khi đó nhà nước có thể bị thất thu thuế. Tiền được đưa vào lưu thông bằng cách này hay cách khác cũng sẽ tạo ra những giá trị cho xã hội kể cả hữu hình hay vô hình.

Không phải cuộc chiến giữa các nhà mạng mà là cuộc chiến giữa chính hãng và “xách tay”. Tình hình đìu hiu của các cửa hàng bán iPhone xách tay trước cơn sốt và sau đó là của cửa hàng chính hãng sau vài ngày ra mắt có thể là do người dùng tiếp tục chờ đợi những phản ứng linh động của các cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ trước các ông lớn. Khi một trong hai bên không đủ kiên nhẫn chờ đợi tình trạng ế ẩm, chắc phần nhiều các cửa hàng xách tay sẽ nhún một bước trước vì tiềm lực mọi mặt không thể so kè, khi đó mặt bằng giá lại được thiết lập mức mới.

Nhưng nếu tiếp tục kỳ vọng nhà mạng giảm giá ngay thì chắc họ sẽ lại thất vọng lần nữa vì ít nhất cũng phải đợi MobiFone ra mắt. Với các điều kiện chặt chẽ của Apple thì chắc MobiFone cũng không thể giảm được nhiều, có chăng là các gói cước sẽ linh hoạt hơn. Vậy ít nhất đợt giảm giá tiếp theo cũng phải đến tháng 6, khi Apple ra mắt phiên bản iPhone mới. Trong khoảng thời gian này chúng ta sẽ chờ đợi những đợt đánh du kích của các cửa hàng xách tay.

Sức mạnh của truyền thông

Nhà mạng đã tận dụng yếu tố ai cũng mong muốn được sở hữu một sản phẩm thời thượng với giá hợp lý và là sự kiện hot nên rất nhiều báo chí đã tự nguyện nhảy vào công cuộc lan truyền này. Bên cạnh đó kết hợp với số đông cộng đồng lan truyền thông tin tự nhiên để câu chuyện lên đến điểm kịch tính qua các con số đặt mua khổng lồ trước ngày bán chính thức, trong khi lượng hàng nhập về được tiết lộ ít hơn con số đó nhiều lần, đã tác động cả lên những người trước đó chẳng quan tâm đến iPhone là gì.

Ngay cả khi quả bóng đã xẹp thì người ta vẫn đua nhau phân tích tại sao nó xẹp. Nếu được hoạch định kế hoạch truyền thông cho chiến dịch này chắc không cần tốn nhiều chi phí cho quảng cáo iPhone ngay sau ra mắt như nhà mạng đã làm, vì bản thân sản phẩm và sự kiện có sức viral quá tốt, nên dành chi phí này cho khuyến mại trực tiếp chắc chắn còn gây ra các làn sóng nhỏ nữa. Một chân lý kinh điển rút ra từ các chiến dịch truyền thông cho iPhone trên thế giới là truyền thông sẽ rất rẻ và dễ dàng nếu bạn để mọi người tự làm điều đó cho bạn. Tất nhiên cái này chỉ đúng nếu sản phẩm đưa ra phải thật đặc biệt để được hưởng sự săn đón của giới truyền thông.

Đến thời điểm này, chúng ta có thể thấy sự song hành của cả hai nhà mạng trên các kênh truyền thông: báo in, báo điện tử, truyền hình. Nhưng có vẻ nó là sự nhân bản thiếu sáng tạo của các tư liệu truyền thông do Apple cung cấp. Tuy nhiên, trong thời kỳ bùng nổ của truyền thông mạng xã hội (social media) thì kênh này lại không được đề cập đến trong các chiến dịch của hai nhà mạng. Trên các diễn dàn, các mạng xã hội rất nhiều thông tin trái chiều, nhưng rất ít thông tin mang tính dẫn dắt có chủ đích giúp cộng đồng hiểu đúng vấn đề. Các thông tin thực sự hữu ích được đưa lên vô tình bởi các chuyên gia “tự nguyện”. Liệu trong chặng đường sắp tới, nhà mạng nào sẽ chiếm lĩnh được kênh truyền thông để biến nó thành thế mạnh cạnh tranh?

Liệu có thể thất bại? Mặc dù được đánh giá là một trong những chiến dịch marketing xuất sắc nhất mọi thời đại nhưng Apple cũng đã mắc phải một số sai lầm nhất định. Chúng ta cùng điểm lại những sai lầm chính trong các chiến dịch marketing của Apple dành cho iPhone để xem liệu các nhà mạng tại Việt Nam có dẫm chân lên vết xe đổ đó không:

Giảm giá quá nhanh

Apple giảm giá bán lẻ iPhone 33% ngay sau 3 tháng đầu tiên ra mắt, điều này làm các khách hàng trung thành của “Quả táo” cảm thấy bị phản bội và lợi dụng. Họ đã phải rất vất vả đặt hàng và xếp hàng chờ mua được chiếc iPhone mơ ước, nhưng 3 tháng sau rất nhiều người đã có nó. Kịch bản tương tự tại Việt Nam có thể xảy ra: tháng 6 tới iPhone 4GS ra mắt, giá sản phẩm iPhone 3GS sẽ giảm nhanh chóng, nếu 2 nhà mạng không có chính sách phù hợp cho những khách hàng mua trong dịp khai trương vừa rồi, nhiều khả năng sẽ phải hứng chịu đợt phản ứng từ khách hàng.

Ra mắt muộn ở các thị trường

Chính sách tham lam của Apple trong việc thống nhất các điều khoản về giá, chính sách,… với các nhà mạng khiến việc ra mắt tại toàn bộ các nước châu Âu và những trị trường quan trọng khác trên thế giới đã bị chậm một năm so với tại Mỹ và bây giờ chúng ta mới được mua iPhone chính hãng tại Việt Nam. Nhiều tín đồ trung thành của Apple ở các thị trường đó không thể chờ đợi được sự chậm trễ này đã tìm mọi cách, kể cả bẻ khóa để có thể sở hữu iPhone. Đây chính là điều đã làm suy yếu việc kinh doanh một sản phẩm tuyệt vời bằng một sai lầm trong marketing.

Vậy chúng ta sẽ cùng chờ đợi câu chuyện iPhone 4GS sắp tới có được ra mắt đồng thời với toàn cầu tại Việt Nam không, nếu các nhà mạng không đàm phán được việc này thì người tiêu dùng Việt Nam cũng sẽ rơi vào tâm lý bị lợi dụng và phản bội.

Bài viết của Phạm Minh Toàn, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc công ty Time Universal Communications, đăng trên VnExpress.




Bình luận

  • TTCN (0)