Mặc dù đứng thứ 18 trong bảng xếp hạng tỉnh, thành phố cung cấp dịch vụ công trực tuyến nhưng tình trạng website của địa phương này vẫn khá nèo nàn.

Từ đầu những năm 2000 tới nay, hầu hết các tỉnh, thành, bộ, ngành đã xây dựng cổng thông tin, hoặc website cho riêng mình. Việc xây dựng và duy trì tính ra phải “ngốn” hàng tỉ đồng, thế nhưng phần lớn gây lãng phí không nhỏ. Nhiều ý kiến cho rằng, việc các địa phương xây dựng web/portal hiện nay vẫn đang theo phong trào chứ chưa phải xuất phát từ nhu cầu thực tế.

Theo con số thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố trong bản Báo cáo tình hình ứng dụng CNTT năm 2008-2009, tính đến tháng 12/2009, đã có 60/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có website/portal (chỉ còn 3 tỉnh chưa có website là Đắk Nông, Ninh Bình và Hòa Bình). 44/63 tỉnh báo cáo có cung cấp dịch vụ công trực tuyến; 19 Bộ, cơ quan ngang Bộ có Website/Portal và có cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Tuy nhiên, với những gì thể hiện trên các Website/Portal, việc cung cấp thông tin chủ yếu để phục vụ người dân và doanh nghiệp (theo tiêu chí của các web/portal) của đa số địa phương còn rất hạn chế. Con số đưa ra chắc khiến nhiều người phải giật mình.

Ngoài những website/cổng thông tin được đánh giá là điển hình như Website/Portal của Chính phủ - www.chinhphu.vn, UBND Thành phố Hồ Chí Minh - www.hochiminhcity.gov.vn, UBND tỉnh Quảng Bình - www.quangbinh.gov.vn, Bộ Giáo dục và đào tạo - www.moet.gov.vn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - www.agroviet.gov.vn..., hầu hết các trang thông tin điện tử khác vẫn chủ yếu để… làm cảnh!

Đến tháng 12/2009, 100% các Bộ ngành vẫn chưa cung cấp đầy đủ thông tin chủ yếu lên Website/Portal theo quy định. Mới chỉ có 58% Website/Portal có thông tin giới thiệu của cơ quan và của từng đơn vị trực thuộc. Con số còn thấp hơn rất nhiều về thông tin các thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến (5%).

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành và văn bản quản lý hành chính có liên quan cũng chỉ mới có 11% Website/Portal đáp ứng. Thông tin tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện pháp luật, chế độ, chính sách, chiến lược, quy hoạch chuyên ngành có khả dĩ hơn, cũng chỉ ở mức 63%. Khả dĩ nhất là cập nhật đầy đủ và kịp thời thông tin, đạt 74%.

Tình hình cung cấp thông tin tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng không mấy khả quan. Mới có 3,3% địa phương có thông tin về thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến; Mục lấy ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân cũng mới chỉ 3,3% địa phương, tỉnh thành có. Chức năng cập nhật đầy đủ và kịp thời thông tin đạt 6,67%...

Để có được những minh chứng cụ thể cho các con số này, phóng viên VnMedia đã “tận mục sở thị” một số website/portal của các địa phương.

Truy cập vào trang tin điện tử của tỉnh Tuyên Quang, địa chỉ www.tuyenquang.gov.vn, ở mục tin tức nổi bật ngay trên đầu trang, thông tin được cập nhật nhất là sự kiện phát hành Công báo điện tử tỉnh Tuyên Quang trên Internet, tin đăng vào ngày 15/1/2010 có nghĩa cách ngày hôm nay (25/4/2010) đến hơn ba tháng. Tin thứ hai được cập nhật còn… xa thời gian hơn thế, ngày 21/8/2009 đó là sự kiện Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thăm và làm việc tại Tuyên Quang.

Ở chuyên mục hỏi đáp pháp luật, cũng được đặt ngay trên đầu trang tin của Tuyên Quang, tình hình cũng không mấy khả dĩ. Bài trả lời mới nhất cho độc giả của trang cách nay mới có hơn… 3 năm. Chính xác là ngày 11/10/2006.

Thôi thì đằng nào webiste của Tuyên Quang cũng gần như đứng “đội sổ” bảng sếp hạng nên nội dung thông tin họ có như thế cũng không mấy sửng sốt.

Tiếp tục “mục sở thị” trang thông tin đứng thứ 18 trong bảng xếp hạng tỉnh, thành phố cung cấp dịch vụ công trực tuyến là Hà Nam, ở địa chỉ www.hanam.gov.vn, thông tin cập nhật có khả dĩ hơn. Thông tin mới nhất chỉ cách hôm nay có đúng… 10 ngày. Phóng viên tự hỏi, chả nhẽ, cả một tỉnh lớn như thế mà trong cả 10 ngày không có tới một sự kiện nào nổi bật đáng để quan tâm sao?

Có lẽ thông tin đáng được quan tâm nhất của trang thông tin này là mục Cải cách hành chính. Thế nhưng không hiểu sao, khi nhấp chuột vào chuyên mục này, luôn được báo "Gateway time out".

Mục cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh liên thông của web mới đọc khá hấp dẫn, định vào “ngó nghiêng” nhưng tình trạng cũng không hơn gì “Cải cách hành chính”.

Xây dựng được một website hay portal, trung bình mỗi bộ ngành phải bỏ ra tới vài trăm triệu đồng, ấy là chưa kể tiền duy trì hàng năm, cũng ngót nghét vài chục triệu đồng. Thế nhưng, với những gì hiện diện trên những trang thông tin, cổng thông tin này, cho thấy vẫn chưa xứng tầm với chi phí bỏ ra. Việc xây dựng xem ra vẫn mang nặng tính phong trào theo kiểu "cho bằng anh bằng em".

Thiết nghĩ, việc “đánh trống, bỏ dùi” như thế này cần phải sớm được khắc phục trong thời gian tới để không chỉ giải quyết được bài toán lãng phí mà hơn hết, website/portal được mang đúng “trọng trách” của nó đó là ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Theo VnMedia.




Bình luận

  • TTCN (0)