Sau 6 ngày thi đấu với những màn trình diễn nảy lửa, gấp gáp, quyết liệt của các đội tham gia vòng chung kết Robocon 2010. Cuối cùng, LH LED đến từ ĐH Lạc Hồng đã trở thành đội đại diện cho Việt Nam tham dự ABU Robocon 2010 tại Ai Cập vào tháng 9 tới.
Trận chung kết với những diễn biến đầy bất ngờ và kịch tính đã khiến cho sự đoán định của không ít người rơi vào sai lầm.
Điều đáng tiếc đầu tiên tại đêm chung kết ngày hôm nay phải kể đến sự thất bại của một trường ĐH luôn gắn liền với Robocon ngay từ những ngày đầu tiên đó là ĐH Bách khoa TP HCM. Nếu như ở vòng 1/16 tối ngày hôm qua (15/5) ĐH Bách khoa Tp HCM đã chứng tỏ được bản lĩnh thi đấu cũng như sự chuyên nghiệp trong việc chế tạo robot, chiến lược thi đấu của một trường dầy dạn kinh nghiệm với Robocon thì đến đêm chung kết ngày hôm nay ĐH Bách khoa TP HCM lại mang đến cho khán giả không ít thất vọng. Cả 3 đội đều lọt vào vòng 1/16 của ĐH Bách khoa TP HCM đã khiến không ít người dự đoán Bách khoa TP HCM sẽ lại một lần nữa bước lên bục vinh quang của sân chơi Robocon lần này. Tuy nhiên, sự thất bại của BKIT LIGHTNING ở ngay trận đầu tiên với LH LED (của ĐH Lạc Hồng) của vòng 1/8 đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của 2 đội còn lại. Và ngay sau khi BKIT 4U bị thua NAT-PRO (của ĐH SP KT Hưng Yên) thì sự quyết tâm phải giành chiến thắng đã đè nặng lên vai của các thành viên đội BKIT BOMBY. Và tới lượt BKIT BOMBY tiếp tục bị VOI 03 (của ĐH Công nghiệp Hà Nội) hạ ngục một cách đầy thuyết phục đã làm tiêu tan không biết bao cổ động viên trung thành.
Điều đáng tiếc thứ 2 không thể không kể đến là sự tranh đấu vào vòng bán kết của 2 đội LH LED và LH BEE đều của ĐH Lạc Hồng. Thật ra, sự ra đi của bất kì đội nào trong 2 đội này đều rất đáng tiếc. Nếu như LH LED luôn thi đấu một cách đầy thuyết phục thì sự chinh phục đỉnh cao Robot Pharaong duy nhất của LH BEE tại vòng 1/8 năm nay đã chứng tỏ được bản lĩnh kiên cường của mình. Trận đấu tưởng như sẽ mất đi tính đối kháng, mất đi sự tranh giành quyết liệt này lại chính là trận đấu hấp dẫn nhất, gay cấn nhất ở vòng loại tối ngày hôm nay. Điều đáng tiếc thứ 3 có lẽ là sự hi vọng quá lớn của các trường ĐH Cao đẳng khu vực miền Bắc đã khiến cho VOI 03 (của ĐH Công nghiệp Hà Nội) – đội đã chiến thắng hoàn toàn thuyết phục trước NAT-PRO (của ĐH SP KT Hưng Yên) không vượt qua nổi LH LED (của ĐH Lạc Hồng) ở vòng chung kết.
Theo giới chuyên môn, ĐH Công nghiệp Hà Nội dù có chiến lược khá bài bản của một trường nhiều năm có mặt tại vòng chung kết Robocon nhưng lại thiếu mất một chút may mắn. Trước sự cổ vũ cuồng nhiệt và lực lượng cổ động viên quá hùng hậu của ĐH Lạc Hồng đã tiếp thêm sức mạnh cho các thành viên của LH LED, giúp cho đội tuyển này thi đấu hết sức tự tin. Cũng không thể phủ nhận một chút may mắn sẵn có cũng là nhân tố thúc đẩy sự chiến thắng của LH LED tối ngày hôm nay.
Tuy nhiên, một nguyên nhân không kém phần quan trọng khác giúp LH LED trở thành đại diện duy nhất của Việt Nam đi chinh phục các Kim tự tháp tại Ai Cập vào tháng 9 tới này chính là phương pháp chế tạo robot, đặc biệt là những chú robot tự động. Thay vì phải sử dụng tới 2 robot ở đỉnh tháp Mankaura như của đối thủ, LH LED lại chỉ sử dụng 1 robot duy nhất. Khối cấu kiện đầu tiên được “bắn” một cách hết sức chính xác vào chân tháp và chiếc cánh tay duy nhất vườn dài ra, đưa đỉnh tháp vào vị trí mà không cần bất cứ sự di chuyển nào. Hết sức đơn giản, nhanh nhạy và lại vô cùng hiệu quả.
Một điểm mới đáng ghi nhận của Robocon 2010 là Triển lãm Robocon Techshow 2010. Đây là sân chơi, là nơi các bạn sinh viên của các trường ĐH, Cao đẳng và Trung học chuyên nghiệp khối kỹ thuật có thể giới thiệu những tác phẩm, những đề tài nghiên cứu khoa học, những đồ án tốt nghiệp của mình đến với đông đảo người xem. Qua Robocon Techshow chúng ta hiểu hơn nữa về một góc khác của những chú robot dưới nhiều hình thù, nhiều tính năng và công dụng khác nhau, từ robot cá, robot điều khiển giao thông, robot nặn nước… cho tới chiếc xe lăn điều khiển bằng đầu. Ban tổ chức cũng cho biết, Techshow tuy mới mẻ nhưng lại được các bạn sinh viên rất yêu thích, được đông đảo người xem đánh giá cao và thêm một góc nhìn mới về những chủ nhân tương lai của đất nước với những thành quả họ đã học tập, nghiên cứu và đạt được.
Nhưng sẽ thật là thiếu sót, nếu nói đến Robocon mà không nói tới Đài truyền hình Việt Nam (VTV) đơn vị tổ chức và Công ty ôtô Toyota Việt Nam - nhà tài trợ chính đã đồng hành cùng Robocon suốt 9 năm qua. Có thể nói, sự đồng hành liên tục và bền bỉ này của Toyota trước thời kỳ khủng hoảng kinh tế trầm trọng như năm 2009 và thời kỳ kinh tế chưa thật sự phục hồi như năm 2010 này đã cho thấy sự nỗ lực không ngừng của nhà sản xuất này đối với nền giáo dục, khoa học và kĩ thuật của Việt Nam. “Chúng tôi mong muốn thông qua Robocon, tạo ra một sân chơi giáo dục đầy bổ ích và trí tuệ cho các bạn sinh viên trẻ, những kĩ sư tương lai của đất nước và giúp cho các em tăng thêm khả năng cũng như tư duy sáng tạo về công nghệ cao, khả năng áp dụng kiến thức vào thực tiễn và phát huy tinh thần thi đua học tập cũng như thúc đẩy tinh thần đoàn kết đồng đội.” Đặng Phan Thu Hương – Phó Tổng Giám đốc TMV đã chia sẻ như thế khi được hỏi đâu là lí do Toyota đã liên tục đồng hành cùng Robocon suốt 9 năm qua. Bên cạnh Robocon, Công ty ôtô Toyota Việt Nam (TMV) còn có mặt ở rất nhiều chương trình hữu ích khác. Tính đến thời điểm hiện tại, TMV đã nộp ngân sách nhà nước trên 1,2 tỉ USD, đóng góp cho xã hội trên 13 triệu USD tại nhiều lĩnh vực khác nhau như giáo dục, an toàn giao thông, văn hóa, bảo vệ môi trường, thể thao…
Danh sách các giải thưởng Robocon 2010
- Giải Nhất: LH LED - ĐH Lạc Hồng với tổng giá trị giải thưởng lên tới 60 triệu đồng (Công ty ôtô Toyota: 10 triệu đồng; UBND tỉnh Đăk Lăk: 10 triệu đồng và Đơn vị tổ chức VTV: 40 triệu đồng) và 1.000USD từ ABU (Hiệp hội phát thanh truyền hình châu Á-Thái Bình Dương)
- Giải Nhì: VOI O3 - ĐH Công nghiệp Hà Nội với tổng giá trị giải thưởng là 25 triệu đồng.
Các giải thưởng khác đều có đồng giá trị giải thưởng là 10 triệu đồng với các danh hiệu:
- Giải Ba thứ nhất: LH BEE - ĐH Lạc Hồng
- Giải Ba thứ hai: NAT PRO - ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên
- Giải Công nghệ: VOI O3 - ĐH Công nghiệp Hà Nội
- Giải ý tưởng: Sao Đỏ SD PRO - ĐH Sao Đỏ
- Robot bằng tay tốt nhất: BKit lighting - ĐH Bách khoa TP.HCM
- Robot tự động tốt nhất: BKit 4U - ĐH Bách khoa TP.HCM
- Giải phong cách: BKit Bomby - ĐH Bách khoa TP.HCM
- Giải cho đội nhiều triển vọng: TCN DAKLAK - Trường Trung cấp Nghề DakLak
Theo Diễn đàn DN.
Bình luận
sao ko ai thèm đưa tin về ROBOCON TECH SHOW 2010 của VN hết vậy. Đưa tin cho mọi người thấy chúng ta cũng làm được con ROBO CÁ đấy thôi. Có thể lặn sâu 2 m và điều khiển bằng sóng radio.
Techshow
Đọc mãi mà ko thấy có trang nào đưa tin về Tech Show hết vậy :(. Những bạn đã sáng tạo ra những con robot đấy cũng cần được tuyên dương chứ
DANH SÁCH MÃ SẢN PHẨM THAM DỰ ROBOCON TECHSHOW 2010
Mã SP
Sản phẩm
Mô tả
1.
Robot giao thông (ĐH SPKT TP. HCM)
Robot cao 1m75, có hình dáng giống người thật, có khả năng thực hiện các động tác giống cảnh sát giao thông. Nó có thể thay thế hoặc hỗ trợ một phần cảnh sát giao thông trong việc điều tiết lưu thông, làm việc 24/24 giờ, bất chấp điều kiện thời tiết và môi trường.
2.
Robot cá (ĐH SPKT TP. HCM)
Robot cá có kích thước khoảng 35 cm x 70 cm x 110 cm, nặng 600 g, được điều khiển từ xa bằng sóng vô tuyến. Nó có thể bơi trong hồ bơi (môi trường nước trong và tĩnh) gần giống với cá thật, với tốc độ bơi khoảng 0,6 m mỗi giây, ở độ sâu tối đa khoảng 2 m, đồng thời thực hiện các động tác bơi lên, lặn xuống, chuyển hướng một cách nhịp nhàng.
3.
Xe lăn điều khiển bằng tay (ĐH Bách khoa Đà Nẵng)
Dùng tay bấm các nút điều khiển chế độ làm việc của xe và điều chỉnh cần điều khiển để xe chạy như ý người điều khiển.
4.
Máy phay tự động dùng CNC (ĐH Bách khoa Đà Nẵng)
Sau khi thiết kế chi tiết máy trên máy tính, máy tính sẽ tự động chuyển sang ngôn ngữ máy để tự động điều khiển máy CNC gia công chi tiết đã thiết kế.
5.
Máy gia công cơ khí tự động (ĐH Bách khoa Đà Nẵng)
Taymáy sẽ tự động đặt các phôi cần gia công vào các vị trí tiện, phay, taro để gia công sản phẩm theo yêu cầu
6.
Robot thám hiểm dưới nước (Học viện Kỹ thuật Quân sự)
Robot có thể di chuyển dưới nước sử dụng lực đẩy của động cơ.
Nó có thể ghi hình và chụp ảnh, ghi lại tọa độ của robot.
Robot được điều khiển thông qua cần điều khiển và máy tính.
7.
Robot tự hành kiểu Quadrotor (Học viện Kỹ thuật Quân sự)
Robot có thể di chuyển và bay lên nhờ 4 động cơ có gắn cánh quạt đối xứng
Robot được điều khiển từ xa bằng sóng RF
Sản phẩm đã dành giải:
- Giải nhì sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2009 Bộ Giáo dục và đào tạo
- Giải nhì Vifotech khối sinh viên năm 2009
8.
Xe lăn điều khiển bằng cử động của đầu (ĐH Công nghệ Sài Gòn)
Xe lăn tự động được điều khiển bằng đầu dành cho người bị liệt cả tứ chi
9.
Robot xếp hàng (ĐH Bách khoa TP. HCM)
Robot di chuyển bằng bánh xe theo các đường line định trước.
Robot có khả năng tiếp cận các khối hàng, tự động nhận biết vị trí và sắp xếp lại các khối hàng theo một thứ tự đã định trước (bài toán Blockworld).
Ngoài ra, robot được điều khiển từ xa bởi người dùng và có khả năng phản hồi kết quả về cho bộ điều khiển trong quá trình hoạt động
10.
Robot nhện – spider robot (ĐH Bách khoa TP. HCM)
Robot có 4 chân. Mỗi chân có 3 khớp cử động. Từ đó, robot có thể di chuyển tới lui, quay tại chỗ bằng cách cử động các khớp chân này.
Ngoài ra, robot cũng có thể di chuyển bằng bánh xe.
11.
Robot vượt chướng ngại vật và bắn pháo hoa (ĐH Lạc Hồng)
Robot có thể leo cầu thang, vượt các chướng ngại vật, di chuyển nơi địa hình gồ ghề, phức tạp, lồi lõm, không bằng phẳng … có thể hoạt động nơi môi trường nguy hiểm, nơi xảy ra cháy nổ.
Robot bắn pháo hoa (pháo giấy và pháo lửa) theo sự điều khiển của đạo diễn
Robot có thể nạp một lúc 9 quả pháo lửa và 4 quả pháo giấy.
Pháo hoa do robot bắn có thể cao đến 4.5m
12.
Robot điều khiển bằng giọng nói (ĐH Lạc Hồng)
Robot có thể hoạt động theo giọng nói của người điều khiển.
Mỗi lần thay người điều khiển thì chỉ cần dạy lại cho robot nhận biết được giọng người điều khiển.
Có thể điều khiển cho robot hoạt động hoàn toàn tự động theo chương trình đã lập trình sẵn.
Có thể điều khiển được 40 thiết bị cùng lúc.
Do chương trình VTV có triển lãm giới thiệu công nghệ tại các trường THPT trên địa bàn Tỉnh Đắc Lắc nên nhóm nghiên cứu đã cho robot hoạt động xây kim tự tháp Mankaura theo giọng nói điều khiển của con người nhằm giúp cho các em học sinh có thể hiểu rõ hơn về luật thi đấu Robocon 2010 đồng thời cũng minh họa cho sản phẩm có thể ứng dụng để điều khiển mọi thiết bị hoạt động như tắt mở đèn, tivi, radio, cửa, xe lăn cho người khuyết tật …