Gian lận click chuột (Click Fraud) là thuật ngữ để chỉ hành động dùng các phần mềm chuyên dụng hay nhân công giá rẻ nhấn liên tục vào một hay nhiều thanh quảng cáo (banner, logo, link…) trên mạng nhằm tạo ra thành công giả tạo của chiến dịch quảng cáo. Nói cách khác, các cú click chuột đó không tạo giá trị về kinh tế cho nhà quảng cáo mà chỉ phục vụ cho mục đích xấu của người nhấp chuột .
Gian lận click chuột xảy ra khi các băng nhóm tội phạm mạng sử dụng các mạng máy tính bị chiếm quyền điều khiển, còn được gọi là mạng máy tính ma (botnet), để click liên tục vào các quảng cáo trực tuyến.
Hoạt động gian lận này đang tăng nhanh khi các băng nhóm tội phạm mạng trên toàn cầu đẩy mạnh việc sử dụng các mạng botnet để chuyển các đồng tiền quảng cáo vào tay chúng. Trong 3 tháng đầu năm nay, khoảng 17% đến 29% số lượng click chuột vào các quảng cáo trực tuyến là gian lận, theo ước tính của Click Forensics và Anchor Intelligence, hai hãng hàng đầu trong lĩnh vực cung cấp công nghệ phát hiện gian lận quảng cáo hiện nay. Con số này tăng tương ứng là 15% đến 25% so với quý cuối cùng của năm 2009.
Ngoài cách dùng các mạng botnet, gian lận quảng cáo cũng có thể được thực hiện thủ công do chủ website thuê người click chuột hoặc có thể do các đối thủ cạnh tranh muốn làm lãng phí ngân sách quảng cáo trực tuyến của đối thủ.
Để kiếm tiền từ trò gian lận kích chuột, tội phạm có thể “đánh thuê” cho các website bán quảng cáo muốn tăng lượng click chuột một cách bất hợp pháp hoặc tự dựng lên các website để kiếm tiền từ các mạng cung cấp dịch vụ quảng cáo theo click chuột (pay per click) như dịch vụ AdWords và AdSense của Google hay Yahoo! Search Marketing của Yahoo.
Các mạng cung cấp dịch vụ quảng cáo theo click chuột đóng vai trò trung gian giữa hai nhóm: người quảng cáo và người đăng quảng cáo. Cứ mỗi cú click chuột, người quảng cáo trả tiền cho mạng cung cấp dịch vụ quảng cáo như Google và Yahoo, sau đó các mạng này sẽ chia lại một phần số tiền này cho website đăng quảng cáo.
Một tỷ lệ khá lớn các click gian lận được các công ty tìm kiếm và các doanh nghiệp quảng cáo lọc. Tuy nhiên, theo ước tính của hãng Anchor Intelligence, sự gia tăng lượng click chuột giả mạo hiện nay cũng mang về hàng trăm triệu USD mỗi năm cho tội phạm mạng.
Các công ty quảng cáo trong năm 2009 đã chi khoảng 14,2 tỷ USD cho các click chuột vào các quảng cáo trực tuyến, theo hãng nghiên cứu thị trường IDC. Trong số doanh thu đó, Google chiếm khoảng 55%, Yahoo khoảng 9% và 6% thuộc về Microsoft.
Với thị phần lớn như vậy, cả Google, Yahoo và Microsoft đều coi gian lận click quảng cáo là vấn đề rất nghiêm trọng, bởi nếu không loại trừ được hiện tượng này nó sẽ làm xói mòn lòng tin của người quảng cáo.
Google hiện cho phép các công ty quảng cáo giám sát các dạng click chuột gian lận. “Các khách hàng của chúng tôi đều được cung cấp số lượng click chuột chính xác mà chúng tôi đã lọc ra trong mỗi chương trình quảng cáo”, Rachel Nearnberg, người phát ngôn của Google nói.
Tuy nhiên, các chuyên gia công nghệ đều thừa nhận việc ngăn chặn click chuột giả mạo khó hơn là lọc thư điện tử rác (spam). “Thư rác chỉ tạo ra khoảng vài cent với mỗi 1.000 email gửi đi nhưng gian lận quảng cáo có thể tạo nhiều USD với mỗi 1.000 lượt click chuột”, Gunter Ollmann, giám đốc hãng bảo mật Damballa (Mỹ) nói vậy.
Theo Paul Pellman, giám đốc hãng Click Forensics, các chiến dịch gian lận click chuột bằng botnet tạo ra số lượng click chuột lớn hiện trở nên phổ biến. Người gánh chịu hậu quả từ hoạt động gian lận này chủ yếu là các công ty quảng cáo.
Theo ICTNews (Newsfactor)
Bình luận