Thuê bao di động không cẩn thận rất dễ bị mất tiền oan. Ảnh: Hoàng Hà.

Cư dân mạng đang rỉ tai nhau các mánh hack tiền trong tài khoản thuê bao di động của cả 3 mạng Viettel, MobiFone và VinaPhone. Chỉ cần một số thao tác nhỏ, hacker có thể dễ dàng kiếm được cả trăm nghìn đồng mỗi ngày.

"Tôi có cách này giúp các bạn hack tiền của các mạng di động hiện có tại Việt Nam. Đảm bảo thành công 100%. Không thành công cứ alo, tôi sẽ tặng các bạn cái thẻ" hay "Lấy tiền nhà mạng chứ gì, tại sao không, quá dễ dàng" hoặc "Tôi có thể giúp bạn kiếm tiền từ lỗ hổng của nhà mạng".

Những lời chào mời như thế này xuất hiện với tần suất dày đặc trên các trang web rao vặt, mua bán hay mạng xã hội ảo.

Hiện nay, cả ba hãng viễn thông VinaPhone, MobiFone và Viettel đều mở dịch vụ chia sẻ tài khoản cho khách hàng. Theo đó, các thuê bao di động trả trước đã sử dụng trong thời gian 180 ngày (6 tháng) của cả 3 mạng trên có thể chuyển tiền cho nhau bằng cách soạn tin nhắn và gửi tới tổng đài của nhà mạng. Tổng đài của nhà mạng sau khi tiếp nhận tin nhắn sẽ gửi mật gồm 8 chữ số cho chủ thuê bao. Chủ thuê bao có thể sử dụng mật khẩu này để chia sẻ số tiền có trong tài khoản của mình tới một thuê bao khác.

Thế nhưng, dịch vụ chia sẻ tài khoản đang tạo kẽ hở để một số người lợi dụng để hack tiền của các thuê bao di động khác. Một người có tên là Kiều Hạnh ở TP HCM chia sẻ trên diễn đàn mua sắm rằng, với công cụ trong tay, cô có thể hack tiền từ nhà mạng tới 4 lần trong một ngày. Số tiền cho 4 lần hack như vậy có thể lên tới hơn 200.000 đồng. Chỉ cần khách hàng làm theo hướng dẫn, đăng ký sử dụng dịch vụ của cô là có thể dễ dàng kiếm được tiền.

Theo công thức mà Hạnh tự nghĩ ra, muốn hack tiền, khách hàng bắt buộc phải sử dụng mật khẩu do cô tạo ra và trong tài khoản của khách phải có ít nhất 40.101 đồng. Hạnh khẳng định, cách làm của cô có thể áp dụng cho những người có nhu cầu hack tiền từ tài khoản thuê bao di động của cả 3 mạng VinaPhone, MobiFone và Viettel.

Trao đổi với bà Nguyễn Thu Hồng, Người phát ngôn của VinaPhone cho hay hãng chưa ghi nhận trường hợp khách hàng phản ánh bị mất tiền trong tài khoản từ chiêu hack tiền kể trên. Bà Hồng khẳng định: Đây là trò lừa đảo trên mạng Internet nhằm vào những người nhẹ dạ cả tin. Những hacker này đã dựa vào lệnh chuyển tiền của dịch vụ 2friends của VinaPhone để lừa đảo khách hàng.

Thủ thuật của các hacker là tự tạo ra một công thức chuyển tiền riêng sau đó dẫn dụ thuê bao di động làm theo hướng dẫn của họ, bao gồm các công đoạn như gửi tin nhắn đến tổng đài để lấy mật khẩu, đổi từ mật khẩu cũ sang mật khẩu mới của hacker. Sau đó, dùng mật khẩu mới tạo để chuyển tiền.

Theo bà Hồng, công thức mà các hacker tạo ra căn bản cũng phải thực hiện các bước chuyển tiền giống như các mạng di động đang áp dụng. Có điều, nếu tinh ý, khách hàng sẽ nhận thấy các hacker đã bí mật cài số thêm số tổng đài trung chuyển. Tổng đài này thực chất là một số thuê bao di động của chính hacker. Kết quả là, khi lệnh chuyển tiền được gửi đi, số tiền từ thuê bao của khách hàng đã tự động chuyển sang thuê bao của chính hacker đó.

"Như vậy, người bị thiệt là chính khách hàng chứ không phải là nhà mạng. Và người được lợi không ai khác chính là những người đã tạo ra công thức trên", bà Hồng nói.

VinaPhone khuyến cáo khách hàng nên cẩn trọng đối với những thông tin như trên. Do đó, khi phát hiện thấy có biểu hiện mời gọi chuyển tiền về một số máy không quen biết nào đó cần điện thoại ngay tới tổng đài của VinaPhone để hãng phối hợp xử lý.

Bà Hồng cũng lưu ý, khi khách hàng nhắn tin chuyển tiền bao giờ tổng đài cũng sẽ có tin phản hồi rằng số tiền, thời gian và số điện thoại mà khách đã chuyển tiền tới. "Do vậy, khi nhận được những tin nhắn như vậy, khách hàng cũng nên phản ánh tới tổng đài 18001091 để VinaPhone xử lý để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho khách hàng", bà Hồng cho biết thêm.

Theo VnExpress



Bình luận

  • TTCN (0)