“Một cửa điện tử”tại UBND quận Ngô Quyền (Hải Phòng)

Theo Báo cáo số 19/BC-BTTTT của Bộ TT&TT trình Chính phủ ngày 26/4/2010 về đánh giá việc xây dựng và vận hành của Chính phủ điện tử, đến nay Việt Nam đang có những bước tiến mạnh trong ứng dụng CNTT.

Bước tiến khả quan

Tính đến cuối tháng 4/2010, hệ thống tổ chức chỉ đạo, điều hành ứng dụng và phát triển CNTT đã được kiện toàn, bao gồm: Ban Chỉ đạo Quốc gia về CNTT, Ban Điều hành triển khai công tác ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước và Ban Chỉ đạo CNTT của các Bộ, tỉnh; Hệ thống các cơ quan chuyên trách về CNTT các Bộ, Ngành, các Sở TT&TT địa phương.

Cùng đó, hạ tầng kỹ thuật CNTT đã được xây dựng đảm bảo triển khai các ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước. Mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng và Nhà nước dự kiến quý III/2010 sẽ kết nối tới tất cả các đơn vị cấp huyện và các Sở, ban ngành. Đến tháng 4/2010, có khoảng 85% cán bộ, công chức tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ và 55% cán bộ, công chức tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được trang bị máy tính làm việc; 85% các cơ quan hành chính nhà nước thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã kết nối mạng nội bộ LAN, Internet.

Hiện nay, 85% cán bộ, công chức tại các Bộ và 78% tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có khả năng sử dụng máy tính phục vụ công việc. Tỷ lệ cán bộ, công chức được cung cấp hộp thư điện tử sử dụng trong công việc tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đạt trung bình từ 80 - 90%; các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương là 70 – 80%. Đáng lưu ý, việc ứng dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành được triển khai rộng khắp: các Bộ, cơ quan ngang Bộ tính đến cấp đơn vị trực thuộc đạt tỷ lệ 90%; các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương tính đến cấp Sở, ban, ngành, quận huyện đạt 39%.

Cùng đó, 20/22 Bộ, cơ quan ngang Bộ đã có trang hoặc Cổng thông tin điện tử (trừ 2 Bộ có tính chất đặc thù là Bộ Công an, Bộ Quốc phòng); 62/63 tỉnh, thành phố đã có trang hoặc cổng thông tin điện tử (trừ Đắc Nông) với khoảng 5.700 thủ tục hành chính được công bố công khai…, cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp. Ngoài ra, mô hình “một cửa điện tử” đã được triển khai thành công tại nhiều địa phương cấp phường, huyện (như tại Hải Phòng, Hà Nội…), góp phần giải quyết hạn chế những bức xúc, vướng mắc của người dân trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính, đặc biệt là trong những vấn đề “nóng” như đất đai, xây dựng, đăng ký kinh doanh…

Về hệ thống thông tin chuyên ngành, hiện nay hệ thống có quy mô quốc gia cũng đã được triển khai thành công như hệ thống thông tin liên ngân hàng, tài chính, hải quan, thuế (năm 2009 đã có tới 6 triệu mã số thuế thu nhập cá nhân được cấp qua mạng trực tuyến); nhiều cuộc họp của Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương đã được ứng dụng hội nghị truyền hình, dần tạo nền tảng để hình thành Chính phủ điện tử.

Ảnh
Tập huấn ứng dụng CNTT cho cán bộ cấp tỉnh tại Lai Châu.

Rào cản “thiếu văn bản hướng dẫn”

Tuy nhiên, việc phát triển ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước cũng còn gặp nhiều tồn tại cần được giải quyết cấp bách, như: Việc ứng dụng CNTT trong nội bộ cơ quan Nhà nước chủ yếu ở quy mô nhỏ, ứng dụng phục vụ người dân còn hạn chế, các trang thông tin điện tử chủ yếu mới cung cấp thông tin, chưa đưa ra nhiều ứng dụng cho phép nộp hồ sơ xin cấp phép, đăng ký qua mạng… Nhìn nhận thẳng thắn, bản Báo cáo cũng chỉ rõ nguyên nhân của những hạn chế đó là việc ứng dụng tại nhiều nơi còn chạy theo phong trào, không bám sát nhu cầu thực tế, nhiều cán bộ lãnh đạo các cấp chưa thực sự gương mẫu, cán bộ công chức chưa có thói quen sử dụng thư điện tử trong công việc…

Đáng lưu ý, cho đến nay các văn bản pháp lý quy định riêng cho quản lý đầu tư ứng dụng CNTT còn rất thiếu trong thời gian dài, đặc biệt là quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật, gây cản trở trong việc triển khai các dự án ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước.

Ngày 6/11/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 102/2009/NĐ-CP về quản lý ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước và một số văn bản hướng dẫn của Bộ TT&TT (như Công văn số 3364/BTTTT-ƯDCNTT hướng dẫn xác định phần mềm). Tuy nhiên, việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thực thi Nghị định số 102 vẫn chưa hoàn thành, đặc biệt là vấn đề xác định chi phí thuộc tổng mức đầu tư, tổng dự toán, hình thức quản lý dự án và mức chi phí quản lý dự án, khiến việc đưa Nghị định vào cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn.

Theo ICTNews



Bình luận

  • TTCN (0)