Trước ý kiến cho rằng Nguyễn Đức Nghĩa bị ảnh hưởng quá nhiều bởi game online trong hành vi phạm tội của mình, cộng đồng game thủ đã có những phản hồi khá gay gắt. Chúng tôi xin được giới thiệu bài viết của bạn SEV, game thủ Đặc Nhiệm Anh Hùng về vấn đề này.
Những ngày gần đây, dư luận xã hội đang rất phẫn nộ với hành vi giết người dã man của kẻ sát nhân Nguyễn Đức Nghĩa. Trong lúc mọi người xôn xao bàn tán, lý giải tại sao một kẻ trí thức, được học hành tử tế mà có thể ra tay tàn độc đến vậy thì một tờ báo điện tử lại cho rằng tội lỗi kinh người ấy được bắt nguồn từ game online. Tôi cảm thấy thật buồn với cách nhìn nhận ấy. Không lẽ mọi hành động sai lầm của người trẻ đều vì game online, vì những trò chơi vô tri ấy?
Tôi làm quen với Đặc Nhiệm Anh Hùng (Special Force), trò chơi trực tuyến dưới góc nhìn của người thứ nhất đầu tiên tại Việt Nam, đến nay cũng đã hơn hai năm. Thời gian không quá dài nhưng đủ để tôi thấm thía nhiều bài học tình người quý giá từ trò chơi luôn bị mọi người đóng “mác” là bạo lực này.
Nhờ Đặc Nhiệm Anh Hùng mà tôi quen được những người bạn, người anh em tốt. Tuổi mới lớn, tôi luôn bị ám ảnh bởi cảm giác thiếu thốn tình thương vì bố mẹ quá bận rộn với công việc kinh doanh, buôn bán để mình tôi cô đơn trong căn nhà rộng rãi: những sinh nhật một mình, không lời chúc, không lời hỏi thăm; những lúc mệt mỏi, cô độc trong vẻ tĩnh mịch, im ắng của ngôi nhà,…Khóc, buồn, hờn, dỗi,… đều không mang lại cho tôi những câu nói yêu thương của mẹ, lời dạy dỗ ân cần của cha như tôi mong muốn. Ngược lại, tôi chỉ nhìn thấy mẹ tôi thở dài, khóc lóc vì buồn bã và cha tôi gào thét, quát mắng vì thất vọng. Tôi trở nên lầm lì, xa cách, căm ghét chính mình, hờn giận mọi người.
Tham gia vào thế giới Đặc Nhiệm Anh Hùng, tôi thả lòng mình cùng những lời tán gẫu, vui đùa thân thiết với những chiến hữu mà tôi chưa từng gặp ngoài đời bao giờ. Nỗi buồn trĩu nặng, sự chán chường, cuộc sống bế tắc của tôi cũng dễ dàng thổ lộ hơn. Họ, những người bạn trong game của tôi, hàng ngày vẫn dành 1 – 2 tiếng để tỉa tót mỗi đường ngắm súng, mỗi lúc bấm cò, luyện tập để mong trở thành “thiện xạ”, để cười ha hả đầy sảng khoái khi hạ được đối phương.
Nhưng họ cũng chính là những người lắng nghe và an ủi khi một thành viên nào đó có chuyện không vui. Trên bản tin chung của Clan, thông tin về ngày sinh nhật của mỗi cá nhân được đặt ở vị trí trang trọng nhất để bảo đảm không ai lẻ loi trong ngày kỷ niệm của mình, để những lúc ai đó có chuyện hỉ hay bi đều có người chia sẻ, để cùng nhau nhân thêm niềm vui, sẻ bớt nỗi buồn. Ngày tôi luyện thi đại học, họ chính là người chủ động “kick out” tôi ra khỏi game và nhắc nhở tôi phải chuyên tâm học bài.
Họ là người “lôi” tôi ra khỏi bộ phim kiếm hiệp yêu thích để thông báo cho tôi kết quả thi của chính mình. Họ là người đã thay phiên nhau đến cùng tôi chăm sóc mẹ mình khi bà nằm viện phẫu thuật. Họ là người đứng ra kêu gọi anh em thực hiện những chuyến “hành quân” ý nghĩa đến chăm sóc trẻ mồ côi, giúp đỡ người khuyết tật,… giúp cho một thằng “công tử bột” sầu đời như tôi nhận ra ý nghĩa thực sự của cuộc sống và hạnh phúc.
Đó là chân dung game thủ chân chính. Họ “cày” game, yêu thích những cảm giác mà trò chơi mang lại nhưng họ cân bằng được giữa thực và ảo, mang cái đẹp tình người vào “không gian chết” của game để tạo thành một cộng đồng online đầy yêu thương, chia sẻ, có trách nhiệm.
Hơn 30% thành viên trong Clan của tôi có công ăn việc làm ổn định, 35% đang là sinh viên cao đẳng, đại học, số còn lại tuy không phải là cá nhân xuất sắc hay điển hình tiên tiến nhưng cũng đang lao động, học tập để góp sức xây dựng tương lai. Trong hơn 10 triệu game thủ Việt Nam hiện nay, có bao nhiêu người là ngôi sao, tiến sĩ, giáo viên, kỹ sư xuất sắc có nhiều đóng góp cho xã hội; có biết bao game thủ thầm lặng tổ chức các hoạt động tình nguyện cứu giúp đồng bào nghèo khó; biết bao game thủ vẫn là con ngoan trò giỏi nhưng sao chưa một lần được điểm mặt gọi tên.
Chúng tôi đọc trên báo chỉ thấy thông tin về kẻ này người nọ lừa đảo, cướp bóc, giết người,… là những người đã từng chơi game online. Xin hãy đừng mang con sâu để làm “rầu” cả nồi canh, đừng mang một vài hiện tượng cá biệt để quy chụp, đánh giá cả một cộng đồng. Xin đừng đổ mọi tội lỗi lên đầu game online, xin trả về ý nghĩa nguyên thủy của game là trò chơi giúp con người thư giãn để học tập, làm việc tốt hơn.
Q.B - M.Đ
Bình luận
Gần nhà em ở dưới quê, có đứa con trai hơn 20 tuổi chặt đứt đầu của mẹ ruột, bầm nát, moi óc.... Cậu này vốn rất có hiếu, con hiệu trưởng trường cấp II, học giỏi, ngoan. Từ khi lên học đại học (hay cao đẳng gì đó quên rồi) bị nghiệm Game rồi chuyển sang tâm thần luôn, suốt ngày nói thèm thịt người. Nhà đưa đi điều trị một thời gian, bớt bớt mới đem về nhà nuôi, bệnh tái phát thế là...
Chuyện kể hơi rùng rợn nhưng là sự thật, thấy không hợp anh Nam xóa hộ em.
cho địa chỉ nơi gây ra tai nạn đó đi, sẽ có người đi làm chứng. Nói thế chả khác gì bốc phét lên tận mây xanh.
Đừng đổ tại hoàn cảnh
Sông có khúc, người có lúc...
Lấy 1 ví dụ ngày bé khi ta ngã, bố mẹ thường đánh xuống đất, cái ghế, cái bàn và đổ tội cho nó làm mình ngã...
Lớn hơn 1 chút, làm đổ lọ hoa, mình đổ tại con mèo, hoặc thằng em nhỏ tuổi chưa biết nói, chỉ để tránh bị mắng, bị đòn
.......
Không phải tất cả, nhưng người Việt Nam từ lâu đã bị ăn sâu vào máu cái tính đổ tội, đổ thừa cho tất cả những gì không có khả năng phản kháng.
Thật là nực cười khi giờ đây mọi người có thể đổ lỗi cho game online vì 1 tên giết người máu lạnh... Còn những tội vạ gì mà game online phải nhận nữa đây..?
Con dao để mổ cứu người, cũng có thể lấy đi mạng sống 1 cách dễ dàng, tuỳ mục đích!