Cùng hợp tác, liên danh thi tuyển và giành được tấm giấy phép cung cấp dịch vụ công nghệ 3G, thế nhưng, đến hẹn cam kết với Bộ TT&TT, chỉ có EVN Telecom đã chính thức ra mắt dịch vụ 3G vào hôm kia (9/6). Còn Hanoi Telecom vẫn là một ẩn số.

3G không dễ… ăn!

Vậy là sau nhiều nỗ lực triển khai hạ tầng, mạng lưới, EVN Telecom đã bước chân vào thị trường cung cấp dịch vụ 3G. Nhà mạng đã mạnh dạn cung cấp ngay tới 9 dịch vụ gia tăng cho khách hàng.

Mạng 3G mà EVN Telecom cung cấp là một mạng được đầu tư mới hoàn toàn. Có nhiều ý kiến cho rằng, đây là một sự… chịu chơi của Tập đoàn Điện lực EVN khi bỏ ra một khoản tiền đầu tư không hề nhỏ cho 3G. Bởi, doanh nghiệp khó có thể kì vọng vào việc sẽ sớm đạt doanh thu hiệu quả chứ đừng nói tới việc thu hồi vốn bỏ ra trong một vài năm tới từ việc cung cấp dịch vụ 3G.

Thế nhưng, cũng không thể phủ nhận những nỗ lực rất lớn của EVN Telecom ở thời điểm này. Đặc biệt là khi doanh nghiệp lại “đơn thương độc mã” cung cấp dịch vụ trong khi đối tác đồng sở hữu tấm giấy phép 3G là Hanoi Telecom chưa có một động thái gì cho thấy họp sẽ tham gia triển khai cung cấp dịch vụ trong thời gian tới.

Theo phân tích của các chuyên gia, việc Hanoi Telecom chưa và thậm chí là không có ý định triển khai mạng 3G ở thời điểm này là điều rất dễ hiểu. Bởi trong khi còn phải chật vật giành thị phần, người dùng mạng 2G thì chả dại gì chủ quản của mạng Vietnamobile lại tính đến chi tiền lên tới ngàn tỉ để cung cấp 3G.

Đã vậy, việc không triển khai 3G của Hanoi Telecom cũng có thể không phải lo tới chuyện bị Bộ TT&TT phạt không thực hiện đúng cam kết vì trên thực tế, đồng chủ sở hữu tấm giấy phép 3G liên danh này là EVN Telecom cung cấp dịch vụ rồi còn gì.

Thêm một lí do nữa khiến Vietnamobile dửng dưng với 3G có lẽ bởi đã nhìn thấy hiệu quả kinh doanh dịch vụ 3G của ba doanh nghiệp đi trước là VinaPhone, MobiFone và Viettel. Mặc dù không phủ nhận những gì dịch vụ 3G đem lại cho người dùng, song với bản thân doanh nghiệp, sau thời gian cung cấp, nhà mạng đã không đạt được doanh thu như kì vọng.

Hiện số thuê bao mà 3 mạng VinaPhone, Viettel và MobiFone còn khá khiêm tốn. Đúng ra, đó không phải chính thức là thuê bao mạng 3G mà đúng hơn là số lượng thuê bao đã từng sử dụng dịch vụ công nghệ 3G là khoảng 14 triệu.

Hút khách hàng sử dụng 3G: Cách nào?

Thêm một lần nữa, câu hỏi được đặt ra, hướng đi nào cho doanh nghiệp để có thể cung cấp dịch vụ 3G hiệu quả tại Việt Nam?

Đã đổ lỗi nhiều cho việc nội dung các dịch vụ 3G mà nhà mạng cung cấp hiện giờ còn quá nghèo nàn, thế nhưng theo chuyên gia của Ericsson, Việt Nam mới phổ biến 3G. Kinh nghiệm các nước Châu Âu, Mĩ cho thấy một trong những yếu tố để thúc đẩy sự phát triển của 3G chính là việc xuất hiện các dòng điện thoại mới.

Chuyên gia của Ericsson cho rằng, những thương hiệu máy đầu cuối như Android Phone, Smartphone, iPhone, các thiết bị kết nối không dây Dongles, USB chính là yếu tố kích cầu người dùng hiệu quả. Người ta tính được khoảng 70 - 80% lưu lượng 3G là do các dòng Smartphone tạo ra.

Một thực tế khác đó là khách hàng không quan tâm đến công nghệ đằng sau dịch vụ. Chuyên gia Ericsson minh hoạ, Trung Quốc có 3 chuẩn 3G tuy nhiên người sử dụng không bị ảnh hưởng vì sự khác biệt về công nghệ mà họ tận hưởng các dịch vụ.

Trước thực tế các mạng di động Việt Nam đang triển khai 3G nhưng số lượng người dùng 3G chưa nhiều, làm thế nào để kích cầu thị trường 3G tại các thị trường chủ yếu là thoại. Câu trả lời được chuyên gia của Ericsson đưa ra đó là ngay tại Thụy Điển, giai đoạn đầu của 3G cũng có sự dè dặt.

“Nhưng chính công nghệ HSPA đảm bảo chất lượng đối với các dịch vụ cung cấp do vậy các nhà mạng nên cung cấp một gói cước trọn gói trong đó người dùng được tự do trải nghiệm mà không phải quan tâm tới mức chi phí tính theo từng lượng dữ liệu sử dụng” - chuyên gia của Ericsson nói.

Theo VnMedia.




Bình luận

  • TTCN (0)