Những người mới chơi thường không đánh giá cao vai trò của ánh sáng trong quá trình tạo nên một bức ảnh. Ánh sáng quyết định các thông số thiết lập trên máy như: tốc độ cửa trập, khẩu độ và ISO.
Cùng với sự phát triển như vũ bão của khoa học, các thế hệ máy ảnh mới ngày càng “thông minh” lên. Những thao tác tinh chỉnh phức tạp bằng tay giờ đây có thể được tự động căn chỉnh bằng thuật toán trong máy. Công việc của con người nhiều khi chỉ đơn giản là... ngắm và chụp (point and shoot). Tuy nhiên, không phải cứ để cho máy quyết định hay nắm rõ kĩ thuật chụp là có được những bức ảnh hoàn hảo.
Ánh sáng còn quyết định cách bố cục các đối tượng trong ảnh và thời khắc bấm máy. Bạn có thể cho rằng, một nhiếp ảnh gia giỏi luôn biết cách tạo nên những bức hình đẹp bất kể là lúc ban trưa, bình minh hay hoàng hôn. Tuy nhiên, nếu đã là một tay máy "có hạng", chẳng ai dại làm khó bản thân bằng cách "thách thức" với những điều kiện ánh sáng phức tạp.
Một bức ảnh chân dung đơn thuần chụp vào giữa trưa nắng thường không lột tả hết vẻ đẹp của đối tượng cũng như mối liên hệ với môi trường xung quanh. Khi ánh sáng gắt hắt mạnh từ trên xuống, mặt người sẽ tối đi trông thấy. Trong trường hợp này, hầu như không còn khái niệm "phơi sáng chuẩn". Muốn đối tượng chính sáng hơn, bạn buộc phải nâng thời gian mở cửa trập. Hậu quả là các mảng hậu cảnh phía sau sẽ bị "cháy" nghiêm trọng tạo nên những mảng loang lổ rất nghịch mắt. Ngược lại, muốn hậu cảnh đỡ "cháy", bạn sẽ phải giảm tốc độ màn trập. Mặt đối tượng lúc này lại thiếu sáng.
Tối ưu hóa dải tương phản bằng thuật toán trong máy hay sử dụng phần mềm xử lí ảnh có lẽ là giải pháp hợp lí, nhưng không phải lúc nào cũng áp dụng được. Hiện tượng trên cũng hay gặp khi chụp ảnh phong cảnh có nhiều khu vực tương phản cao như bầu trời - tòa nhà, sân nắng - bóng cây...
Một chiếc máy ảnh dù là đơn giản nhất vẫn có thể cho ảnh đẹp nếu điều kiện chiếu sáng hợp lí. Với dân chơi ảnh già dặn kinh nghiệm, thời khắc bấm máy lí tưởng trong ngày thường vào khoảng một đến hai giờ sau bình minh hoặc hoàng hôn. Ở các nước Đông Nam Á, “khung giờ vàng” là lúc 6h30 - 8h30 sáng và 5 - 6h30 chiều.
Có ba lí do để bạn nên tập "bắt hình" vào thời điểm này:
- Ánh sáng chiếu xiên giúp nhấn mạnh hình dạng và kết cấu vật thể, gây hiệu ứng đổ bóng và tạo ra những mảng tương phản tự nhiên.
- Ánh nắng ấm hơn so với buổi trưa, các màu sắc hiện lên rực rỡ và tươi tắn. Ngoài ra, cân bằng trắng của máy thường làm việc tốt nhất vào thời điểm này khiến ảnh đỡ bị xỉn hay ngả lạnh.
- Ánh sáng đỡ gắt hơn buổi trưa, do đó, các mảng giao giữa tiền cảnh và hậu cảnh mềm hơn, ít khi xảy ra hiện tượng cháy sáng.
Ngoài ra, việc di chuyển và chụp ảnh vào "khung giờ vàng" thường đỡ vất vả, đặc biệt là vào những ngày hè nắng chói chang.
Khi đã chọn được thời điểm phù hợp, bạn còn phải quan tâm đến thời khắc chính xác để bấm máy. Lấy hai ảnh trên làm ví dụ, mặc dù thời khắc bấm máy chỉ chênh 18 giây song hiệu quả nhấn mạnh của mỗi bức lại khác hẳn nhau. Ở đây, không so sánh xem ảnh nào đẹp hơn mà chỉ đi vào phân tích mục đích của tác giả trong việc vận dụng ánh sáng. Nếu muốn một bức ảnh với ánh sáng khuếch tán đều, các vùng giao không quá sắc cạnh và độ tương phản thấp, nên chụp vào lúc trời có mây hoặc nắng nhẹ. Ngược lại, nếu muốn ảnh có điểm nhấn ở cách đổ bóng, độ tương phản cao, các chi tiết sắc nét, bạn hãy chụp vào lúc nắng chiếu xiên, cường độ sáng mạnh.
Nghệ thuật nhiếp ảnh coi trọng yếu tố thiết bị. Tuy nhiên, chụp thứ gì và chụp như thế nào lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Nếu kiểm soát tốt các yếu tố ảnh hướng đến ảnh (trong đó có ánh sáng), bạn vẫn có thể thu được những bức hình đẹp dù trong tay chỉ có chiếc điện thoại chụp ảnh rẻ tiền.
Theo Số hoá.
Bình luận