Microsoft Windows Azure và Amazon Elastic Compute Cloud (EC2) là hai nền tảng công nghệ điện toán đám mây hoàn toàn khác nhau, tuy nhiên theo thời gian hai nền tảng này sẽ phát triển theo hướng gần giống nhau hơn. Đó là nhận định của Tim O'Brien, giám đốc cao cấp Microsoft's Platform Strategy Group, trong một hội thảo gần đây về điện toán đám mây được tổ chức bởi IDC và IDG Enterprise.

Hiện tại Windows Azure cung cấp điện toán đám mây dưới dạng “nền tảng như là một dịch vụ” (Platform as a Service – PaaS) bằng cách tạo ra những nền tảng giúp cho các lập trình viên có thể dễ dàng và nhanh chóng xây dựng cũng như triển khai các ứng dụng web trên đó. Trong khi đó dịch vụ điện toán đám mây EC2 của Amazon lại dưới dạng “hạ tầng như là một dịch vụ” (Infrastructure as a Service - IaaS), tập trung vào dịch vụ cung cấp các máy tính ảo và cho phép người dùng tùy biến trên các máy ảo đó.

Với mô hình hiện nay Azure của Microsoft giúp đơn giản hóa việc xây dựng các ứng dụng web, trong khi các máy ảo trong mô hình EC2 của Amazon lại phát huy lợi thế trong nhiều mô hình ứng dụng. Tim O'Brien dự đoán rằng Microsoft sẽ dần chuyển qua mô hình “hạ tầng như là một dịch vụ” (IaaS) còn Amazon cũng sẽ phát triển rộng ra với hướng “nền tảng như là một dịch vụ” (PaaS).

Nhưng cái gì cũng có 2 mặt của nó. Lý do mà nhiều người thích IaaS là bởi vì bạn có thể sử dụng bất cứ ngôn ngữ lập trình nào, sử dụng bất kì công cụ, nền tảng nào bạn muốn trên các máy ảo của EC2. Nếu ứng dụng phát triển cho Windows bạn có thể sử dụng máy ảo chạy Windows, ứng dụng cho Linux bạn có thể sử dụng máy ảo Linux. Tuy nhiên vấn đề là ở chỗ các công việc phát sinh mà bạn phải thực hiện. Bạn phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về các máy ảo giống như các máy tính thật mà bạn đang dùng. Từ việc bật, tắt đến việc cài đặt cấu hình, update, nâng cấp. Một ví dụ đơn giản nếu như bạn đang dùng máy ảo Linux và Redhat vừa công bố một số bản vá lỗi cho hệ điều hành này thì bạn sẽ phải tự download và cài đặt các bản vá này. Nhà cung cấp dịch vụ không làm thay cho bạn.

Cũng giống như trên, Windows Azure bên cạnh lợi ích rất dễ nhận thấy là sự tiện lợi nhanh chóng và dễ dàng trong việc xây dựng và triển khai ứng dụng web còn có một khó khăn lớn mà mô hình này phải đối mặt là việc di trú dữ liệu từ nền tảng hiện tại sang nền tảng đám mây.

Microsoft vừa mới công bố rằng trong khoảng 12 tháng tới họ sẽ cung cấp dịch vụ máy ảo cho phép người dùng chạy ứng dụng trên đó. Như vậy bên cạnh Windows Azure với PaaS họ đã chính thức “lấn sân” sang IaaS. Còn Amazon bên cạnh dịch vụ cho thuê các máy ảo Linux, Windows, hãng dịch vụ web này hiện cũng đang cung cấp khá nhiều các công cụ hữu ích cho các nhà lập trình bao gồm các công cụ về cơ sở dữ liệu, về dịch vụ chỗ chứa và về cân bầng tải (load balancing).

Nhận xét về xu hướng này O'Brien cho rằng vấn đề không phải là ai sẽ tốt hơn ai, bởi cho dù hướng đi của hai bên có gần giống nhau nhưng dịch vụ mà hai bên cung cấp vẫn rất khác nhau. Ông cũng cho rằng những gì chúng ta sẽ thấy trên thị trường là sự hội tụ của hai nền tảng PaaS và IaaS. Những nhà cung cấp dịch vụ hạ tầng như Amazon sẽ dần chuyển qua cung cấp cả nền tảng nữa, và những nhà cung cấp dịch vụ nền tảng như Microsoft cũng sẽ cung cấp một số thứ giống như là dịch vụ hạ tầng. Bởi sự hội tụ này sẽ giúp cho việc chuyển sang sử dụng công nghệ điện toán đám mây được thực hiện dễ dàng hơn.

Theo PC World



Bình luận

  • TTCN (0)