Ngành điện Việt Nam đang ứng dụng một phần của lưới điện thông minh ở khâu truyền tải - đó là các trạm biến áp thông minh. Ảnh Nguyễn Minh

Xây dựng hệ thống lưới điện thông minh (Smart grid) đang là xu hướng công nghệ nhiều quốc gia triển khai để đối phó với sự thiếu hụt năng lượng và sự nóng lên toàn cầu. Việt Nam có thể tham gia như thế nào vào xu hướng công nghệ này?

Nhiều nước chi tiền tỉ cho lưới điện thông minh

Lưới điện thông minh được hiểu là hệ thống cung cấp điện có khả năng liên lạc hai chiều cho phép các công ty điện lực cũng như các hộ gia đình và doanh nghiệp điều chỉnh việc sử dụng điện dựa trên nhu cầu. Với người sử dụng, hệ thống lưới điện thông minh có thể giúp họ tối ưu việc sử dụng điện, giảm tiền trên hóa đơn hàng tháng nhờ khả năng nhận biết mức độ sử dụng điện hàng ngày cũng như đặt lịch tự động sử dụng thiết bị như máy giặt vào giờ thấp điểm. Với các công ty điện lực, hệ thống lưới điện thông minh giúp họ quản lí hệ thống điện lưới tốt hơn, cải thiện độ tin cậy của hệ thống và hạn chế thất thoát điện.

Chính vì vậy, nhiều nước trên thế giới đang quyết tâm đầu tư hàng tỉ USD để xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, trong đó đi đầu là Mỹ, Hàn Quốc, Canada, Australia, Trung Quốc và các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, việc triển khai lưới điện thông minh hiện nay mới đang ở giai đoạn thử nghiệm và thống nhất các tiêu chuẩn công nghệ. Ước tính, thế giới hiện có gần 800 chuẩn công nghệ khác nhau liên quan đến lưới điện thông minh.

Sau khi lên nắm quyền, tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố đầu tư 4,7 tỉ USD hỗ trợ ngành điện nước này ứng dụng công nghệ lưới điện thông minh nhằm cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm lệ thuộc vào nhập khẩu dầu từ nước ngoài. Số tiền đầu tư này dự kiến sẽ gồm việc lắp đặt 18 triệu công tơ điện thông minh cho 13% số hộ gia đình ở Mỹ. Chưa biết khi nào nước Mỹ sẽ hoàn thành các dự án lưới điện thông minh.

Nhưng chính quyền bang Califonia thông báo sẽ hoàn tất hệ thống lưới điện thông minh kết nối khoảng 600.000 người dân ở bang này vào tháng 3/2011. Trước đó, chính phủ Mỹ đã thông qua luật năng lượng với kế hoạch đầu tư 11 tỉ USD để xây dựng hệ thống lưới điện thông minh. Theo tính toán của Bộ Năng lượng Mỹ, hệ thống lưới điện thông minh có thể tiết kiệm cho nước Mỹ từ 46 đến 117 tỉ USD trong vòng 20 năm tới.

Ở khu vực châu Á, Hàn Quốc đã khởi động dự án thí điểm triển khai lưới điện thông minh trị giá 65 triệu USD tại đảo Jeju với sự tham gia của các công ty bản địa. Dự án này được triển khai từ năm 2009 và dự kiến sẽ kết thúc vào năm 2013. Trong dự án này, Hàn Quốc đặt mục tiêu xây dựng hệ thống lưới điện thông minh kết nối 6.000 hộ gia đình.

Ngoài mục tiêu xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, dự án này còn là cơ hội để Hàn Quốc thử nghiệm những kết quả nghiên cứu mới và thiết lập các chuẩn công nghệ nhằm đưa nước này trở thành người quốc gia đi đầu trong ngành công nghiệp lưới điện thông minh. Chính phủ Hàn Quốc cũng đã tuyên bố sẽ triển khai hệ thống lưới điện thông minh trên toàn quốc vào năm 2030 với mục tiêu cắt giảm 10% tiêu thụ năng lượng, giảm 41 triệu tấn khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Đầu tháng 6 vừa qua, chính phủ Australia đã đầu tư 100 triệu USD để xây dựng hệ thống lưới điện thông minh đầu tiên tại thành phố Newcastle ở bang New South Wales. Theo tính toán của Australia, triển khai hệ thống lưới điện động thông minh ở nước này có thể cắt giảm 3,5 triệu tấn khí thải carbon mỗi năm.

Trong khi đó, từ năm 2005, EU đã đưa ra sáng kiến xây dựng nền tảng công nghệ lưới điện thông minh chung cho khu vực này làm cơ sở hình thành các hệ thống lưới điện thông minh ở châu Âu vào năm 2020.

Dù là nước đang phát triển, Trung Quốc cũng tham vọng xây dựng hệ thống lưới điện thông minh. Tháng 5/2009, Trung Quốc đã công bố kế hoạch khung về triển khai hệ thống lưới điện thông minh, trong đó thời gian đầu sẽ tập trung vào cải thiện khâu truyền tải của hệ thống điện lưới quốc gia.

Việt Nam có cần ứng dụng lưới điện thông minh?

Yêu cầu cung cấp và sử dụng năng lượng hiệu quả luôn là vấn đề bức thiết của mọi quốc gia và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Đặc biệt, nhu cầu điện ở Việt Nam đang tăng nhanh do áp lực từ tăng trưởng kinh tế trong khi đầu tư xây dựng nhà máy điện mới không theo kịp.

Tốc độ sử dụng điện ở Việt Nam đang tăng cao hơn nhiều so với tăng trưởng kinh tế. Trung Quốc được coi là công xưởng của thế giới nhưng tốc độ tăng trưởng sử dụng điện cũng họ chỉ tăng 1,1 đến 1,2 lần tăng GDP. Trong khi đó, theo thống kê của EVN, tốc độ sử dụng điện của Việt Nam trong vài năm gần đây tăng đều từ 14-15% mỗi năm so với tăng trưởng GDP chỉ có 6%.

Hơn nữa, so với viễn thông, ngành điện lực đang rất lạc hậu. Người dùng điện không biết được hàng ngày họ dùng hết bao nhiêu KWh điện. Nói cách khác, thông tin giữa người bán và người mua chỉ là thông tin một chiều, không hoàn toàn minh bạch.

Ảnh
Công ty ATS nghiên cứu xây dựng các giải pháp cho lưới điện thông minh.

Chính vì vậy, theo ông Trần Anh Thái, Phó Tổng Giám Đốc Công ty TNHH Hệ thống kĩ thuật ứng dụng (ATS), đơn vị đạt giải thưởng Sao Khuê 2010, ứng dụng lưới điện thông minh đang là nhu cầu bức thiết với ngành điện hiện nay.

“Một điểm quan trọng của hệ thống lưới điện thông minh là cho phép người sử dụng và người bán hàng thân thiện hơn, có thể trao đổi thông tin hai chiều”, ông Thái nói. “Khi có nhiều thông tin hơn, người dùng, người bán và cả người làm chính sách sẽ có biện pháp sử dụng điện hiệu quả hơn”.

Theo điều tra của chính phủ Mỹ, khi khách hàng có thể giám sát được việc sử dụng điện của mình thì họ có xu hướng giảm mức tiêu thụ điện từ 5-10%.

Với các công ty điện lực, xây dựng hệ thống lưới điện thông minh có thể độ cải thiện sự ổn định của hệ thống và tiết kiệm được tổn thất phi kĩ thuật như thất thoát điện do hiện tượng ăn cắp, hư hỏng hoặc bất thường của bộ đếm… Một số thống kê ước tính ứng dụng điện lưới thông minh có thể giảm thất thoát điện khoảng 30-40%.

Cần sự quyết tâm của chính phủ

Lưới điện thông minh là hệ thống bao gồm các lĩnh vực: nguồn điện, truyền tải, phân phối, khách hàng, vận hành hệ thống, vận hành thị trường và cung cấp dịch vụ. Trong đó, theo ông Nguyễn Đức Cường, Phó Tổng Giám Đốc Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (đơn vị thành viên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam – EVN), ngành điện Việt Nam đang ứng dụng một phần của lưới điện thông minh ở khâu truyền tải - đó là sử dụng các trạm biến áp thông minh.

Ông Cường cho biết Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia đang xây dựng dự án ứng dụng lưới điện thông minh trị giá khoảng 30 triệu USD từ nguồn vốn Quĩ phát triển công nghệ sạch (CTF) của Ngân hàng Thế giới (WB) để cải thiện độ tin cậy của hệ thống truyền tải điện quốc gia. Dự án này dự kiến sẽ được khởi động vào năm tới.

Tuy nhiên, việc ứng dụng hệ thống lưới điện cho quy mô toàn ngành điện hiện vẫn chưa có kế hoạch cụ thể. Theo ông Trần Anh Thái, có thể trong tổng sơ đồ 7 – kế hoạch của ngành điện giai đoạn 2010-2015 và tầm nhìn đến năm 2020 – sẽ đề cập đến việc phát triển hệ thống lưới điện thông minh.

Ảnh
Ông Trần Anh Thái: "Ứng dụng lưới điện thông minh cần có sự tham gia của nhiều bên từ người làm chính sách đến ngành điện và các công ty sản xuất thiết bị sử dụng điện".

Ông Trần Anh Thái cho rằng ứng dụng lưới điện thông minh là khái niệm rộng, đòi hỏi có sự tham gia của các bên liên quan từ người làm chính sách, các công ty sản xuất điện, truyền tải điện, phân phối điện đến các nhà sản xuất thiết bị sử dụng điện.

Cụ thể, theo ông Thái, Bộ Công Thương cần nghiên cứu ban hành các qui định, văn bản pháp luật và các cơ chế cần thiết để thúc đẩy sự phát triển lưới điện thông minh; đề ra mục tiêu cụ thể đối với từng nhà máy, từng công ty truyền tải và phân phối các chỉ tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất và phân phối năng lượng; và đặt ra yêu cầu triển khai ngay các thành phần cần thiết của lưới điện thông minh.

Việc ứng dụng lưới điện thông minh không chỉ có lợi cho ngành điện và người dùng mà còn giúp tạo ra thị trường cung cấp sản phẩm và giải pháp cho các công ty trong nước.

Theo ICTnews.



Bình luận

  • TTCN (0)