Đề án 112 có năm mục tiêu, với sáu nhóm đề án cụ thể, khởi động năm 2001 và đã kết thúc giai đoạn 1 vào năm 2005. Hơn 1.100 tỉ đồng đã được sử dụng nhưng kết quả thu về là những đống máy móc, tài liệu vô tác dụng.
Mô tả về đề án 112 có thể chia ba phần. Một là "thể xác", gồm toàn bộ hệ thống máy móc, thiết bị. Đầu não là các trung tâm tích hợp dữ liệu (cả nước có 115 trung tâm). "Mạch máu" kết nối từ trung tâm này đến cơ sở (sở, ban, ngành và quận, huyện) là các mạng cục bộ (mạng LAN). Hai là phần "linh hồn" gồm 48 phần mềm ứng dụng để dùng chung và để xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia. Phần thứ ba là con người sử dụng (thông qua các chương trình đào tạo).
"Đầu không có não" và "máu không có mạch"
115 trung tâm dữ liệu đặt tại các bộ ban ngành, tỉnh thành. Trung tâm đáng quan tâm nhất xét theo mọi nghĩa là trung tâm đặt tại Văn phòng Chính phủ.
Nhưng lạ lùng thay, sau bảy năm triển khai, nay trung tâm này vẫn là những đống máy móc bất động, vô tác dụng. Hàng ngàn tỉ đồng đã đổ ra, mục tiêu điện tử hóa từ cấp huyện trở lên nhưng đến giờ này ngay cả công việc từ Văn phòng Chính phủ liên quan đến các cơ quan khác, phần việc khác của Chính phủ vẫn phải làm thủ công. Lý do: mạng cục bộ của văn phòng này chưa thể nối được với mạng diện rộng của Chính phủ.
Phần lớn các trung tâm dữ liệu được xem là có hoạt động hiện chỉ thực hiện được việc tương tự như các máy tính của một cửa hàng dịch vụ Internet ngoài phố là... vào các trang web. Tại Sở Kế hoạch - đầu tư tỉnh Đồng Nai - một điểm hưởng thụ đề án - cho đến giữa tháng 4-2007 các máy trạm vẫn đang "ngủ trong kho" dù thời gian bảo hành đã hết. Hai máy chủ vẫn còn lơ lửng đâu đó, chưa được hình thành... Tại Cục Thống kê Cần Thơ thì thiết bị quan trọng là Cisco PIX Firewall 501 Bundle tuy có tên trong giấy tờ thanh toán tiền nhưng hình bóng vẫn còn trong... thế giới ảo.
Các trung tâm dữ liệu là đầu não nhưng thực tế chỉ mới là các "hộp sọ” chưa có hoặc chưa hoàn chỉnh não. Còn "mạch máu" - tức các mạng cục bộ - thì cơ bản cũng đang dở dang. Tại những điểm trung tâm dữ liệu chưa hoạt động, đương nhiên mạng LAN có cũng như không. Những nơi lắp đặt xong như Yên Bái mới xây dựng được 16/49 mạng. Hải Phòng mới có 28/40 mạng... Tất cả mạng LAN của các đơn vị được kiểm toán đều không thể kết nối với mạng thông tin của Đảng.
Những phần mềm "vịt giời"
Ban điều hành 112 Chính phủ xây dựng 48 phần mềm. Ba phần mềm tốn nhiều tiền nhất - hơn 87 tỉ đồng - mang tên: hệ chương trình quản lý văn bản và hồ sơ công việc cấp tỉnh; hệ thống thông tin điện tử tổng hợp kinh tế - xã hội cấp tỉnh và trang thông tin điện tử phục vụ quản lý. Cả ba đã xây dựng xong và triển khai diện rộng.
Thế nhưng hiện nay, qua kiểm tra, chỉ có một phần mềm đơn giản nhất sử dụng được. Đó là phần quản lý văn bản và hồ sơ. Tuy vậy, ngay trong phần mềm này cũng chỉ khai thác được một phần nhỏ chức năng của nó là quản lý công văn đến và công văn đi. Thực chất mới dừng ở công đoạn cập nhật, tức là giống như việc ghi vào sổ mà các nhân viên văn thư xưa thường viết tay. Yên Bái là tỉnh tiên phong được triển khai thí điểm các phần mềm này.
Và phần mềm thay chức năng ghi sổ vừa nói trên cũng chỉ có 7/44 đơn vị sử dụng được. Riêng tại Bộ Kế hoạch - đầu tư, phần mềm này được triển khai tương đối chu đáo, nhưng lại xuất hiện một bất ngờ về giá tiền. Đó là Ban điều hành 112 Chính phủ ký hợp đồng xây dựng phần mềm trên hết 970 triệu đồng; trong khi ngay thời điểm đó, Công ty TNHH An ninh mạng BKAV gửi đến bộ này bản báo giá một phần mềm có đầy đủ 19 chức năng như phần mềm của Ban điều hành 112 Chính phủ đang xây dựng với giá chỉ 231 triệu đồng, xấp xỉ 25% mức giá đã thực hiện... 45 phần mềm dùng chung còn lại đang hoàn toàn nằm trong... ý tưởng và "đang triển khai bước đầu" chưa có ai biết chúng "mồm ngang mũi dọc" ra sao. Tuy nhiên gần 23 tỉ đồng đã được thanh toán cho 45 phần mềm "vịt giời" này.
Một số đơn vị "tích cực" hơn đã chủ động triển khai các phần mềm cho mình nhưng tiếc thay, họ chỉ "tích cực" về chuyện chi tiền, còn sản phẩm vẫn là "vịt giời" hoặc liên tục bị xóa sổ để mua sản phẩm khác giống y như cũ. Tại Bộ Giáo dục - đào tạo, đến nay trung tâm tin học của bộ chưa hề sử dụng một sản phẩm phần mềm nào của ban điều hành 112 thuộc bộ. Tuy vậy, văn phòng bộ đã ký hợp đồng với Công ty công nghệ tin học Tinh Vân và thanh toán 300 triệu đồng để xây dựng trang web cho bộ. Trang web này đến nay vẫn không thấy đâu. Chưa dừng lại, năm 2004 văn phòng bộ lại vung tiếp 444 triệu đồng cho Công ty máy tính truyền thông CMC để xây dựng phần mềm "Chương trình quản lý văn bản" và tới giờ "đàn vịt giời" ấy vẫn chưa thấy về.
Cán bộ đã học được gì?
Có thể nói chương trình đào tạo công chức qui mô, tốn kém nhất từ trước đến nay chính là đề án 112 với hàng trăm tỉ đồng, hàng núi tài liệu và hơn 2.600 lớp học với 51.000 học viên tham dự. Mục tiêu đề ra là: phổ cập công nghệ thông tin cho cán bộ lãnh đạo, chuyên viên và cán bộ nghiệp vụ của các cơ quan hành chính cấp huyện trở lên để có đủ khả năng sử dụng máy tính và mạng máy tính trong xử lý công việc thường xuyên.
Suốt năm năm triển khai đề án, do quá mải mê xài tiền nên đến khi kết thúc giai đoạn 1 thì khắp nơi mới bắt đầu triển khai công tác đào tạo cán bộ. Nhiều ban điều hành 112 đã "vơ” cả những cán bộ không thuộc công chức hành chính (không phải đối tượng đào tạo) vào lớp. Đó là Hà Giang 100 người, Lào Cai 148 người, Phú Thọ 82 người... Tốt nghiệp rồi, ở Lạng Sơn có 50% học viên không làm được việc. Kiểm tra tại huyện Cao Lộc và Sở Thương mại, nhiều cán bộ "lều chõng" đi học về nhưng khi cho làm thử thì cứ... cười. Tại nhiều tỉnh, "chuyên viên IT" chữ thầy trả thầy, không đáp ứng được nhiệm vụ được giao.
Và đến giờ này trong kho của các ban điều hành vẫn còn gần 25.000 cuốn giáo trình dư thừa đang dần mục nát.
Tổng kết hiệu quả năm nhóm mục tiêu của đề án như sau:
Thứ nhất: Xây dựng hệ thống tin học hóa quản lý hành chính nhà nước, phục vụ trực tiếp công tác chỉ đạo điều hành trong hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước, hoàn thiện và thống nhất áp dụng các chương trình ứng dụng phục vụ quản lý điều hành: các mạng LAN không thể kết nối, chưa phục vụ được công tác chỉ đạo điều hành của Thủ tướng, lãnh đạo bộ ngành, địa phương; các phần mềm chưa thể hoạt động và vẫn thiết kế dựa vào qui trình thủ tục hành chính cũ.
Thứ hai: Tổ chức xây dựng và tích hợp các cơ sở dữ liệu quốc gia: quá chậm, mới chỉ xác định xong giải pháp khả thi.
Thứ ba: Tin học hóa các dịch vụ công: mới đang thử nghiệm một số dịch vụ tại TP.HCM và các ngành thuế, hải quan, hàng không...
Thứ tư: Đào tạo tin học, phổ cập CNTT cho cán bộ lãnh đạo, chuyên viên và cán bộ nghiệp vụ của các cơ quan hành chính cấp huyện trở lên: nghiệp vụ cán bộ chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Thứ năm: Thúc đẩy cải cách hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước: thất bại hoàn toàn.
(Theo Tuoitre)
Bình luận
Càng xem nhiều thì càng thấy "sợ" đề án 112 này, chẳng dám bình luận gì... chỉ mong trách nhiệm được đánh giá rõ ràng.
Theo nguyên tắc, 1 dự án thất bại nặng nề thì không chỉ quan bản lý mà còn các bên liên quan (nhất là đội ngũ giám sát đề án) đều phải chịu trách nhiệm hoàn toàn. Vị trí càng cao, trách nhiệm phải chịu càng lớn.
Chặc chặc...mấy ông nhà nước chỉ làm khổ dân đen, chẳng biết tiền đầu tư vào đó lấy từ đâu-không phải là từ dân mà ra àh, chẳng hiểu tại sao một cái đề án lớn vậy mà cả nước tin học hóa chẳng được tẹo nào, [i]chắc nguyên nhân sâu xa nào đó[/i] 8) chứ làm gì phải là đưa tin học phổ cập cho các cấp cán bộ gặp nhiều khó khăn...